Sáng 19/4/2019, Hội nghị lần thứ 44 Ban chấp hành Tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Hội nghị lần này có chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”.
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị Ban chấp hành OANA lần 44. |
Sự kiện tập trung thảo luận 3 nội dung, gồm (1) chiến lược của các hãng thông tấn để ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin (tập trung vào các nội dung video và nền tảng YouTube), (2) tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí, và (3) giành lại niềm tin đối với báo chí chính thống.
Đại biểu của nhiều hãng thông tấn thành viên của OANA tham dự sự kiện này, bao gồm TASS (Nga), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Kyodo (Nhật Bản), Yonhap (Hàn Quốc), AzerTac (Azerbaijan), AAP (Australia), BTA (Bulgaria), WAM (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất), IRNA (Iran), Bernama (Malaysia), và Kazinform (Kazakhstan).
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chào mừng tại Hội nghị Ban chấp hành OANA 2019.
Áp lực kép đối với nhà báo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận OANA đã trở thành tổ chức về truyền thông lớn, cung cấp tới 2/3 lượng thông tin toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Nêu số người sử dụng internet là hơn 4 tỷ, số người dùng mạng xã hội là hơn 3 tỷ, Phó Thủ tướng chỉ rõ điều này tạo ra cho báo chí truyền thông áp lực cạnh tranh từ mạng xã hội. Theo ông, nhà báo chịu sức ép lớn “vừa phải đảm bảo duy trì những nguyên tắc cơ bản của báo chí, vừa phải kịp thời tự làm mới để không bị tụt lại phía sau”.
Liên quan đến chủ đề Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Một nền báo chí sáng tạo sẽ cuốn hút công chúng. Một nền báo chí chuyên nghiệp sẽ duy trì và củng cố niềm tin trong công chúng, đặc biệt trong bối cảnh tin giả đang bào mòn lòng tin của xã hội đối với truyền thông. Thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng sáng tạo, chuyên nghiệp sẽ tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức báo chí trong thực thi sứ mệnh của mình”.
Thách thức từ sự cạnh tranh “không công bằng”
Trong phát biểu của mình tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã đề cập những bất lợi mà nhà báo chuyên nghiệp phải đối mặt hiện nay, đó là thách thức từ những nguồn tin không cần kiểm chứng.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi. |
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, có tới 52% trong số 7,7 tỷ dân thế giới hiện nay là cư dân mạng và họ dùng internet không chỉ để giao tiếp qua lại mà còn để cung cấp thông tin. Ông Lợi cho rằng việc cư dân mạng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan truyền tin tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt đối với báo chí chính thống, và đẩy báo chí tới chỗ phải cạnh tranh với chính công chúng của họ.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh, sự cạnh tranh ở đây mang tính “không công bằng”. Ông giải thích sự khác biệt nằm ở chỗ: Báo chí chuyên nghiệp thì phải kiểm chứng thông tin, phỏng vấn nhân vật, hay thu thập dữ liệu liên quan trong khi nhiều tổ chức và cá nhân có thể dùng các trang blog, các mạng xã hội để phát tán không giới hạn nhiều thông tin chưa kiểm chứng, mang tính chủ quan, thậm chí có mưu đồ xấu (như để trục lợi hay gây hỗn loạn xã hội...).
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi thừa nhận, việc tin giả và tin thật tồn tại song hành trên nhiều nền tảng truyền dẫn đã khiến một bộ phận công chúng đánh mất niềm tin vào báo chí chính thống.
Nhu cầu sống còn tự đổi mới và thích ứng về công nghệ
Chủ tịch OANA Aslan Aslanov cho biết, báo chí hiện đại đã trải qua những thay đổi lớn lao do các tiến bộ về công nghệ. Ông nhấn mạnh các ưu tiên hàng đầu hiện nay của báo chí truyền thông là ứng dụng kịp thời các đổi mới sáng tạo, thu lợi từ các lợi thế công nghệ, và sẵn sàng đối diện với các xu hướng tương lai.
Chủ tịch OANA Aslan Aslanov phát biểu. |
Chủ tịch OANA cũng nêu một thách thức là phải đồng thời duy trì các giá trị truyền thống của báo chí. Ông Aslan Aslanov chỉ ra các thách thức như sau: Truyền thông trực tuyến và các mạng xã hội đang mở rộng, với một xu hướng nguy hiểm là tin giả đang ngày càng nhiều. Báo chí phải thường xuyên nỗ lực giải quyết các thách thức này, duy trì tính chính xác, khách quan và không thiên vị của tin tức.
Chủ tịch Aslan Aslanov hối thúc các hãng thông tấn cần hiện đại hóa tổ chức của mình và tạo ra những cơ chế trao đổi tin linh hoạt hơn trong bối cảnh ngày nay.
Chặng đường 6 thập kỷ của OANA
Tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) được thành lập năm 1961 theo sáng kiến của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO), với mục tiêu tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực. Sau 6 thập kỷ, thành viên của OANA đã lên tới con số 44 hãng thông tấn thuộc 35 nước trong khu vực.
OANA vừa là diễn đàn báo chí uy tín trong khu vực và trên thế giới, vừa là diễn đàn nghiệp vụ chất lượng cao giữa các nhà báo hàng đầu khu vực.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) gia nhập OANA vào năm 1969 và là một trong những thành viên tích cực của tổ chức quốc tế này. Hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam được bầu làm thành viên Ban chấp hành OANA trong 2 nhiệm kỳ 3 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay. Đây là lần thứ tư TTXVN đăng cai Hội nghị Ban chấp hành OANA, sau các hội nghị vào các năm 1989, 1999 và 2005.
Theo Chủ tịch OANA Aslan Aslanov, việc tổ chức sự kiện này ở Hà Nội là một đóng góp của chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển truyền thông, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các tổ chức báo chí.
Một số hình ảnh khai mạc Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 44:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển (hàng trước, bìa trái) dự lễ khai mạc BCH OANA ở Hà Nội vào sáng 19/4. |
Các đại biểu dự hội nghị. |
Góc triển lãm của hãng thông tấn Nga TASS. |
Góc triển lãm của hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu./. |