Ba năm về trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị các quan chức Lầu Năm Góc đẩy mạnh các cuộc tấn công mạng và điện tử nhằm vào chương trình tên lửa của Triều Tiên với hy vọng chặn đứng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tích tắc.
Không lâu sau đó, nhiều vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên liên tục thất bại. Những người ủng hộ kế hoạch của cựu Tổng thống Obama tin rằng các vụ tấn công có mục tiêu đã đem lại một lợi thế mới đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đã nhiều năm góp phần làm trì hoãn cái ngày Triều Tiên có thể đe doạ đến các thành phố của Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân.
KN-14, một trọng hai loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Triều Tiên đang phát triển. Ảnh: KCNA |
Tuy nhiên, giới chuyên gia ngày càng hoài nghi vào chiến lược này. Theo họ, chính những yếu tố, như lỗi sản xuất, nội bộ bất bình và trình độ chuyên môn chưa hoàn thiện, mới là những nguyên nhân dẫn tới các vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên. Trong tám tháng qua, Triều Tiên đã phóng thử thành công ba quả tên lửa tầm trung. Với tiến bộ đạt được, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang "trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng” cho kế hoạch phóng các tên lửa xuyên lục địa của mình".
Từ những đánh giá về chiến dịch vô hiệu hoá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua phỏng vấn các quan chức chính quyền Obama và Trump kết hợp với việc rà soát các tài liệu được công bố, có thể thấy Mỹ vẫn chưa có khả năng ngăn chặn hữu hiệu các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Mối đe doạ này ngày càng vượt xa so với tiên liệu của nhiều chuyên gia. Đó cũng chính là lý do khiến Tổng thống Obama khi rời nhiệm sở đã khuyến cáo người kế nhiệm mình rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là vấn đề cấp bách nhất mà chính quyền mới cần giải quyết.
Tân Tổng thống Trump cũng ám hiệu sẽ ưu tiên tháo gỡ mối đe doạ Triều Tiên. Đáp lại lời đe doạ phóng tên lửa đạn đạo của ông Kim vào ngày đầu năm mới, ông Trump đã chuyển tải trên mạng Twitter thông điệp "Sẽ không có chuyện đó xảy ra!". Giống như người tiền nhiệm của mình, ông Trump mau chóng nhận thấy rằng ông cần phải lựa chọn trong các phương án cho dù chúng chưa thật hoàn hảo.
Bán đảo Triều Tiên dậy sóng, Mỹ tuyên bố tăng sức ép với Triều Tiên
Ông Trump có thể sẽ đẩy mạnh cuộc chiến tranh mạng của Lầu Năm Góc nhằm vào chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, song nỗ lực này không có gì là đảm bảo. Tân Tổng thống cũng có thể mở các cuộc thương lượng với Triều Tiên để ngưng các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Hoặc ông Trump có thể chuẩn bị các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp và các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên. Đây là phương án mà cựu Tổng thống Obama cũng có thể đã cân nhắc song có ít khả năng đạt được mọi mục tiêu. Ngoài ra, ông Trump có thể thúc ép Trung Quốc cắt giảm buôn bán và hỗ trợ Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ có những bước đi cẩn trọng vì những toan tính về lợi ích quốc gia.
Vào đầu năm 2014, Tổng thống Obama đã ra quyết định đẩy mạnh các cuộc tấn công mạng và điện tử, sau khi nhận thấy rằng rằng số tiền 300 tỉ USD chi vào hệ thống chống tên lửa truyền thống kể từ thời kỳ Tổng thống Eisenhowever (mà hay được so sánh là "bắn trúng một viên đạn bằng một viên đạn”) đã không đạt được mục tiêu bảo vệ lục địa Mỹ. Các lần bay thử của các máy bay đánh chặn tại các căn cứ ở Alaska và California có tỉ lệ thất bại chung là 56% trong các điều kiện gần như hoàn hảo. Nhiều chuyên gia khuyến cáo hệ thống này có thể hoạt động kém hơn trong các trận đánh thật.
Chính vì vậy, chính quyền Obama đã tìm kiếm một phương cách tiêu diệt tên lửa hữu hiệu hơn. Lầu Năm góc đã vận dụng đến những kỹ thuật mà đã từ lâu được thử nghiệm theo chiến lược "Left of Launch" (Tả Xung), vì các cuộc tấn công sẽ được bắt đầu trước khi tên lửa đến được đường tấn công hay chỉ mới phóng lên. Trong nhiều năm trời, các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc công khai ủng hộ các hình thức tấn công tinh vi này.
