Vừa qua, một số kênh truyền hình của Nhật Bản và tờ Nhân dân Nhật báo xuất bản bằng tiếng Nhật đã tóm lược những sự kiện chính trong quan hệ Nhật-Trung năm 2013, sự ảnh hưởng của những sự kiện tới triển vọng quan hệ hai nước trong năm 2014. Trong 10  sự kiện được tóm lược lại có 3 sự kiện được coi là những vấn đề nổi cộm.

Câu chuyện sách giáo khoa

Câu chuyện nằm trong vấn đề sách giáo khoa lịch sử của Nhật bản kéo dài từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc tới hiện tại vẫn chưa kết thúc mà có chiều hướng “nóng dần”.  

namkinh1.jpg
Lính Nhật Bản và những nạn nhân bên bờ sông Dương Tử (Ảnh: Wikipedia)

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã chỉnh sửa kiến thức trong sách giáo khoa dùng cho học sinh trung học phổ thông cụm từ “xâm lược Trung Quốc” thành “tiến vào Đại lục”. Thời điểm này nhiều nhà sử học, chuyên môn được coi là “có trách nhiệm” đã lên tiếng đây là sự nhầm lẫn cơ bản của Nhật Bản, khiến có hai luồng dư luận, luồng phản đối và luồng dư luận ủng hộ lập trường này của Nhật Bản ngay trong chính Nhật Bản.

Lúc này những người Nhật Bản có tư tưởng cấp tiến, Trung Quốc và Hàn Quốc kịch liệt lên án hành động này của Nhật Bản và cho rằng Nhật Bản đã “xuyên tạc lịch sử”. Đảng Xã hội, đảng Komei, đảng đối lập và 6 tổ chức hữu nghị Nhật-Trung, 8 tổ chức dân chúng cùng 162 nghị sĩ Quốc Hội Nhật Bản đã yêu cầu chính phủ Nhật “sửa chữa sai lầm”.  

Trong bối cảnh đó, 28/6/1957, Chánh văn phòng Nội các Nhật đã tiến hành những cuộc thảo luận liên quan tới việc lắng nghe những phê phán đó với mục đích cải thiện quan hệ hợp tác với các nước láng giềng châu Á, nhận thức về trách nhiệm của chính phủ trong vấn đề sách giáo khoa. Hội đồng kiểm định sách giáo khoa của Nhật Bản được thành lập.

Tháng 9/1957, Thủ tướng Nhật Bản Suzuki trong chuyến thăm Trung Quốc đã nói rõ trong Tuyên bố chung Nhật-Trung rằng sẽ “tích cực giải quyết vấn đề” sách giáo khoa. Tuy nhiên, sau đó lời cam kết đó được giải quyết bằng lập trường khác cho rằng “Điều đó nhằm giải phóng các nước châu Á từ ách xâm lược của phương Tây, tạo dựng một khu vực Đại Đông Á cùng phồn vinh”.

Dĩ nhiên, điều này được ghi vào sách giáo khoa dùng cho học sinh trung học Nhật Bản. Ngay lập tức Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và các nước châu Á đã yêu cầu Nhật Bản cải chính sự nhầm lẫn này, phê phán Nhật Bản đã “mỹ hóa chiến tranh xâm lược”.

Và vấn đề này cho tới nay vẫn được nhận thức như vậy. Còn Trung Quốc mọi mơi, mọi lúc đều cho rằng “Nhật Bản cần coi trọng sự thật lịch sử, có trách nhiệm lấy lịch sử làm tấm gương để giáo dục thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Nhật Bản cần tiếp tục con đường hòa bình, phát triển bằng hành động thực tế là cải chính những điều trong sách giáo khoa đã viết tránh ảnh hưởng tới quan hệ hai nước”.

Một sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành kinh tế của một trường Đại học Nhật Bản cho rằng “Vấn đề lịch sử trong quan hệ Nhật-Trung như nước với thuyền. Người Nhật Bản coi điều đó như nước, sẽ bị chảy đi theo dòng nước. Người Trung Quốc coi điều đó là thuyền, như một hiện thực tất yếu. Và Nhật Bản đã không giáo dục về cái gọi là chiến tranh xâm lược, do đó, thế hệ trẻ sẽ không biết quá khứ đó”.

