Với kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe mở rộng vai trò phi chiến đấu của Nhật Bản trong các xung đột vũ trang ra ngoài “các khu vực bên ngoài Nhật Bản”, nước này có thể sẽ ngày càng can dự sâu hơn vào các hành động trên Biển Đông nhằm hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ.
Thủ tướng Abe sẽ trình dự luật mới ra quốc hội vào tháng 5, với sự hậu thuẫn của các đối tác trong liên minh của ông. Theo đề xuất mới, Nhật Bản sẽ được phép vận chuyển nhiên liệu và đạn dược tới các đơn vị của quân đội Nhật Bản ở bất cứ nơi đâu trong trường hợp Nhật Bản nhận thấy an ninh quốc gia của mình bị đe dọa.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều không có tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông giàu có về dầu khí. Tuy nhiên, căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở vùng biển chiến lược này. Theo hiệp ước an ninh song phương Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công, còn Nhật Bản có lợi ích kinh tế lớn ở đây khi một lượng lớn hàng hóa tới các cảng Nhật hay từ cảng Nhật đi nơi khác đều phải qua tuyến hàng hải này.
Môt chuyên gia chính sách của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản nói: “Nếu Philippines xảy ra va chạm với Trung Quốc, họ sẽ gửi tín hiệu cấp cứu tới đồng minh ở Mỹ... Nếu quân đội Mỹ khi đó muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Nhật, thì câu hỏi sẽ là Nhật Bản có thể làm gì”.
Các đảng trong liên minh của ông Abe đã nhất trí từ bỏ hạn chế chỉ cho phép Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho đồng minh ở “những khu vực quanh Nhật Bản” (ám chỉ khả năng xung đột với Triều Tiên).
Trọng tâm là vùng Biển Đông
Giới làm luật tránh đề cập đến khu vực nào sẽ nhận được hỗ trợ hậu cần của Nhật Bản, nhưng 3 quan chức chính phủ và một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền nói với Reuters rằng các dự luật này xác định các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là nơi hoạt động tương lai của lực lượng Phòng vệ Nhật.
Trong hai năm cầm quyền, Thủ tướng Abe đã nới lỏng nhiều hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí, diễn giải lại Hiến pháp Hòa bình để cho phép Nhật Bản bảo vệ các nước bạn bè bị tấn công, đồng thời thực hành đường lối ngoại giao hướng ngoại và cứng rắn hơn.
Tính khả thi của luật mới
Từ trước đây quân đội Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ hậu cần, như là tiếp nhiên liệu cho tàu bè đồng minh ở Ấn Độ Dương trên đường tới Afghanistan. Nhưng các trường hợp này lại đòi hỏi một luật mới cho mỗi lần đó. Các luật mới đề xuất lần này loại bỏ yêu cầu đó, mặc dù chính phủ vẫn sẽ cần sự phê chuẩn của quốc hội cho những chiến dịch mới.
Một quan chức cấp cao của quân đội Philippines cho biết Manila sẽ hoan nghênh bất cứ nỗ lực của Tokyo muốn mở rộng các hoạt động hàng hải của mình trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là trong việc hỗ trợ cho quân đội Mỹ.
Khi Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong 15 năm qua, người này nói: “Tôi sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nhật Bản bị lôi kéo vào xung đột ở Biển Đông, do Mỹ và Nhật Bản vốn có một thỏa thuận [an ninh]”./.
Xem thêm:
>> Yếu tố Mỹ trong tranh chấp Trung-Nhật
>> Trung Quốc bành trướng thế lực trên thế giới như thế nào?