Tờ "New York Times” bắt đầu tiến hành điều tra vào mùa xuân năm ngoái, khi Triều Tiên liên tục phóng hỏng tên lửa. Cuộc điều tra này đã hé lộ các tài liệu quân sự tán dương phương án chống tên lửa mới, trong đó một số kèm theo hình ảnh và biểu đồ cho thấy Triều Tiên là một trong những mục tiêu khẩn cấp nhất.
Phương án được lựa chọn với mục tiêu nhằm vào các tên lửa của Triều Tiên lấy âm hưởng từ chiến dịch ngầm phá chương trình hạt nhân Iran do Mỹ và Israel dẫn dầu thông qua việc sử dụng siêu vũ khí chiến tranh mạng để tháo gỡ mối đe doạ hạt nhân. Song thậm chí việc sử dụng sâu máy tính Stuxnet tại Iran đã mau chóng bộc lộ những hạn chế. Siêu vũ khí này có hiệu nghiệm trong vài năm cho đến khi người Iran giải mã và khắc phục được sự cố. Và với một nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất, Iran trở thành một mục tiêu khá sớm có thể liên tục bị tấn công.
Triều Tiên là mục tiêu nhiều thách thức hơn. Các tên lửa được phóng từ nhiều căn cứ khác nhau trên khắp nước này và dịch chuyển sang các bệ phóng di động trong một trò chơi được tính toán kỹ lưỡng nhằm đánh lạc hướng đối phương. Để tấn công chúng, yếu tố thời điểm có ý nghĩa quyết định.
Những người ủng hộ kế hoạch tinh vi nhằm thao túng dữ liệu bên trong các hệ thống tên lửa Triều Tiên từ đằng xa cho rằng Mỹ thực tế không có sự lựa chọn nào khác vì đã không ngăn chặn được Triều Tiên học hỏi các bí quyết chế tạo vũ khí hạt nhân. Hy vọng duy nhất hiện nay là ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa xuyên lục địa và phô diễn mối đe doạ huỷ diệt đó trước thế giới.
Theo ông William J.Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton, "việc phá hỏng các kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên là phương cách hữu hiệu có thể ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này."
Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa vào vùng biển Nhật Bản
Chế tạo tên lửa - Tham vọng kéo dài hàng thập kỷ của Triều Tiên
Ba thế hệ gia tộc nhà họ Kim mơ ước Triều Tiên tự chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa và coi đây là chiến lược sống còn của đất nước. Có những vũ khí tối tân này trong tay, Triều Tiên sẽ không cần lo sợ bị lép vế trước Hàn Quốc, bị Mỹ tấn công hay bị Trung Quốc "lật lọng”.
Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ nhiều thập kỷ về trước. Đó là giấc mơ của nhà sáng lập Triều Tiên Kim II-sung, người khắc cốt ghi tâm việc Mỹ đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.
Song cơ hội thực sự chỉ đến sau khi Liên Xô sụp đổ. Do không có việc làm, các nhà khoa học tên lửa Nga khi đó bắt đầu tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại Triều Tiên. Một thời gian sau đó, tên lửa Triều Tiên thế hệ mới bắt đầu xuất hiện theo thiết kế thời Xô Viết. Mặc dù các lần phóng thử ban đầu thưa thớt và không ít lần phóng hỏng, những thất bại này ẩn chứa những tham vọng khôn lường của Triều Tiên.
Các tên lửa đạn đạo KN-08 phô bày sức mạnh của Triều Tiên trong cuộc diễu hành quân sự vào tháng 7/2013 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Kyodo News |
Thành công của Triều Tiên rõ nét đến mức chuyên gia Timothy McCarthy thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey trong báo cáo phân tích năm 2001 đã nhận định rằng thành tích của Bình Nhưỡng "dường như là duy nhất trong lịch sử phát triển và sản xuất tên lửa”.
Trước những diễn biến này, vào cuối năm 2002, Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố triển khai tên lửa đánh chặn tại Alaska và California. Đồng thời, ông Bush đẩy mạnh các chương trình can thiệp vào dây chuyền cung cấp phụ tùng lắp ráp tên lửa Triều Tiên, dẫn tới các tên lửa này có khiếm khuyết và yếu điểm. Đây là một phương pháp Mỹ cũng đã nhiều năm sử dụng đối với Iran.
Mối lo từ Triều Tiên gia tăng dưới thời Tổng thống Obama
Vào tháng 1/2009, thời điểm ông Obama nhậm chức tổng thống Mỹ, Triều Tiên đã triển khai hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung theo thiết kế của Nga và thu hàng tỉ đô la từ việc bán các tên lửa Scud cho Ai Cập, Libya, Pakistan, Syria, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen. Không dừng lại đó, Triều Tiên khao khát sẽ chế tạo được một thế hệ tên lửa mới có thể phóng đầu đạn ở tầm cao xa hơn.
