Người nhập cư, vấn đề hóc búa của EU

Từ đầu năm, đặc biệt là thời gian gần đây, dòng người di cư ùn ùn đổ tới châu Âu từ các ngả. Người châu Phi vượt qua Địa Trung Hải tới Italy, Hy Lạp; người Trung Đông tìm cách vượt qua Hungary, Croatia, Macedonia, Serbia, Bosnia-Herzegovina, Albania, Montenegro, Kosovo… vào Đức và Áo.

nhap_cu_nnrs.jpg
Đoàn người nhập cư đổ về khu vực biên giới Hungary- Croatia. Ảnh AFP

Số lượng mỗi ngày lên tới hàng ngàn người, với những thảm kịch thường xuyên như đắm tầu, chết ngạt trong các phương tiện di chuyển, bị cảnh sát đường biên xua đuổi, bị hàng rào dây thép gai ngăn chặn, đói rét trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Dư luận vẫn còn bàng hoàng trước thảm kịch 71 người di cư chết ngạt trong một thùng xe tải tại thị trấn Pandoft thuộc Áo hồi cuối tháng 8, và hết sức xúc động trước hình ảnh một em bé ba tuổi, chết trên bãi cát ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/9, trên đường di cư.

Đây là hệ quả tất yếu của tình hình bất ổn với các cuộc xung đột triền miên ở châu Phi, Trung Đông như Libya, Tunisia, Mali, Nigieria, Syria và Iraq. Người ta chấp nhận bỏ nhà cửa, quê hương để trốn chiến tranh, khủng bố, chết chóc, đánh liều tìm đến chốn được coi là "thiên đường" là châu Âu.

Mức tăng đột biến của số người tỵ nạn đã trở thành vấn đề thời sự đau đầu của EU. Lãnh đạo các thành viên chủ chốt của EU như Pháp, Anh, Đức, Italy... đã liên tục trao đổi, nhóm họp để bàn thảo về vấn đề này (mà gần đây nhất là các cuộc họp ở Prague (Séc) và Brussels (Bỉ)  trong các ngày 22-23/9, nhưng vẫn chưa tìm ra được một giải pháp thống nhất, toàn diện.

Thái độ khó hiểu của Pháp

Chính phủ Pháp vẫn thể hiện sự quan tâm, cạn dự của mình trước vấn đề khi có mặt tại tất cả các cuộc họp khẩn và thường xuyên có các cuộc điện đàm trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu khác về vấn đề người di cư.

Có thể ghi nhận điều đó qua chuyến thăm eo Calais hồi đầu tháng Tám của Thủ tướng Pháp Manuel Valls, cùng Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cùng Cao ủy Phụ trách vấn đề nhập cư của EU Dimitris Avramopoulos.

Calais thuộc miền Bắc nước Pháp, nơi có đường hầm qua eo biển Manche, nối liền Pháp với Anh. Trong tháng Tám, nơi đây đã trở thành điểm nóng nhập cư từ Pháp vào Anh.

Ngày 7/9, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, nước này sẽ tiếp nhận 24.000 người nhập cư, đồng thời kêu gọi các thành viên EU chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng.       

Trước đó, vào tháng 6, Pháp đã thông qua kế hoạch tăng cường khả năng đón tiếp với việc xây thêm các lán trại đủ khả năng bố trí chỗ ăn nghỉ cho 11.000 người, với số tiền là 36 triệu Euro trong 6 tháng cuối năm nay. Các nỗ lực này sẽ được tiếp tục trong năm 2016 với tổng số tiền lên đến 112 triệu Euro.

Pháp cũng tham gia cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ các nước EU ngày 14/9 và một số cuộc họp khác nhằm tìm ra giải pháp chung cho vấn đề người nhập cư.

Tuy nhiên, với một cái nhìn tổng quan, thái độ của Pháp dường như chưa tương xứng với vị thế và truyền thống của nước này trong các vấn đề đối ngoại và nhân đạo của châu Âu và trên thế giới.      

Nguyên nhân từ đâu?

Những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, khi Pháp rất cởi mở với vấn đề nhập cư do được hưởng ba thập kỷ thành công liên tiếp về kinh tế -xã hội. Người ta ghi nhận sự ủng hộ của giới trí thức Pháp thời ấy cho vấn đề này, với những cái tên như  Jean-Paul Sartre (nhà văn, nhà triết học) hay Raymond Aron (nhà báo kiêm nhà sử học, triết gia, chính khách).

