Mặc dù vẫn khẳng định, chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng và vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Mỹ và phương Tây đưa ra, tuy nhiên cho đến thời điểm này, có thể thấy Mỹ và các đồng minh vẫn hết sức thận trọng trước khi đưa ra quyết định can thiệp quân sự vào Syria.Sau khi
Hạ viện Anh trong phiên bỏ phiếu ngày 29/8 đã bác bỏ đề xuất của Chính phủ nước này kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria, ngày 31/8, Nhà Trắng đã trình lên Quốc hội Mỹ bản
dự thảo nghị quyết cho phép tiến hành can thiệp quân sự nhằm vào chính phủ Syria sau những cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học hồi tuần trước. Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết, ông
sẽ tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội trước khi tiến hành các hoạt động quân sự tại Syria.Trong một động thái mới nhất, Pháp - một đồng minh thân cận của Mỹ trong tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Pháp đưa ra hôm 31/8 cũng cho biết,
sẽ chờ Quốc hội nước này xem xét khả năng về cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.Động thái trên của Mỹ và các đồng minh phương Tây cho thấy, việc tiến hành
các hành động can thiệp quân sự vào Syria sẽ không diễn ra trong một sớm, một chiều. Bản thân các quốc gia này cũng thấy cái giá phải trả cho hành động can thiệp quân sự vào quốc gia khác. Theo Cơ quan khảo sát BVA của Pháp, 64% số người tham gia khảo sát mới đây cho biết,
họ phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.
|
Đoàn xe của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc rời Syria từ sáng sớm 31/8 (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV) |
Liên quan đến những cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, sáng sớm 31/8, Nhóm thanh sát viên của Liên Hợp Quốc làm nhiệm vụ
điều tra các cáo buộc của các bên Syria về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã kết thúc công việc của mình và rời khỏi đất nước này.Cùng ngày,
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, coi đó là những lời lẽ "vô lý" đồng thời yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng.Trả lời báo giới tại thành phố Vladivostok về việc chính quyền Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ông Putin xác nhận: "Quân đội Chính phủ Syria đang ở thế tấn công và bao vây phe đối lập tại nhiều khu vực. Trước tình hình đó, việc trao quân át chủ bài cho những ai đang kêu gọi một hành động can thiệp quân sự là hết sức phi lý."Vấn đề Syria cũng đang tiếp tục
gây chia rẽ quan hệ Nga và Mỹ vốn căng thẳng sau vụ bế bối gián điệp liên quan đến những tiết lộ của cựu điệp viên Snowden. Ngày 31/8, hãng tin RIA Novosti đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng nước này ông John Kerry với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vốn được lên kế hoạch từ trước.
|
Một hệ thống tên lửa Scud cùng loại với tên lửa mà Syria đang sở hữu (Ảnh minh họa) |
Chỉ vài giờ sau khi các chuyên gia vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc rời khỏi Syria, một quan chức an ninh của chính quyền Tổng thống Assad nói rằng, nước này đã sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công quân sự cũng như
tiến hành trả đũa ‘bất cứ lúc nào”.Nguồn tin tình báo cũng cho biết, quân đội Syria đã di chuyển nhiều tên lửa Scud và hàng chục bệ phóng từ một căn cứ phía bắc Damascus để tránh các cuộc tấn công có thể và sẵn sàng đáp trả nếu bị can thiệp quân sự.Truyền thông Lebanon cho biết Syria
đã triển khai khoảng 500 tên lửa Scud nhằm vào Israel trong bối cảnh truyền thông Mỹ đang “khua chiêng múa trống” về việc nước này chuẩn bị hành động quân sự nhằm vào Syria.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị ADMM+ tại Brunei ngày 29/8 (Ảnh: AFP) |
Ngày 29/8, Bộ trưởng và các quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Mỹ) đã tham dự
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Brunei. Đoàn Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị.Tại ADMM+, các bộ trưởng tập trung thảo luận về
các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế; đánh giá những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực hợp tác đã đề ra cách đây hai năm tại Hà Nội và đưa ra các định hướng phát triển đến năm 2015.
|
Hội đồng Hiến pháp với 9 thành viên là cơ quan có thẩm quyền cao nhất về giải quyết khiếu nại bầu cử (Ảnh: PV/VOV - Phnompenh) |
Chiều 31/8,
Hội đồng Hiến pháp Campuchia đã ra phán quyết bảo lưu quyết định của Uỷ ban Bầu cử Quốc gia Campuchia về giải quyết những khiếu kiện liên quan đến kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 ngày 28/7 vừa qua.Phán quyết của Hội đồng Hiến pháp Campuchia nhấn mạnh, tuy có những vấn đề kỹ thuật trong việc đóng gói một số gói niêm phong “A” các tài liệu gốc tại 13 điểm bầu cử thuộc xã (Svay Chreah, tỉnh Kratie), nhưng những sai sót kỹ thuật này không ảnh hưởng đến kết quả sơ bộ đã được Ủy ban Bầu cử công bố ngày 12/8 vừa qua. Trước đó, phe đối lập là Đảng Cứu quốc Campuchia
dọa sẽ biểu tình lớn vào ngày 7/9 tới - một ngày trước khi công bố kết quả chính thức - nếu không có một cuộc điều tra về kết quả bầu cử, được thực hiện bởi một ủy ban độc lập, không có sự tham gia của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia.
|
Người biểu tình Ai Cập đụng đọ với cảnh sát (Ảnh: Reuters) |
Một ngày sau chiến dịch biểu tình triệu người bất thành lần thứ 2 của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ngày 31/8, Chính quyền lâm thời Ai Cập quyết định
rút ngắn thêm giờ giới nghiêm đang áp dụng tại 14 địa phương của nước này. Theo đó, giờ giới nghiêm mới có hiệu lực từ 11h đêm hôm trước cho tới 6h sáng ngày hôm sau. Riêng ngày thứ 6, ngày nghỉ lễ của người Hồi giáo, lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì từ 7h tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Thông báo của Chính phủ lâm thời Ai Cập khẳng định, việc rút ngắn lệnh giới nghiêm được thực hiện theo ý nguyện của người dân, nhằm giảm bớt gắng nặng cho dân chúng.Cũng trong ngày 31/8, cơ quan Công tố Ai Cập ra lệnh tạm giữ thêm 15 ngày đối với 750 thành viên
Tổ chức Anh em Hồi giáo để phục vụ điều tra về sự kiện bạo lực đẫm máu tại quảng trường Ramses ở trung tâm Cairo hồi giữa tháng 8 khiến hàng trăm người chết và bị thương.
|
Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa (Ảnh: Reuters) |
Chiều 26/8, phiên xét xử bị cáo Bạc Hy Lai đã kết thúc. Tuy nhiên, bị cáo Bạc Hy Lai đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc liên tới việc nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Tòa án Nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, tuyên bố sẽ đưa ra bản án vào một ngày khác.
Trước đó theo kế hoạch, phiên tòa chỉ kéo dài hai ngày, nhưng do tính chất phức tạp nên phiên tòa đã phải kéo dài tới 5 ngày. Phán quyết cuối cùng với ông Bạc Hy Lai sẽ được đưa ra vào một thời điểm chưa được ấn định cụ thể.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Bạc Hy Lai đã khép lại, theo giới quan sát, điều đáng chú ý là Trung Quốc đã cho phép ông Bạc tự bảo vệ mình trước tòa và thông tin trực tiếp toàn bộ quá trình xét xử thông qua phương tiện truyền thông xã hội./.