Sau một tuần đầy biến động với hàng loạt thất bại liên tiếp và các diễn biến bất lợi, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại đang bắt đầu một tuần mới với bầu không khi vô cùng ảm đạm liên quan hồ sơ Brexit. Thậm chí các chuyên gia còn cảnh báo, Thủ tướng Anh có nguy cơ buộc phải từ chức và thậm chí có thể ngồi tù nếu từ chối thực thi luật ngăn Brexit không thỏa thuận.

johnson_pefm.jpg
Ông Johnson có nguy cơ buộc phải từ chức và thậm chí ngồi tù nếu từ chối thực thi luật ngăn Brexit không thỏa thuận. Ảnh: Sky News

Trong bối cảnh rối ren như vậy, Thủ tướng Johnson đang tích cực chuẩn bị các kế hoạch pháp lý để ngăn chặn những nỗ lực muốn trì hoãn Brexit của Quốc hội. Cùng lúc, ông Johnson cũng thực hiện chuyến công du đến Ireland nhằm tìm kiếm những cánh cửa mới cho vấn đề Brexit. Những bước đi này của Thủ tướng Anh liệu có triển vọng hay không? Kịch bản nào đang chờ đợi Brexit cũng như tương lai chính trị của Thủ tướng Anh?

Dư luận về đề xuất tổng tuyển cử sớm

Vào nửa đêm 9/9, theo giờ London, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu về việc tuyển cử sớm theo yêu cầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Kết quả không bất ngờ. Mặc dù số phiếu chống chỉ là 46 phiếu, do rất nhiều nghị sĩ vắng mặt nhưng yêu cầu của ông Boris Johnson cũng chỉ nhận được 293 phiếu ủng hộ, kém xa con số tối thiểu là 434 phiếu, tức 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện Anh. Như vậy, các nghị sĩ Anh đã tiếp tục bác bỏ yêu cầu của ông Boris Johnson về tuyển cử sớm vào ngày 15/10. Đây là thất bại thứ hai của chính phủ Anh trong nỗ lực tiến hành tuyển cử sớm, sau lần đầu vào hôm 5/9.

Đây là điều đã được dự báo trước bởi bất chấp việc luật về ngăn chặn Brexit không thoả thuận đã được thông qua, các đảng đối lập vẫn e ngại rằng chính phủ của ông Boris Johnson sẽ không tuân thủ luật và sẽ tìm mọi cách đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 mà không có thoả thuận. Vì vậy, phe đối lập phản đối bầu vào ngày 15/10.

Thực tế thì đang có sự e dè của các đảng đối lập, đặc biệt là Công đảng, trong việc tiến tới bầu cử sớm, do hiện tại thì đảng Bảo thủ vẫn đang chiếm ưu thế lớn trong các thăm dò dư luận, dự đoán có thể giành tới 35% tổng số phiếu, so với 21% của Công đảng.

Trước đó, các nghị sĩ Anh cũng đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác yêu cầu chính phủ Anh cũng như 9 cố vấn công khai toàn bộ các trao đổi email, tin nhắn cá nhân từ ngày 23/7 đến nay về việc tạm treo Nghị viện Anh cũng như công bố chi tiết chiến dịch chuẩn bị cho tình huống Brexit không thoả thuận. Lí do các nghị sĩ Anh đưa ra là họ cho rằng chính phủ Anh cố tình che dấu động cơ thực sự và đã dối trá khi tuyên bố vẫn muốn đàm phán thoả thuận Brexit với EU.

Những rắc rối pháp lý và tương lai chính trị

Trong tối qua, Hạ viện Anh cũng đã thông qua mà không cần bỏ phiếu yêu cầu của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn rằng Thủ tướng Anh phải tuân thủ luật về ngăn chặn Brexit không thoả thuận mới được Nghị viện thông qua. Tuy nhiên, bất chấp tất cả các nỗ lực này từ phía Nghị viện Anh lẫn các đảng đối lập, không có gì đảm bảo là Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tuân thủ luật này.

Trong tối 9/9, ông Johnson vẫn khẳng định lại lần nữa là ông sẽ không yêu cầu EU gia hạn Brexit, tức là từ chối tuân thủ luật. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ ông Johnson tuyên bố là có đến 20 cách mà ông Johnson có thể sử dụng để né tránh việc phải tuân thủ luật ngăn Brexit không thoả thuận.

Tuy nhiên, có một số kịch bản được nhắc đến nhiều. Kịch bản đầu tiên, đó là ông Boris Johnson hoàn toàn phớt lờ luật này. Khi đó thì chắc chắn chính trường Anh sẽ rơi tiếp vào một cơn bão khủng hoảng hiến pháp và chính trị bởi một Thủ tướng đã không tôn trọng quyền lực cao hơn của Nghị viện, điều ít khi xảy ra trong nền dân chủ lấy quyền lực nghị viện làm trọng tâm như Vương quốc Anh.

