syria.jpg
Trong ảnh: Các nạn nhân đang được chăm sóc y tế tại ngoại ô Damascus (Wochit)
Ngày 21/8, phe nổi dậy lại cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng trăm người. Cáo buộc được đưa ra đúng vào thời điểm khi đoàn thanh sát của LHQ bắt đầu điều tra về vũ khí hóa học tại Syria. Giới phân tích hoài nghi rằng liệu có phải đây là “cái cớ” để hợp lý hóa các hành động can thiệp quân sự vào Syria, tương tự như kịch bản đã từng diễn ra khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003? 
Trong ảnh: Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tuần hành biểu tình tại Cairo (AFP)
Ngày 21/8, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tiến hành biểu tình và tuần hành tại một số địa phương của Ai Cập, trong đó có thủ đô Cairo. Nhiều nhà phân tích lo ngại chiến dịch biểu tình của phe ủng hộ ông Morsi có thể lại dẫn tới các cuộc đụng độ đẫm máu như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, truyền thông cùng nhiều nhà phân tích Ai Cập khẳng định, các cuộc biểu tình phản kháng của Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày càng suy giảm và số người ủng hộ ngày càng ít đi.
Trong ảnh: Ngoại trưởng, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Javad Zarif (AFP)
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vừa chính thức được cử dẫn đầu đoàn đại biểu Iran tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân với các nước thuộc nhóm P5+1. Quyết định bổ nhiệm ông Javad Zarif giữ chức Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân đã cho thấy thành ý của Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani nhằm giảm bớt sự đối đầu đang tồn tại giữa các bên. Ông Zarif cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước phương Tây sau khi được bổ nhiệm chức Ngoại trưởng Iran.
Trong ảnh: Người dân phẫn nộ biểu tình, yêu cầu trừng phạt thích đáng kẻ thủ ác (Reuters)
Tối 22/8, một nữ nhà báo 23 tuổi đã bị 5 nam giới hãm hiếp tập thể tại thành phố Mumbai, Ấn Độ. Kẻ tình nghi thứ hai bị bắt giữ nửa đêm 23/8, chỉ ít giờ sau khi kẻ tình nghi thứ nhất bị bắt giữ. Vụ nữ phóng viên ảnh vừa bị hãm hiếp tập thể một lần nữa dấy lên làn sóng biểu tình dữ dội. Khoảng 1.000 người tối 23/8 tập trung tại khu vực phía Nam thành phố Mumbai để biểu tình. Các tầng lớp nhân dân, các chính đảng, các hội y tế và cả “kinh đô điện ảnh” Bollywood cũng bày tỏ sự căm phẫn trước vụ nữ phóng viên ảnh bị hãm hiếp tập thể và yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ phạm tội.
Trong ảnh: Đám tang binh sĩ bị thiệt mạng tại Kashmir (Wochit)
Quân đội Pakistan cho biết, trưa ngày 22/8, binh lính Ấn Độ lại vô cớ xả súng tại Ranh giới kiểm soát ở Kashmir làm một binh sĩ của Pakistan tử vong. Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu đại diện cấp cao của Ấn Độ tại Islamabad tới để phản đối. Các vụ đụng độ liên tiếp trong thời gian gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Ranh giới kiểm soát có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 bên, đồng thời khắc sâu thêm những căng thẳng trong mối quan hệ “rạn nứt” giữa 2 quốc gia láng giềng Nam Á này.
Trong ảnh: Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa (Reuters)
Sáng 22/8, vụ án ông Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc), nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng chức quyền được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông Bạc Hy Lai là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bị đưa ra xét xử công khai trong thời gian gần đây, điều này cho thấy quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong phòng chống tham nhũng. 

Tại phiên xét xử, ông Bạc Hy Lai đã bác bỏ cáo buộc 3 lần nhận hối lộ với số tiền 1,1 triệu Nhân dân tệ từ Đường Tiêu Lâm, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu phát triển quốc tế Hong Kong, ông cũng bác bỏ hoàn toàn lời làm chứng của vợ ông là Cốc Khai Lai đối với cáo buộc này.

Các cuộc đoàn tụ gia đình 2 miền Triều Tiên bắt đầu từ tháng 11/2010 (Ảnh AFP)
Ngày 23/8, tại cuộc đối thoại cấp chuyên viên của Hội Chữ Thập đỏ hai miền Triều Tiên tại Nhà Hòa bình thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào tháng 9 tới. 
Trong ảnh: Các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích (Reuters)
Nhà chức trách Philippines ngày 23/8 cho biết đã tiến hành cuộc điều tra chính thức vụ va chạm giữa chiếc phà St Thomas Aquinas và tàu chở hàng làm ít nhất 80 người thiệt mạng và 40 người mất tích vào ngày 16/8. Chính quyền thành phố Butuan đã tuyên bố để tang 3 ngày đối với các nạn nhân thiệt mạng. Thị trưởng thành phố Butuan Ferdinand Amante Jr cũng yêu cầu tất cả các tổ chức, địa điểm công cộng trong thành phố treo cờ rủ trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 23/8./.