LTS: Đã có rất nhiều tranh cãi về việc các báo và mạng xã hội trên thế giới đồng loạt đăng tải và chia sẻ hình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ trong hành trình cùng gia đình lênh đênh trên Địa Trung Hải để di cư sang Hy Lạp.

VOV xin giới thiệu một bài viết của nhà báo Liz Sly của tờ Washington Post lý giải về việc tại sao tờ báo hàng đầu nước Mỹ và cá nhân bà lại lựa chọn chia sẻ bức hình đầy ám ảnh nói trên:

Cậu bé Syria dường như đang ngủ quên trên bãi biển sau khi chơi đùa mệt nhoài với các bạn, nhưng thực ra cậu đã chết. Cậu bé ấy chết bởi một cuộc chiến mà thế giới không thể giải quyết được và bởi các chính sách nhập cư chỉ nói lên một điều: Chúng tôi không quan tâm.

syria_vzam.jpg
Nhân viên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đưa thi thể cậu bé Syria lên bờ. Ảnh AP

Bức ảnh này đã nhanh chóng lan tràn trên các mạng xã hội và cậu bé người Syria ấy đã trở thành biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như những nỗ lực tuyệt vọng của họ để thoát khỏi nỗi đau ấy.

Cậu bé 3 tuổi ấy đến từ thị trấn Kobane, nơi những người Kurd sinh sống, tên là Aylan Kurdi.

Ngày 2/9, tôi (nhà báo Mỹ) đã chia sẻ bức hình của cậu bé ấy trên tài khoản Twitter của mình mà không nghĩ nhiều đến bức ảnh đó. Tôi nhìn thấy bức ảnh này trên một trang tin tức của Thổ Nhĩ Kỳ và hình ảnh đó hoàn toàn choán lấy tâm trí của tôi.

Ngay lập tức, tôi nhận được rất nhiều phản hồi của những người nói rằng họ rất xúc động vì bức ảnh nói trên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ trích tôi vì đã chia sẻ bức ảnh đó. Một người thậm chí còn nói rằng: “Cậu ta còn quá nhỏ. Vì chúa, hãy tôn trọng cậu ấy”.

Câu nói đó làm tôi khó xử. Tôi thực sự không hiểu, ở hoàn cảnh đó, sự “tôn trọng” sẽ phải là như thế nào? Có bao nhiêu bức ảnh về trẻ em Syria thiệt mạng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hàng ngày? Liệu những người đó không biết điều gì đang diễn ra tại Syria hay sao?

Và đột nhiên, tôi hiểu rằng có lẽ họ không biết thật.

Tôi và các đồng nghiệp đã viết về cuộc nội chiến tại Syria khoảng 4 năm. Chúng tôi viết về sự tuyệt vọng của những người đang chạy trốn khỏi quốc gia này và khoảng 250.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến đó. Một vài người trong số chúng tôi, các nhà báo Syria và nước ngoài, cũng đã phải bỏ mạng khi cố kể những câu chuyện của mình.

Nhà báo Liz Sly của tờ Washington Post trong lần xuất hiện trên kênh C-SPAN của Mỹ. Ảnh chụp màn hình

Dù vậy, nhiều người dường như vẫn không quan tâm lắm đến việc giúp đỡ những người Syria hay tìm cách giải quyết vấn nạn nói trên. Chính vì thế, nếu những bức hình trẻ em thiệt mạng có thể giúp mọi người hiểu ra vấn đề, hãy chia sẻ những bức hình đó.

Không giống như những bức hình thi thể trẻ em đầy máu me do trúng phải bom đạn mà tôi phải chứng kiến hàng ngày, bức hình cậu bé người Syria đó thực sự không quá gây khiếp hãi.

Bức ảnh ấy mô tả những con sóng vỗ về thi thể của cậu bé và biển cả cũng rất khoan dung với em khi thay vì nhấn chìm em và khiến em mất tích, những con sóng ấy đã đưa em vào bờ, nằm yên trên bờ cát để mọi người có thể tìm thấy em.

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy bức hình nói trên đang tạo ra một sự khác biệt thực sự.

Người nhập cư Syria đem theo trẻ nhỏ lên hòn đảo Lesbos, Hy Lạp (Ảnh Reuters).

Các tờ báo tại Anh, quốc gia đang lên án việc phải tiếp nhận rất nhiều người nhập cư, đã đăng tải hình ảnh của cậu bé trên trang nhất và liên tục kêu gọi giới chức nước này cần phải có cách tiếp cận nhân đạo hơn cho những người đang tìm kiếm cuộc sống mới không có chiến tranh.

Điều này khiến tôi tự hỏi về những lời lẽ lên án việc đăng tải thi thể những em bé thiệt mạng là “bất nhẫn”. Có lẽ nhiều người thực sự không hiểu rằng, cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria đang gây ra những hậu quả thảm khốc mà nhiều người làm cha làm mẹ sẽ cố hết sức để bảo vệ cho những đứa con của mình.

Nếu chúng ta không cương quyết hơn trong việc công bố bức ảnh những em bé bỏ mạng như vậy, liệu mọi chuyện có diễn ra như hiện nay hay không?

Tôi sẽ kết thúc cuộc tranh cãi này bằng việc đăng tải thêm hình ảnh một em bé thiệt mạng nữa do bom đạn và người cha của em không nỡ rời xa thi thể con gái mình.

Tôi sẽ lên án những người nhìn hình ảnh đó mà không cảm thấy gì. Tôi đã đăng tải hình ảnh này từ 3 năm trước nhưng nó không hề gây ra một tác động nào. Có lẽ bởi nhiều người đã quen với cảnh máu đổ hoặc có lẽ bởi điều này xảy ra ở một nơi quá xa xôi.

Ngày qua ngày, nhiều trẻ em tại Syria đã phải bỏ mạng kể từ khi cuộc nội chiến tại đây nổ ra. Con số này đã lên đến 10.000 và không mấy ai quan tâm./.