Tổng thống Philippines, Benigno Aquino đã có chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày (2-5/6). Hai bên đã ký kết Tuyên bố Tokyo về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - Philippines. Theo đó, quan hệ giữa hai nước cùng là đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ khăng khít hơn. Giới phân tích cho rẳng đây là một trong những “mảnh ghép” nằm trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ đã được công bố hồi năm 2010. 

abe_aquino_ap_tfom.jpg
 Tổng thống Philippines Benigno Aquino bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) (ảnh: AP)

Từ nhận thức về an ninh Biển Đông…

Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp nhà nước, Tổng thống Philippines Aquino đã nêu rõ: “Sự thịnh vượng của ngành hàng hải cũng như khu vực Đông Á và Đông Nam Á - vốn phụ thuộc rất lớn vào sự tự do giao thương hàng hóa và đi lại của người dân - có nguy cơ bị hủy hoại bởi các âm mưu vẽ lại ranh giới địa lý cũng như những hành động vượt qua các quyền hạn đã được luật pháp quy định”.

Ông Aquino cho rằng, những căng thẳng vừa qua đều xuất phát từ việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp quần đảo được gọi là Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Tổng thống Aquino nhấn mạnh Philippines và Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ sự ổn định của khu vực vốn “bị đe dọa trong thời gian gần đây”. Ông Aquino khẳng định cam kết của hai nước trong việc kêu gọi những nước khác “hành động có trách nhiệm” trước những thách thức an ninh chung.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiếp tục khẳng định việc “sử dụng vũ lực không bao giờ là cách để giải quyết tranh chấp trong khu vực”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Philippines cùng với Nhật Bản trong việc bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Abe cũng mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động bồi đắp cải tạo quy mô lớn ở Biển Đông và “phản đối những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng”. Ông Abe một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc tại tòa án trọng tài quốc tế. 

Trong Tuyên bố Tokyo, Philippines và Nhật Bản tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải” ở Biển Đông và giữ vai trò thiết yếu đối với “hòa bình và thịnh vượng của khu vực”.

Đến gia tăng hợp tác quốc phòng… 

Trong cuộc đàm phán giữa Tổng thống Philippines và Thủ tướng Nhật Bản, hai bên đã đạt được sự thỏa thuận, theo đó cho phép các máy bay quân sự và tàu hải quân Nhật Bản sử dụng các căn cứ tại Philippines để tiếp nhiên liệu và nhận hàng tiếp tế.

Về khả năng tiếp dầu cho máy bay trên không phận gần Biển Đông cũng sẽ được hai bên cho phép, và máy bay của quân đội Nhật Bản sẽ tuần tra lâu hơn và bao phủ phạm vi rộng hơn theo nhu cầu bảo đảm an ninh mà hai nước đã thỏa thuận.

Nhật Bản và Philippine cũng cân nhắc đến các cuộc tuần tra hàng hải chung với quân đội Mỹ ở Biển Đông. Đồng thời thúc đẩy kế hoạch tập trận và các hoạt động giao lưu và hợp tác giữa quân đội hai nước. 

 Nhật Bản và Philippine cũng cân nhắc đến các cuộc tuần tra hàng hải chung với quân đội Mỹ ở Biển Đông (hình minh họa: AP)

Một thỏa thuận, theo đó các lực lượng vũ trang hai nước có thể thăm viếng lẫn nhau (VFA) đã mở đường cho quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ của Philippines trên cơ sở luân phiên, gần giống như quan hệ Mỹ - Philippine hiện nay. Tuy nhiên, theo Reuters hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về VFA và nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán.

Trước đó, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Thomas, cho biết Washington hoan nghênh các cuộc tuần tra trên không của Nhật Bản vì sự xuất hiện của họ có thể tạo ra một đối trọng ổn định đối với hạm đội tàu hải quân và tàu cá ngày càng gia tăng của một số nước trong khu vực.

Và chuyển giao công nghệ quân sự…

Nhật Bản và Philippines cũng đã thảo luận về việc mua bán vũ khí cùng với việc chuyển giao công nghệ quân sự của Tokyo cho Manila. Phía Nhật Bản cũng đang xem xét kế hoạch xuất khẩu thiết bị quân sự cho Philippines, bao gồm: máy bay trinh sát chống ngầm, công nghệ radar và các thiết bị phòng thủ và bảo đảm an ninh biển.

Hai bên cũng đã nhất trí về việc bắt đầu các cuộc thương thuyết về trao đổi trang thiết bị quốc phòng. Theo đó, trong thời gian tới, Nhật sẽ chuyển giao 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên của Philippines và hứa giúp tăng cường năng lực phòng vệ và trinh sát của nước này. 

 Hai bên cũng đã nhất trí về việc bắt đầu các cuộc thương thuyết về trao đổi trang thiết bị quốc phòng (ảnh: : Malacañang Photo Bureau)

Trước đó, Philippines cũng đã có các thoả thuận tương tự với Mỹ và Australia. Theo giới truyền thông, Tokyo có thể bán thiết bị quân sự cho Manila, bao gồm máy bay trinh sát chống ngầm P-3C và công nghệ radar thế hệ mới.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có ý định bán P-3C cho nước ngoài kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu quân sự hồi năm ngoái.

Được biết, Nhật Bản hiện có hơn 1.500 xí nghiệp sản xuất hàng quân sự. Nước này đã sản xuất ra các máy bay tiêm kích F-I, máy bay lên thẳng SH-60J, máy chống ngầm P-3C; tên lửa đất đối hạm kiểu 88 (SSM-1), kiểu 90; hệ thống tên lửa đa tác dụng kiểu 96, kiểu 91 (SAM-2) và tên lửa đất đối không tầm thấp kiểu 81 (SAM-1CO…

Mặc dù, Nhật Bản mới gia nhập thị trường thương mại vũ khí, kỹ thuật quân sự, nhưng họ đã kiểm soát tới 46% thị trường thiết bị điện tử, xe quân dụng và 30% thị trường tàu thuyền cho hải quân và cảnh sát biển.

Như vậy, với những động thái cố tình làm thay đổi hiện trạng, tuyên bố chủ quyền, độc chiếm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế đã gây lo ngại sâu sắc cho dư luận quốc tế nói chung, nhất là các nước trong khu vực. Việc gia tăng hợp tác bảo đảm an ninh biển của Nhật Bản và Philippines phản ánh lo ngại này./.