Có một anh nhà báo đồng nghiệp học rất bài bản về báo chí đã nói chắc nịch với tôi về công việc của mảng tin bài quốc tế như sau: “Các ông chỉ dịch thôi, có làm báo đâu”. Ý của đồng nghiệp này là mảng tin bài quốc tế chẳng qua chỉ là “khai thác” từ báo nước ngoài mà thôi, đại khái lấy sẵn ở nguồn nào đó ra để mà dùng chứ chẳng lao động báo chí gì nhiều.
Nói như anh nhà báo kia, khái niệm nghề báo dường như bị thu hẹp lại rất nhiều và bị “cứng hóa”. Trong khi đó, trên thực tế nghề báo gồm nhiều loại hình, nhiều lĩnh vực, nhiều khâu, nhiều mảng vô cùng đa dạng và sinh động. Khái niệm nhà báo không chỉ giới hạn vào phóng viên, mà còn gồm cả biên tập viên, thư ký tòa soạn, và nhiều vị trí công việc khác nữa.
Hình ảnh minh họa tàu đánh cá (trái) và cây bút. Nguồn ảnh: Projectaware và Wisegeek. |
Phải chăng nghề báo “chính cống” là không có chuyện “khai thác” và dịch thuật? Phải chăng, theo cách hiểu của anh đồng nghiệp này, làm báo là phải có cái gì đó tự động hoàn toàn từ trong đầu chui ra và in lên giấy? Viết báo là phải tự động “phun châu nhả ngọc” mà không cần nạp gì từ ngoài vào? Vậy nghề báo là gì và khai thác là gì?
“Ngư dân”
Qua thực tế, tôi thấy nghề báo, kể cả chuyên nghiệp nhất chăng nữa thì trong xương tủy vẫn có chức năng phản ánh thực tiễn, và do đó không thể thoát ly cái gọi là khai thác. Nói rộng ra, nghề báo cũng như nghề đánh cá vậy. Nghe hơi kỳ cục nhưng quả thực đúng như vậy. Còn những nhà báo chúng ta khi ấy là các “ngư dân”. Các ngư dân thực thụ sẽ không bán “cá giả” (như kiểu nhà báo thiếu đạo đức chế ra tin giả - “fake news”).
Nói cách khác, nghề báo không hẳn là nghề hư cấu, rất không nên bị nhầm lẫn với nghề văn. Chúng ta không tự phun ra thông tin. Chúng ta không phải là nhà sản xuất thông tin thuần túy.
Vậy chúng ta làm gì? Chúng ta là những người săn tin. Khi bắt được tin hay, là bắt được chú cá lớn. Khi tổ chức được chiến dịch thông tin, chúng ta đánh được một mẻ cá lớn. Khi thông tin là hữu ích, điều đó có nghĩa rằng cá đánh bắt được là bổ dưỡng, phục vụ tốt đời sống của người tiêu dùng, góp phần đem lại sức khỏe và trí tuệ cho nhân dân.
Trực tiếp đưa tin cũng là khai thác. Để đơn giản, tôi xin lấy một trường hợp là quá trình tác nghiệp của nhà báo thể loại báo mạng điện tử. Anh nhà báo X tới hiện trường Y để phản ánh sự kiện Z. Anh X cho ra một cái tin (hoặc có thể bài). Nhưng tại đó anh ta phải lắng nghe, quan sát, thậm chí ngửi mùi, rồi ghi chép bằng sổ tay, ghi chép bằng máy ảnh, bằng máy ghi âm và/hoặc cả máy ghi hình. Tức là thu thập thông tin từ hiện trường Y của sự kiện Z. Sau đó, X mới tổ chức các thông tin theo một trật tự logic và trình bày dưới hình thức một văn bản hoàn chỉnh.
Tất nhiên, trong trường hợp đến hiện trường thì phóng viên X có thể gặp nhiều gian nan và nguy hiểm (như địa hình hiện trường phức tạp, có thiên tai hoặc mối đe dọa từ các băng đảng nào đó...). Nhưng đó lại là một câu chuyện khác và đương nhiên không thể làm lu mờ bản chất của toàn bộ quá trình này là phản ánh hiện thực khách quan. Nếu đưa tin mà bóp méo sự thật, thêm mắm thêm muối, tự thêu dệt hoặc đưa cảm xúc cá nhân vào thì rõ ràng không ổn rồi.
Dĩ nhiên cùng phản ánh một sự kiện (chẳng hạn, một hội nghị), mỗi phóng viên sẽ có những cách tiếp cận khác nhau. Sự sáng tạo (hoặc bản lĩnh/đẳng cấp nhà báo) nằm nhiều ở đây, tại cách xử lý thông tin. Nhưng điều này thì những người ở hậu trường cũng đối diện. Sẽ có những biên tập viên/người viết cừ và biên tập viên/người viết dở.