Khi đó, mọi việc sẽ phải đưa ra giải quyết trước Toà án và ông Boris Johnson sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt, thậm chí phải ngồi tù. Vì thế, đây sẽ là kịch bản nguy hiểm cả về mặt chính trị và thể chế cho nước Anh lẫn cho số phận cá nhân ông Johnson.

Khả năng thứ hai, đó là cùng lúc với việc gửi thư đề nghị EU gia hạn Brexit đến 31/01/2020 như luật của Nghị viện Anh yêu cầu, ông Boris Johnson có thể gửi một lá thư thứ hai cho EU nói rõ rằng chính phủ Anh không muốn gia hạn và đề nghị EU không phê chuẩn yêu cầu từ Anh. Tuy nhiên, như cảnh báo của cựu thẩm phán Toà án tối cao của Anh, ông Sumption, thì Toà án Anh không phải ngu ngơ để mặc cho Thủ tướng Anh hành động như thế và như vậy cũng là phạm luật.

Cách tiếp theo mà ông Boris Johnson có thể dùng, đó là từ chức và khi đó nước Anh sẽ phải có một lãnh đạo khác đến Brussels đề nghị EU gia hạn Brexit, trong khi chờ đợi tuyển cử sớm. Người đó nhiều khả năng là thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn và khi đó ông Johnson sẽ tung ra chiến dịch vận động tranh cử quy mọi thất bại và hậu quả Brexit lên phe Công đảng.

Tuy nhiên, rủi ro ở đây không chỉ là việc trao ghế Thủ tướng vào tay đối thủ mà còn ở việc nếu ông Jeremy Corbyn và Công đảng, vốn có quan điểm mềm dẻo với EU, xử lý Brexit một cách thuận lợi thì ưu thế bầu cử của đảng Bảo thủ sẽ bị xoá bỏ và khi đó coi như đảng Bảo thủ tự tay dâng quyền lực cho Công đảng.

Cách cuối cùng, đó là chính phủ của ông Boris Johnson có thể ngầm vận động một nước thành viên EU bỏ phiếu chống lại đề nghị gia hạn Brexit từ phía Anh. Do EU hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận nên chỉ cần 1 trong 27 nước thành viên phản đối thì việc gia hạn Brexit sẽ không được thông qua.

Hiện tại mới chỉ có Pháp lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, khả năng EU từ chối gia hạn Brexit là không cao vì EU vẫn không muốn Brexit không thoả thuận và nếu việc gia hạn liên quan đến một động thái mới có thể tạo ra thay đổi tại Anh, như việc tiến hành tuyển cử sớm, thì gần như chắc chắn EU sẽ chấp nhận yêu cầu gia hạn.

Chuyến công du Ireland

Ông Boris Johnson đã đến Dublin sáng ngày 9/9 và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar. Trong cuộc hội đàm đó thì ông Varadkar đã nói rất rõ các quan ngại của phía Ireland về tình hình Brexit hiện nay và cho rằng nếu một thoả thuận Brexit mà không có điều khoản “chốt chặn – backstop” thì với Ireland sẽ đồng nghĩa với việc không có thoả thuận, tức là Ireland sẽ ngăn chặn điều đó.

Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar đã đề nghị ông Boris Johnson sớm đưa ra các đề xuất cụ thể liên quan đến vấn đề backstop và tuyên bố là Ireland sẽ không chấp nhận đứng bên lề và nhận các lời hứa suông từ phía Anh. Cuộc gặp nhìn chung không đưa ra được các bước đi cụ thể nhưng cũng giúp hai bên hiểu rõ hơn các quan điểm của nhau, dù khác biệt vẫn còn rất lớn.

Trong tất cả các nước EU thì Ireland là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất một khi Brexit không thoả thuận diễn ra. Về kinh tế, ước tính là Ireland sẽ mất khoảng 5% GDP nếu Brexit không thoả thuận diễn ra do Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khoảng 900 ngàn doanh nghiệp Ireland. Ngoài ra, Brexit không thoả thuận cũng sẽ cản trở hàng hoá Ireland xuất khẩu sang EU do phần lớn số hàng này được vận chuyển qua các cảng của Anh.

Nghiêm trọng hơn, là Brexit không thoả thuận có thể phá vỡ thoả thuận hoà bình trên đảo Ireland, làm sống lại các căng thẳng chính trị trên hòn đảo này, giữa Ireland và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và tạo môi trường hoạt động trở lại cho các nhóm chính trị bán vũ trang vốn chủ trương dùng bạo lực để hợp nhất hai miền Ireland.

Vì thế, hiện tại các chính trị gia và dư luận Ireland cũng đang rất căng thẳng với các diễn biến Brexit tại Anh, và đa số cho rằng Vương quốc Anh đang phớt lờ các lợi ích của họ./.