Khác với thời đó, nước Pháp hiện nay đang phải đối mặt với tình hình kinh tế-chính trị hết sức khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy (10%), đời sống của nhiều người gặp nhiều khó khăn.

Hoàn cảnh đó kích thích tư tưởng cực hữu phát triển. Người ta cho rằng người nhập cư là nguyên nhân khiến vấn đề công ăn việc làm khó khăn, vấn đề an ninh phức tạp hơn, bản sắc văn hóa Pháp không được bảo vệ và đang bị lấn át bởi văn hóa Arab - Hồi giáo, văn hóa châu Phi và các thứ văn hóa ngoại lai khác.

Bản thân tầng lớp trung lưu và trí thức, được coi là bộ phận tiến bộ ở Pháp, vốn ủng hộ chính sách cởi mở với người nhập cư, cũng thể hiện thái độ lưỡng lự, thậm chí có phần ngả theo cánh hữu có tư tưởng bài ngoại.

Thành công của Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) thuộc phái cực hữu của Marie le Pen trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương vừa qua ở Pháp phản ánh xu thế này.

Nhiều người Pháp muốn bảo vệ văn hóa truyền thống đã ủng hộ cuộc vận động của FN với những khẩu hiệu mạng nặng tư tưởng dân tộc cực đoan, bài ngoại như: "Vì bản sắc Pháp", "Nói không với nước Pháp cosmopolite (đa sắc tộc)", "Hướng tới một đội tuyển Pháp trắng hóa"...

Xu thế ấy được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ trước hành loạt các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Pháp, mà đỉnh cao là cuộc tấn công đẫm máu tòa báo Chalie Hebdo ngay ở trung tâm thủ đô Paris hồi tháng 1/2015.

Chưa kể tới sự gia tăng của các hành vi gây mất trật tự công cộng, ăn cắp, cướp giật, các tệ nạn xã hội...thường xẩy ra trong một bộ phận người nhập cư gốc Arập - châu Phi.

Hội chứng của cuộc bạo động do bức xúc của đám thanh niên nhập cư thất nghiệp cuối năm 2007 với hàng trăm cửa hiệu và xe hơi bị đốt còn đó và sẵn sàng tái diễn. 

Tại Saint Denis, một thành phố ngoại ô Paris có nhiều người gốc Arập - châu Phi sinh sống, cảnh sát khu vực dường như đã quá quen, đến mức bàng quan, với cảnh người có xe hơi bị lưu manh đập cửa kính, lấy đồ đến trình báo.  

Mặc dù đang nắm quyền, nhưng Đảng Xã hội, đại diện cho cánh tả Pháp hiện đứng trước sức cạnh tranh và thách thức rất lớn của cánh hữu. Tỷ lệ phiếu bầu giảm sút mạnh trước thế đang lên của cánh hữu trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương vừa qua là lời cảnh báo. Và có lẽ điều đó tác động không nhỏ đến thái độ chưa đủ mạnh mẽ của Chính phủ Pháp với vấn đề nhập cư.

Theo những nghiên cứu khách quan, Pháp không phải là nước đầu cầu hứng chịu làn sóng nhập cư (nếu so với Italy, Hy Lạp). Pháp cũng không phải là nước có số lượng người nhập cư cao nhất và phải đương đầu với "sự bùng nổ" người nhập cư.

Về mặt này, Pháp đứng sau Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy. Trong khoảng 30 năm (từ đầu những năm 1980 đến nay) tỷ lệ người nhập cư trong dân số chỉ tăng trên 1,2 điểm (từ 7,2% lên 8,4%). Tỷ lệ người nước ngoài trong dân số Pháp chỉ là 5,9%, thấp hơn nhiều nước EU khác như Anh (7,6%); Italy (7,9%), Đức (9,1%), Bỉ 11%, Tây Ban Nha 11,2% ..

Và cũng như nhiều nước châu Âu khác, cộng đồng nhập cư góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, bù đắp những lỗ hổng trong vấn đề lao động của Pháp, khi mà dân Pháp đang bị già hóa và thiếu hụt do không chịu sinh con.

Người ta đang chờ đợi thái độ ứng xử của Pháp với vấn đề di cư trong các cuộc họp sắp tới của EU./.