Xét đến cùng thì việc đến hiện trường cũng là chỉ một trong nhiều kênh thu thập thông tin mà thôi. Hiện nay còn có phỏng vấn qua điện thoại, qua email. Với cầu truyền hình và internet, còn có cả phỏng vấn qua truyền hình và phỏng vấn trực tuyến, trong đó người phóng viên không nhất thiết phải đến tận hiện trường.
Bình luận, được cho là ở một cấp độ cao hơn, xét đến cùng cũng là khai thác – khai thác đề tài. Người bình luận phải dựa trên các sự thực trong hiện thực để mà bình, chứ không phải xây dựng lập luận của mình trên những điều hư vô. Càng bám rễ trong thực tiễn càng tốt, càng được đánh giá cao. Nếu không, anh ta sẽ dễ rơi vào chỗ tưởng tượng tùy tiện và bình luận lung tung.
Không thoát được thực tế vật chất
Lạm bàn chút sang lĩnh vực văn chương – lĩnh vực được xem là có nhiều sáng tạo và hư cấu. Một lần nữa, xét đến cùng nhà văn cũng chỉ là người phản ánh hiện thực (tất nhiên là bằng hình tượng nghệ thuật đặc trưng của bộ môn này). Tiểu thuyết cũng xuất phát từ rất nhiều câu chuyện có thật trong cuộc sống (và phim ảnh cũng thế). (Dòng văn chương/điện ảnh hiện thực sẽ phải bám sát hiện thực hơn nữa). Kể cả tiểu thuyết và phim viễn tưởng cũng không thể thoát ly thực tế (bao gồm thực tế vật chất). Thể loại này có bám rễ trong hiện thực cuộc sống thì độc giả/khán giả mới có thể tìm thấy sự tương đồng để mà hiểu và thích thú, quan tâm. Và các tác phẩm nghệ thuật trước tiên phải bám rễ cuộc sống, rút ra được các quy luật vận động của nó thì mới có năng lực dự báo tương lai.
Liên quan đến việc lấy chất liệu trong cuộc sống, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng dẫn lời nhà văn Đức Falko Hennig nói với nhà thơ một cách hóm hỉnh mà cũng rất chí lý như thế này: “Anh là nhà văn. Anh sống bằng nghề văn. Cốt truyện anh lấy từ đời sống. Rõ ràng đấy là những chuyện của người khác. Cái vui nỗi buồn cũng của người khác. Anh biến thành tác phẩm của anh. Rồi anh thành người nổi tiếng. Anh có tiền nhuận bút đút túi. Thế thì rõ ràng anh cũng là một kẻ cắp. Cũng như tôi, như nhiều người khác, chúng ta đều là kẻ cắp cả. Chỉ có điều, đấy là những kẻ cắp không bị ra tòa”.
Tất nhiên, chữ “ăn cắp” của nhà văn Đức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó là sự ngụp lặn trong thực tế để rồi tái tạo lại nó một cách sáng tạo dưới một hình thức khác – ngôn ngữ văn chương.
Nói đến đây, có lẽ một số bác làm toán học sẽ tự hào tuyên bố rằng bộ môn của họ chỉ nghiên cứu một cách trừu tượng những thứ như lượng, cấu trúc, không gian... chứ không động chạm vào vật chất cụ thể “tầm thường” nào. Tức là theo họ, toán học rất cao siêu, thuần khiết và vượt lên các khoa học tự nhiên.
Nhưng dù trừu tượng đến mấy thì toán học cũng không thể thoát khỏi việc phản ánh thực tế vật chất. Nếu vũ trụ hoàn toàn trống trơn thì làm sao hình dung nổi 1+2 = 3. Chính vật chất vẽ lên không gian, từ rất nhỏ như khoảng trống giữa các bức tường, cho đến biên giới quốc gia hay các dải thiên hà. Do vậy, nghiên cứu số lượng và không gian rốt cuộc vẫn là nghiên cứu các đặc tính của vật chất, chỉ có điều là ở tầm khái quát rất cao mà thôi.
Tin bài quốc tế và nghề đánh cá
Như vậy không nên hy vọng có một sản phẩm báo chí thuần khiết từ trên trời rơi xuống hay hoàn toàn từ trong não hay tim mà ra cả. Và chúng ta có thể kết luận tồn tại ít nhất 2 loại khai thác, khai thác theo kiểu phải đến tận nơi (khai thác trực tiếp) và khai thác từ xa (khai thác gián tiếp). Trường hợp khai thác trực tiếp tận nơi có thể tạm ví như ngành chế tạo còn khai thác từ xa có thể xem như nghề đánh cá.
Trở lại với câu nói của anh nhà báo đồng nghiệp nọ. Nhận xét đó đặt ra câu hỏi rất hay là liệu làm tin bài quốc tế ở Việt Nam có phải là làm báo không? Nếu hiểu nghề báo là phản ánh thực tiễn dưới dạng tin tức và bình luận thì theo tôi, công việc đó hoàn toàn mang tính chất báo chí.
