Trọng trách đầu tiên của ông Rex Tillerson trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ rất lớn, là giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải đối mặt. Đó là tránh cho chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên bùng phát thành một cuộc chiến.

tilllerson_livv.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn ngay trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông. Ảnh: AP
Cơn bão tuyết khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel phải hoãn chuyến thăm Mỹ đã không thể buộc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trì hoãn chuyến công du tới châu Á.

Sau Đức và Mexico, đây là chuyến công du nước ngoài thứ 3 của Ngoại trưởng Mỹ chỉ trong vòng 7 tuần qua và cũng là chuyến đi mang theo trọng trách khó khăn nhất.

Ông Tillerson sẽ phải trấn an các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản về cam kết an ninh của Mỹ tại châu Á khi diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Triều Tiên phóng ít nhất 4 tên lửa đạn đạo hướng ra biển Nhật Bản.

Sau 2 vụ thử hạt nhân năm 2016, những vụ phóng tên lửa này cho thấy, Triều Tiên dường như đã đặt các căn cứ của Mỹ trên quần đảo Nhật Bản và thậm chí là cả khu vực bờ biển Thái Bình Dương ở phía Tây Bắc nước Mỹ trong tầm ngắm.

Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là một phần nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm kiếm một chiến lược mới nhằm tránh nguy cơ một cuộc chiến với Triều Tiên.

Trước khi rời Nhà trắng, cựu Tổng thống Mỹ Obama từng cảnh báo người kế nhiệm rằng, chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên sẽ là hồ sơ gai góc nhất mà ông sẽ phải tiếp quản.

Khi được hỏi về những mục tiêu của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, một người được đánh giá là khá kín tiếng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner chỉ nhấn mạnh, trước mối đe dọa ngày càng tăng, các nước liên quan cần làm nhiều hơn nữa, xem xét những cách tiếp cận mới, những phương pháp mới để đối phó với Triều Tiên.

“Quy mô và tần suất các vụ thử của Triều Tiên là một thách thức lớn. Chúng ta sẽ phải nỗ lực để vừa đảm bảo được an ninh trên bán đảo Triều Tiên, lại vừa đảm bảo các mối quan hệ đồng minh trong khu vực và an ninh của nước Mỹ", ông Toner nói.

Được xem như một sự tiếp nối chiến lược của chính quyền người tiền nhiệm Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã bác bỏ một đề xuất thỏa hiệp do Trung Quốc đề xuất, theo đó Triều Tiên sẽ tạm ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại Mỹ và Hàn Quốc sẽ dừng tập trận.

Để tránh nguy cơ một cuộc đụng độ giữa hai miền Triều Tiên, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên, với sự tham dự của Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ bị lâm vào bế tắc suốt gần 10 năm qua.

Chính phủ Mỹ không phản đối ý tưởng này song lại ra điều kiện Triều Tiên phải chứng minh được sự nghiêm túc trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các bên liên quan đóng góp tích cực cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể phá bỏ những suy nghĩ cũ, có những cách tiếp cận mới, một thái độ thực dụng và hợp lý.

Trung Quốc hoan nghênh bất kỳ những đề xuất nào khác tốt hơn của các bên liên quan để làm thế nào giải quyết những khó khăn hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi cũng sẽ đón nhận với thái độ cởi mở.

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi, liệu trong khi Mỹ vẫn chưa tìm ra được một con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề thì liệu nguy cơ một cuộc đụng độ quân sự có xảy ra hay không? Từ nhiều ngày nay, các quan chức Mỹ đã không ngừng nhấn mạnh, “mọi lựa chọn đều đăt trên bàn và sẽ vẫn luôn ở đó”.

Cuối năm 2016, trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chính quyền cũ và mới tại Mỹ, một quan chức quốc phòng Mỹ cũng từng khẳng định, nước này không loại trừ các kịch bản xảy ra xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà Mỹ đang duy trì 28.000 binh sĩ nhằm bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kịch bản một cuộc đụng độ quân sự có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân với những hậu quả không thể lường trước.

Đây cũng chính là một phần lý do khiến Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đẩy nhanh kế hoạch phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối gay gắt, đồng thời cho rằng, bước đi này vượt xa chính sách ngăn chặn Triều Tiên và có thể phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực.

Có thể thấy, phải làm như thế nào để ngăn chặn Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích luôn là bài toán khó đặt ra với chính quyền các Tổng thống Mỹ.

Một cuộc đấu trí, đấu lực, thậm chí cả đấu kinh tế đang bắt đầu diễn ra vô cùng căng thẳng ở Đông Bắc Á và theo các nhà phân tích, giải pháp duy nhất hiện nay vẫn là đàm phán để đi tới chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và ký hiệp ước hòa bình./.