Ngày 16/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp về Brexit. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh có nhiều tín hiệu tín cực đối với giải pháp cho vấn đề "chốt chặn" ở Ireland và dư luận kỳ vọng một sự đột phá trong vấn đề “chốt chặn” sẽ giúp mở khóa các cuộc đàm phán với EU. 

brexit_mnlc.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Hội nghị khu vực miền Bắc ở thành phố Rotherham , vùng York, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết:

“Tôi đã trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của EU, đặc biệt là Đức, Pháp và Ireland và đã gặt hái được nhiều tiến bộ trong các cuộc thảo luận  này. Ngày 16/9, tôi sẽ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về những đề xuất  mà Anh và EU đang thực hiện. Tôi rất lạc quan về chuyến công du lần này”

Chuyến đi của ông Johnson diễn ra trong bối cảnh có những thông tin cho rằng nhiều nhân vật trong đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Ireland sẵn sàng thay đổi “giới hạn đỏ” và chấp nhận một số quy định của EU nhằm đạt được một giải pháp cho vấn đề "chốt chặn" ở Ireland và dư luận kỳ vọng một sự đột phá trong vấn đề “chốt chặn” sẽ giúp mở khóa các cuộc đàm phán với EU. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Arlene Foster cảnh báo rằng, đảng này sẽ "không chấp nhận bất kỳ hình thức chia rẽ bằng quy định nào ngăn cách Bắc Ireland về kinh tế hoặc chính trị với phần còn lại của Vương quốc Anh".

Trong khi đó, cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Barnier cho biết, khó có thể lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận Brexit với Anh trước hội nghị cấp cao EU vào tháng tới. Tuy nhiên, ông nêu rõ, EU sẵn sàng phối hợp với Anh trên tinh thần xây dựng, cũng như cân nhắc các đề xuất phù hợp thỏa thuận sơ bộ về Brexit mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các lãnh đạo EU vào cuối năm 2018.

"Liên quan đến các cuộc đàm phán, chúng tôi vẫn sẵn sàng kiểm tra khách quan mọi đề xuất hoạt động cụ thể và hợp pháp từ Vương quốc Anh”

Yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit và EU liên quan đến cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit. Những người mang quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Nhà lãnh đạo Anh Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này trong thỏa thuận mà EU và người tiền nhiệm của ông, bà May nhất trí hồi tháng 11 năm ngoái.

Hiện ông Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông đang gặp nhiều trở ngại khi không nhận được sự đồng thuận của quốc hội. Đề xuất tổ chức bầu cử sớm trước hạn chót Brexit cũng bị quốc hội bác bỏ trong cả 2 cuộc bỏ phiếu gần đây. Mới đây nhất, ông Johnson lại vấp thêm một trở ngại pháp lý khác khi Tòa án Scotland tuyên bố quyết định của chính phủ đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội Anh tới ngày 14/10 là vi phạm luật pháp. Dù Anh khẳng định sẽ khiếu nại phán quyết này lên tòa án tối cao, nhưng diễn biến mới khiến các phe kêu gọi lập tức triệu tập quốc hội trở lại làm việc. Ông Johnson trước đó quyết định đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội nhằm ngăn chặn các nghị sĩ "nhúng tay" cản trở quyết tâm "Brexit cứng" vào ngày 31/10 - thời hạn chót Brexit theo thỏa thuận giữa Anh và EU./.