Ảnh minh hoạ: Darrin Zammit Lupi.
Kể từ cuộc khủng hoảng nhập cư nổ ra, các nước thành viên EU vẫn chưa đạt được sự nhất trí về một giải pháp chung cho làn sóng nhập cư trái phép đổ về châu Âu. Việc tìm ra một giải pháp chung cho vấn đề này thậm chí đã dẫn đến những đường lối thiếu sót, làm chia rẽ khối này. Dưới đây là lập trường của các nước EU về vấn đề nhập cư cho đến nay:
Đức:Đức và Pháp đang thúc giục tìm ra các giải pháp mới trong bối cảnh sự bất đồng quan điểm giữa các nhà lãnh đạo EU khiến các tàu cứu hộ chở người tị nạn trôi dạt ngoài khơi.
Mặc dù kiên trì kêu gọi một giải pháp cho toàn khối EU cho vấn đề nhập cư vào khối này, song Thủ tướng Đức cũng nhận thức ít có khả năng đạt được “một giải pháp tổng thể cho vấn đề nhập cư” nên thay vào đó, bà Merkel gợi ý về “các thoả thuận song phương hay ba bên vì lợi ích các bên”.
Ngoài ra, bà Merkel ủng hộ những đề xuất củng cố các đường biên giới phía ngoài EU bằng cách tăng cường năng lực cho Cơ quan Kiểm soát Biên giới EU (Frontex).
Kể từ cuộc khủng hoảng nhập cư 2015, chính phủ Đức đã thúc đẩy để những người xin tị nạn được chuyển tiếp từ các nước ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp đến các quốc gia EU khác nhằm chia sẻ trách nhiệm này ra toàn khối.
Tuy nhiên, chính sách nhập cư của bà Merkel cho đến nay vẫn chịu sự chỉ trích gay gắt trong chính Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) của mình, Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc Giáo (CSU) đồng minh của CDU và thậm chí các nước thành viên EU khác.
Pháp:Cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ hợp sức với các nhà lãnh đạo cùng tư tưởng tìm ra giải pháp để giảm làn sóng nhập cư và cùng có trách nhiệm đối với những ai cập bến châu Âu.
Ông Macron dẫn chứng số vụ người di cư vượt Địa Trung Hải giảm mạnh kể từ năm 2015 cho thấy rằng cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu hiện nay chủ yếu là mang tính chất “chính trị” do chủ nghĩa dân tuý chống nhập cư đang trỗi dậy.
Ông Macron kêu gọi tìm ra một giải pháp toàn châu Âu mà “trong bất kể trường hợp nào đó là sự hợp tác giữa 28 hay một số nước thành viên đều quyết định cùng nhau tiến lên”.Pháp ủng hộ phạt các nước EU từ chối tiếp nhận người di cư
Ngoài ra, ông Macron đề xuất tăng cường sức mạnh cho Frontex, ngăn chặn tệ nạn buôn người và tạo ra một cơ chế phân bổ lại số người xin tị nạn ra công bằng trong khối. Bên cạnh đó, chính phủ Pháp còn kiến nghị ký các thoả thuận song phương với các nước xuất xứ và quá cảnh.
Trong nước, các nhà chức trách Pháp đã thực thi một chính sách cứng rắn đối với những người nhập cư trái phép. Vào tháng 4 vừa qua, Pháp đã phê chuẩn các biện pháp mạnh tay đối với những người nhập cư trái phép như phạt nặng và tăng thời hạn tạm giam.
Thêm vào đó, Pháp và Tây Ban Nha đề xuất giữ những người xin tị nạn trong các trung tâm khép kín cho đến khi hồ sơ của họ được xử lý, một đề xuất khiến Rome lo ngại sẽ biến Italy trở thành “trại tị nạn cho toàn châu Âu”.
Italy: Chính phủ dân tuý Italy đã áp dụng lập trường cứng rắn đối với những người nhập cư trái phép với lời kêu gọi của Bộ trưởng Nội vụ cánh cực hữu Italy Matteo Salvinia về việc tăng cường củng cố kiểm soát đường biên giới phía ngoài EU.
Vào ngày 24/6, ông Salvini thông báo với các tổ chức nhân đạo nước ngoài sẽ ngừng cứu vớt người nhập cư và tị nạn từ Libya và buộc tội các tổ chức này đang tiếp tay cho bọn buôn người.
Trên thực tế, các nhà chức trách Italy đã ngăn cản các tàu nhân đạo chở người nhập cư được cứu tại biển Địa Trung Hải neo đậu ở cảng nước mình và đe doạ sẽ bắt giữ các tàu cứu hộ với lý do nhiều thuyền trong đó hoạt động bất hợp pháp.
Sau khi tuyến đường Balkan đóng cửa vào đầu năm 2016, người nhập cư chạy khỏi xung đột và nghèo đói tại châu Phi, Trung Đông và châu Á đã tìm đến miền Trung Địa Trung hải như là tuyến đường thay thế để đến châu Âu qua Italy.
