New York Timesngày 16/8 đưa tin, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, cá nhân ông rất muốn chứng kiến lần đầu tiên Liên Hợp Quốc có một Tổng Thư ký là phụ nữ kể từ khi thành lập cách đây hơn 70 năm.

ban_ki_moon_dhye.jpg
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. (Ảnh: New York Times)

Đã đến lúc Liên Hợp Quốc có nữ Tổng Thư ký

Ở vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của mình trên cương vị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban chia sẻ, “giờ đã đến lúc” tổ chức này cần một Tổng Thư ký là nữ sau khi 8 đời Tổng Thư ký trước đó đều là nam giới.

Hiện tại, cuộc chạy đua cho chiếc ghế Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có 11 ứng cử viên. Trong đó có 6 người đàn ông và 5 phụ nữ.

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, quyết định không phụ thuộc vào ý kiến của ông mà phụ thuộc vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Chính Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ đề cử ứng viên duy nhất cho Đại Hội đồng thông qua.

Trong phát biểu được đưa ra ngày 15/8, ông Ban nhấn mạnh rằng, phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới và chính vì vậy họ cần được trao quyền và “cơ hội bình đẳng”.

Trả lời phỏng vấn AP, ông Ban nói: “Chúng ta đã thấy có nhiều lãnh đạo là nữ giới ở nhiều quốc gia. Nữ giới cũng có vị trí quan trọng tại nhiều tổ chức hoặc các cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng chính trị, văn hóa và trong mọi khía cạnh của đời sống nhân loại. Chẳng có lý do gì họ không làm được điều đó ở Liên Hợp Quốc”.

Không nhắc đến một cái tên cụ thể nào, ông Ban nói: “Có nhiều phụ nữ là nhà lãnh đạo xuất sắc, họ là những người thực sự có thể thay đổi thế giới này và tham gia tích cực với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới”.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, chính vì lý do này mà ông đề nghị các nước có liên quan cần cân nhắc lời gợi ý của ông. Ông Ban cũng đánh giá cao việc Đại hội đồng lần đầu tiên để các ứng cử viên công khai tranh luận về kế hoạch của mình nhằm thuyết phục các nước bỏ phiếu cho họ trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Không dễ để Liên Hợp Quốc có nữ Tổng Thư ký

Theo thông lệ, chức danh Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc được “xoay vòng” cho đại diện của các khu vực trên thế giới. Các quốc gia Đông Âu trong đó có Nga cho rằng, họ chưa bao giờ có một Tổng Thư ký và lần này phải đến lượt họ. Hiện một nhóm gồm 56 quốc gia đang tích cực vận động để Liên Hợp Quốc lần đầu tiên có Tổng Thư ký là phụ nữ.

Bà Irina Bokova là một trong số các nữ ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. (Ảnh: panorama)

Trong hai cuộc thăm dò không chính thức gần đây, ứng cử viên là nữ nhận được sự ủng hộ cao nhất cũng chỉ đứng thứ 3, điều này đã gây thất vọng cho nhiều người. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, cựu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres đang là ứng cử viên sáng giá nhất khi dẫn đầu trong cả 2 cuộc thăm dò nói trên.

Nếu chỉ tính riêng các ứng cử viên nữ, trong cuộc thăm dò đầu tiên, bà Irina Bokova, người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) “cán đích” ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát sau đó, bà Bokova chỉ về thứ 5 và vị trí thứ 3 lại thuộc về bà Susana Malcorra, người hiện là Ngoại trưởng Argentina và từng là Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc giai đoạn 2008-2012.

Trong bối cảnh bình đẳng giới là một vấn đề được Liên Hợp Quốc quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ Tổng Thư ký. Bà Bokova được xem là ứng cử viên nổi bật, khi vừa là đại diện của khu vực Đông Âu và lại có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngoài bà Bokova và bà Malcorra, một nữ ứng cử viên khác cũng đang thu hút được nhiều sự chú ý là Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) - cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Bà Clark từng được mệnh danh là “một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở Liên Hợp Quốc”. Vai trò của bà tại UNDP đã được nói đến rất nhiều và các quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đều yêu mến bà.

Chia sẻ về phẩm chất cần phải có của người giữ vai trò là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban nhấn mạnh, “đó phải là người có tầm nhìn rõ ràng cho tương lai của thế giới”, phải toàn tâm toàn ý, cam kết thúc đẩy hòa bình, nhân quyền và có đủ khả năng giải quyết linh hoạt những vấn đề khó thông qua đối thoại.

Người kế nhiệm ông cũng cần phải “có tâm và có tầm” để bảo vệ phẩm giá của con người, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em gái, người tàn tật và nhóm dân tộc thiểu số.

“Nếu không phải là Liên Hợp Quốc thì ai, tổ chức nào sẽ chăm sóc những đối tượng đó?”, ông Ban đặt câu hỏi./.