Nhọc nhằn biên tập viên tin bài quốc tế
Do tính chuyên biệt, lợi thế đi trước và nhất là sức mạnh kinh tế, các hãng thông tấn của phương Tây gần như thống trị mảng tin tức thế giới. Nhưng trong số đó cũng chỉ có một số hãng thông tấn nổi bật lên mà thôi, như AP, Reuters, AFP, Bloomberg, và EPA. Còn rất nhiều hãng thông tấn của châu Âu khác xếp vào hàng lép vế.
Rất nhiều cơ quan truyền thông của Tây phải dựa vào cơ quan thông tấn. Ngay cả Đài truyền hình DW của Đức, hay Đài phát thanh VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) của siêu cường Mỹ cũng phải trông nhiều vào tin mua từ các hãng thông tấn khi họ phản ánh về thời sự thế giới. Đến BBC (của Anh) là một hãng truyền thông lớn, có “Trung tâm Tin” riêng, cũng khó tách khỏi được việc phải khai thác hàng loạt tin và ảnh của hãng thông tấn chuyên nghiệp – các đầu mối sản xuất tin và bán tin (kinh doanh tin).
Như vậy, không có mặt tại hiện trường không có nghĩa là không thể làm báo. Truyền thông thế giới nói chung và truyền thông phương Tây nói riêng cơ bản vẫn dựa trên thông tin từ các hãng thông tấn lớn. Đây cũng là phương án tối ưu về mặt kinh tế cho mảng thế giới của báo chí Việt Nam.
Nhưng ngay trong bối cảnh đó, vẫn có chân trời cho sáng tạo – sáng tạo trong khai thác. Nếu như không thể tự chế tạo ra con cá, thì có thể tìm tòi, sáng tạo khai thác con cá theo nhiều cách khác nhau, sao cho hiệu quả (cá được khai thác nhiều, bảo đảm chất lượng, và được đưa nhanh tới người tiêu dùng).
Dịch báo chí cũng là một mảng của báo chí. Dịch đi kèm với chuyển dịch, biên tập, bổ sung thông tin. Ngoài ra căn cứ trên thông tin, tiến hành xử lý thông tin (bằng nhiều thao tác tư duy) thì sẽ có được một sản phẩm báo chí. Người biên tập, biên dịch và bình luận quốc tế phải nghe ngóng nhiều nguồn tin, kiểm chứng, đối chiếu nhiều nguồn, phải vận dụng đồng bộ các thao tác tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, quy nạp, diễn dịch, trừu tượng hóa...), cũng phải chạy theo vấn đề thời sự và nhận định về sợi chỉ xuyên suốt những diễn biến bề nổi. Riêng việc bình luận quốc tế phải dựa trên cơ sở tự nghiên cứu vấn đề, phân tích dữ liệu thô, kết nối các điểm mấu chốt để hình thành bức tranh tổng thể về vấn đề... Tóm lại, cũng phải hao phí trí lực như bao mảng khác của lĩnh vực báo chí, để cho ra những sản phẩm kỳ công, chất lượng cao, phục vụ tốt độc giả.
Cùng một tác giả:
>> Gươm báu Marx-Lenin và Việt Nam
>> Giải mã Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công vang dội
>> Xin đừng ghẻ lạnh “từ Hán Việt”
Nghề đánh cá là nghề khai thác tự nhiên. Đó không phải nghề chế tạo như nghề cơ khí hay các ngành có hàm lượng chất xám cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Nhưng bản thân nghề đánh cá là cả một thế giới, có thể nâng tới nhiều tầm cao, theo hướng chuyên nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững, không phá hủy môi trường, không tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Hãy nhìn cách người Nhật Bản làm nghề đánh cá. Đây là một ngành nghề quan trọng và lâu đời tại Nhật, đóng góp vào kinh tế và đời sống của người dân nước này.
Trên thực tế, ở Nhật Bản, đánh cá là cả một nghệ thuật và khoa học. Nghề đánh bắt cá của họ đã vươn tới tầm xa bờ, công nghệ cao. Họ nghiên cứu tìm tòi cách bắt và giết cá sao cho cá tươi, ngon không mất giá trị. Họ còn chú trọng khâu bảo quản và sơ chế ngay trên tàu cá. Khi cá lên bờ, có sẵn cả dây chuyền chế biến tiếp theo một cách bài bản. Nhờ vậy, cá Nhật Bản khi đem bán trên thị trường có giá cao hơn hẳn và đem lại nguồn tài chính không nhỏ cho quốc gia này.
Rõ ràng nghề đánh cá của Nhật không chỉ vất vả đơn thuần mà còn đòi hỏi sự công phu và trình độ trí tuệ. Và chắc chắn nghề thủy sản của nhiều nước phải ngả mũ nể phục nghề cá Nhật Bản...
Ngoài việc giống một ngư dân, nhà báo còn giống một vị đầu bếp nữa. Nhưng cái này tôi sẽ bàn trong một dịp khác./.