Đảng theo phe của ông Salvinia lên cầm quyền nhờ lời hứa trong chiến dịch tranh cử về việc trục xuất hàng trăm ngàn người nhập cư vì lý do kinh tế, song việc làm này theo giới phân tích khó có thể đạt được. Italy đã từ chối chấp nhận người nhập cư từ các nước châu Âu khác như ông Salvini phát biểu: “Chúng tôi không thể tiếp nhận thêm người nào nữa.
Tổng thống Pháp Macron đã chỉ trích Italy là thiếu trách nhiệm. Còn Italy đã buộc tội lại Pháp đã đẩy người tị nạn quay lại đường biên giới chung giữa hai nước. Theo nguyên tắc Dublin, những người xin tị nạn cần phải được xét duyệt đơn tị nạn ở nước họ đến đầu tiên mà các nước này thường là Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.Visegrad hối thúc EU bảo vệ biên giới khối trước nỗi lo người nhập cư
Đồng thời, trong cuộc họp về vấn đề khủng hoảng nhập cư tại Brussels vào ngày 24/6, Italy đã kêu gọi thành lập “các trung tâm bảo trợ” người nhập cư ở một vài nước EU để giảm tình trạng quá tải ở các trại tập trung ở Italy và đề nghị tăng cường viện trợ cho các nước châu Phi đang đấu tranh với tệ nạn buôn người.
Áo: Đảng cánh trung hữu Áo do Thủ tướng Sebastian Kurz dẫn đầu đã kêu gọi thiết chặt kiểm soát đường biên ngoài khối và ủng hộ các biện pháp tương tự của các nước thành viên EU khác.
Là người lên tiếng chỉ trích chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel, ông Kurz tuyên bố ông ủng hộ tăng quyền lực cho Frontex và nâng cao năng lực của cơ quan này bằng cách thuê tuyển dụng thêm nhân lực, đây là giải pháp phù hợp với đề xuất tương tự mà Thủ tướng Đức đưa ra.
Áo đã nhận được sự ủng hộ về các chính sách đường lối cứng rắn từ các nước thành viên EU khác, gồm các nước thuộc nhóm Visegrad như Ba Lan, Hungary và Cộng hoà Séc.
Ba Lan: Kể từ cuộc khủng hoảng di cư 2015, chính phủ Ba Lan từ chối chấp nhận người nhập cư trái phép đặc biệt theo cơ chế hạn ngạch. Warsaw đã viện lý do an ninh quốc gia để hạn chế nhập cư vào nước Trung Âu này.
Ba Lan kêu gọi tăng cường ủng hộ Frontex và mở rộng quyền lực của cơ quan này để có thể giải quyết tốt hơn vấn đề nhập cư trái phép ở các đường biên giới phía ngoài khối.
Trong 500 đơn xin tị nạn năm 2017, Ba Lan đã phê chuẩn chỉ 520 đơn chủ yếu là cho những người xin tị nạn từ Liên xô cũ, bao gồm Nga, Ukraine và Tajikistan.
Hy Lạp:Năm 2015, Hy Lạp nằm trong tuyến đầu của cuộc khủng khoảng nhập cư khi trên 820.000 người nhập cư đã đến EU thông qua nước Địa Trung hải này. Tuy nhiên, con số này đã giảm đi phần nào sau khi tuyến đường Balkan đóng vào đầu năm 2016 trong khuôn khổ thoả thuận trao đổi người tị nạn được ký giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipas đã thúc giục các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng đối với các nước tuyến đầu bằng cách giúp người tị nạn tái định cư theo cơ chế phân bổ.
Hungary, Ba Lan, CH Séc và Slovakia, những nước đã từ chối tiếp nhận người tị nạn từ các nước quá tải như Italy và Hy Lạp, đã tẩy chay cuộc họp tại Brussels về nhập cư vào ngày 24/6.
Các quan chức EU khuyến cáo làn sóng nhập cư và tị nạn mới có thể đe doạ và dẫn đến sự sụp đổ của thoả thuận đi lại tự do trong khối EU.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết: “Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn cứu thoả thuận đi lại tự do trong khu vực Schengen là đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ và thực tiễn các đường biên giới ngoài EU”.
Các nhà lãnh đạo EU vào tháng 12/2017 đã đề ra cuối tháng 6/2018 là thời hạn cuối cùng để xây dựng được một cơ chế dài hạn về việc phân bổ người nhập cư toàn khối song thoả thuận này hoàn toàn xa vời với thực tế.
Các thoả thuận hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã góp phần cắt giảm mạnh làn sóng người nhập cư trái phép đổ vào châu Âu kể từ mức cao điểm trên một triệu người vào năm 2015./.
Chính sách tiếp nhận người nhập cư tiếp tục gây chia rẽ EU