Trong bối cảnh thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ bị “đứt gánh giữa đường” thì kế hoạch mới nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước châu Phi, nơi khởi nguồn của dòng người di cư, cũng vấp phải những ý kiến trái chiều khi gọi đây là “cây gậy và củ cà rốt” của EU.

Liên minh châu Âu đã đề xuất thỏa thuận mới với các nước châu Phi và Trung Đông, theo đó sẽ viện trợ tài chính lên tới 62 tỷ euro để đổi lại việc các nước này hạn chế số người rời bỏ quê hương di cư tìm đường tới châu Âu. 

di_cu_cfbp_yftu.jpg
Một người nhập cư Syria giơ tay tạ ơn chúa sau khi thuyền của mình cập bến Hy Lạp an toàn. Ảnh Reuters.

EU sẽ cung cấp tài chính để các nước ổn định cuộc sống cho những người tị nạn bị trả về từ châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) không ngần ngại thừa nhận chính sách “cây gậy và củ cà rốt” này.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết: “Chúng tôi đề xuất sử dụng cùng lúc những biện pháp tích cực và tiêu cực nhằm khuyến khích các nước thứ 3 hợp tác với chúng tôi và cũng để đảm bảo những nước không hợp tác với chúng tôi sẽ phải chịu hậu quả. Trong đó, chúng tôi sẽ sử dụng các chính sách phát triển thương mại để khích lệ các nước”.

Ủy ban châu Âu đang thảo luận với Jordan và Lebanon, sau đó sẽ thống nhất với Niger, Nigeria, Senegal, Mali và Ethiopia về vấn đề này. Theo Phó Chủ tịch Timmermans, EU đang nghiên cứu lại cách thức liên kết các nỗ lực giữa các quốc gia thành viên với những nước thứ ba nhằm tìm giải pháp bền vững chấm dứt những thảm kịch xảy ra với người di cư tại Nam Địa Trung Hải. 

Tuy nhiên, những ý kiến phản đối cho rằng kế hoạch này của EU là nhằm đẩy trách nhiệm cho các nước vốn là khởi nguồn của làn sóng người di cư và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Người đứng đầu Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam, Natalia Alonso nói: “Đây là một kế hoạch gây sốc, bởi vì như chúng tôi được biết, số tiền do Liên minh châu Âu tài trợ đang được sử dụng để mua máy tính và camera tại các trung tâm tị nạn ở Sudan nhằm giám sát chặt chẽ người tị nạn. Số tiền này của EU đáng nhẽ phải được đầu tư cho các chính sách chống nghèo đói, chống bất công chứ không phải là trang bị hệ thống giám sát tại các khu trại tị nạn”.

Trong những tuần qua, các  chuyến tàu chở người di cư vượt Địa Trung Hải có xu hướng gia tăng vì điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo Bộ Nội vụ Italy, khoảng 50.000 người di cư đã vượt biển tới nước này từ đầu năm đến nay. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cảnh báo thỏa thuận nhập cư với EU sẽ sụp đổ nếu nước này không nhận được quy chế tự do thị thực như EU đã cam kết. Đây sẽ là một viễn cảnh tồi tệ với Liên minh châu Âu khi trên thực tế các nước thành viên trong khối còn nhiều bất đồng trong nỗ lực tìm lời giải cho bài toán khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính đã có hơn 2.800 người bỏ mạng trong các hành trình vượt Địa Trung Hải nguy hiểm trong năm nay, tăng khoảng 1.000 người so với cùng kỳ năm ngoái./.