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Vấn đề tranh chấp xung quanh quần đảo này vẫn nổi cộm nhất trong quan hệ Nhật-Trung. Theo Trung Quốc quần đảo này đã được xác thực thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ 600 năm trước. Trong thời gian 600 năm đó không có xung đột vũ lực nào xảy ra giữa hai nước.

Senkaku/Điếu Ngư cũng được ghi vào trong sách giáo khoa của Nhật (Ảnh: Kyodo)

Lập trường của Trung Quốc cho rằng Điếu Ngư/Senkaku không chỉ là vấn đề hàng vạn km2 của quần đảo này mà là vấn đề ngư dân Trung Quốc đã sinh sống và làm nghề cá ở khu vực này từ xưa, các thương thuyền của Nhật Bản chỉ đi ngang qua khu vực này và không xảy ra tranh chấp gì giữa hai bên.

Năm 1972, Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ, trong Hiệp ước hữu nghị Trung-Nhật được ký vào năm 1978 cũng thỏa thuận rằng vấn đề quần đảo Điếu Ngư sẽ gác lại, tránh bàn luận làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nhưng quyết không “từ bỏ lợi ích”. Lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc cho rằng Điếu Ngư/Senkaku thuộc chủ quyền của Trung Quốc, do vậy Trung Quốc bảo vệ lợi ích của mình là lẽ đương nhiên.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 2/2014, đã 78 lần tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập vùng biển khu vực Senkaku/ Điếu Ngư. Gần đây nhất ngày 27/2, 3 tàu hải giám Trung Quốc lại xâm nhập khu vực này. Việc này đã xảy ra như “cơm bữa”, và Nhật vẫn lại phê phán hành động của Trung Quốc là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Nhật Bản. Lời qua tiếng lại đã nhiều nhưng dường như hai bên chưa có biện pháp mạnh nào để giải quyết vấn đề này. Có thông tin cho rằng hai nước đang “trêu đùa” dư luận quốc tế.

Mỹ-nước đồng minh thân cận với Nhật Bản, tuy không thể hiện “ghét ra mặt” đối với Trung Quốc, nhưng ủng hộ Nhật và tuyên bố rằng sẽ điều B52 tới khu vực này nếu chiến tranh xảy ra.

Dĩ nhiên Trung Quốc lại lên tiếng phản đối tuyên bố của Mỹ, nhưng một điều dễ nhận thấy rằng nếu Trung Quốc có hành động nào tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư thì việc Mỹ điều B52 sẽ là có thật. Mỹ vốn mạnh tay trong vấn đề dùng “bạo lực”. Trung Quốc cũng không dại gì mà chuốc lấy những trận bom của Mỹ.

Rõ ràng, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư làm cho quan hệ Nhật-Trung khá căng thẳng, khiến cho hai nước thủ thế bằng cách tăng cường sức mạnh quốc phòng, Nhật Bản còn thành lập Hội đồng An ninh quốc gia. Nhưng câu chuyện này có lẽ vẫn dừng lại ở mức “lời quan tiếng lại”.

Đề cao chủ nghĩa quân phiệt

Một sự kiện nữa khiến Trung Quốc nổi sung khi ngày 15/8, 3 Bộ trưởng của Nhật cùng 102 nghị sĩ đến viếng đền Yasukuni. Sau đó vào tháng 12/2013 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Hàn Quốc đã đến thăm ngôi đền này.

Hàn Quốc phản đối Nhật Bản  (Ảnh: AFP)

Quan điểm của Nhật Bản cho rằng cuộc viếng thăm này đơn thuần là cuộc viếng đền bình thường không có ý làm tổn thương tới Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và là vấn đề mang tính lịch sử cũng giống như vấn đề Điếu Ngư/Senkaku. Chính vì vậy tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau.

Vậy cả Nhật Bản và Trung Quốc phải nhận thức vấn đề lịch sử này như thế nào? Dư luận đã bắt đầu yêu cầu hai bên phải tìm ra câu giải đáp và nguyên nhân cụ thể cho vấn đề gọi là lịch sử này. Bởi từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn cho rằng nhận thức lịch sử của Nhật Bản có vấn đề. Nhưng nhận thức đó cụ thể là gì? Bên phủ nhận, bên khẳng định. Và trạng thái theo kiểu “mèo vờn chuột” vẫn tồn tại./.