Đó là lý do khiến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinon trong năm đầu tiên của chính quyền Obama đã rung chuông về mối đe doạ lớn trước mắt này. Các tài liệu rò gỉ do WikiLeaks công bố đã mô tả con đường mới mà Triều Tiên áp dụng để đạt được mục tiêu tên lửa tầm dài dựa vào mẫu mã thiết kế của Liên Xô cũ nhiều thập kỷ trước dành cho các tàu ngầm mang đầu đạn nhiệt hạt nhân.
Loại tên lửa này có tên gọi là R-27. Khác với các hoả tiễn và tên lửa cũ, ì ạch của Triều Tiên, loại tên lửa tối tân này được thu nhỏ tới mức có thể ẩn náu trong hang động và có thể dịch chuyển về vị trí bằng xe tải. Thế mạnh của R-27 quá rõ ràng: Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và tiêu diệt tên lửa này.
Trong một tài liệu tối mật bị rò gỉ do bà Clinton ký vào tháng 10/2009 chỉ ra rằng "Mục tiêu tiếp theo của Triều Tiên có thể là phát triển hệ thống ICBM di động có khả năng đe doạ các mục tiêu trên khắp thế giới”.
Một năm sau đó, một trong những tên lửa mới được phô diễn trong buổi diễu binh quân sự của Triều Tiên, đúng như cảnh báo trong các báo cáo tình báo.
Năm 2013, tần suất phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra đều đặn hơn. Vào tháng 2 năm này, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa hạt nhân khiến Washington choàng tỉnh bởi các dữ liệu theo dõi cho thấy tên lửa này khi nổ có sức công phá tương đương bom nguyên tử đã san phẳng Hiroshima.
Sau vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên, Lầu Năm Góc tuyên bố mở rộng giàn tên lửa đánh chặn tại California và Alaska. Nhà Trắng cũng bắt đầu công bố chương trình "Left of Launch” để vô hiệu hoá các tên lửa trước khi cất cánh với hy vọng nâng cao cơ hội tiêu diệt các tên lửa này. Đại tướng E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết tấn công mạng bao gồm sử dụng malware (phần mềm nguy hiểm), công nghệ laser và gây nhiễu tín hiệu như là những yếu tố bổ trợ mới cho các phương thức truyền thống để làm chệch mục tiêu tấn công của đối phương.
Mặc dù ông Dempsey chưa bao giờ nêu đích danh Triều Tiên. Song một tấm bản đồ kèm theo tài liệu chính sách về vấn đề này cho thấy một trong những tên lửa của Triều Tiên chĩa thẳng về phía Mỹ.
Trong khi đó, Triều Tiên phát triển kho vũ khí khủng của mình. Triều Tiên nhiều lần toan tính phá vỡ các hoạt động tập trận của Mỹ và Hàn Quốc bằng làm nhiễu tín hiệu điện tử của các vũ khí được điều khiển như tên lửa. Nước này đã phô diễn sức mạnh tấn công mạng ở những nơi kỳ cục nhất là Hollywood. Năm 2004, Triều Tiên đã tấn công vào mạng của hãng làm phim Sony Pictures Entertainment, làm tê liệt khoảng 70% các hệ thống máy tính của hãng này và khiến các chuyên gia sảnh sỏi công nghệ sửng sốt.
Báo cáo về rủi ro tấn công mạng của Hội đồng Khoa học Quốc Phòng dưới thời Tổng thống Obama cũng đưa ra khuyến cáo rằng Triều Tiên có khả năng làm tê liệt mạng lưới điện của Mỹ và do vậy không bao giờ được phép để các hệ thống tấn công quan trọng của Mỹ rơi vào thế rủi ro.
Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân
Đòn đánh bí mật và những hoài nghi mới
Không lâu sau khi Tướng Dempsey đưa ra tuyên bố của mình, Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B.Carter bắt đầu triệu tập các cuộc họp tập trung vào một vấn đề: Liệu một chương trình phá hỏng có thể kéo chậm tiến trình triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên?
Có nhiều phương án được được đưa ra. Thậm chí, Tổng thống Obama thúc ép Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo dùng hết mọi khả năng có thể, kể cả các công nghệ chưa được thử nghiệm.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngay sau đó bắt đầu thất bại với tỉ lệ đáng kể. Một số bị huỷ diệt do tai nạn cũng như lỗi thiết kế. Công nghệ mà Triều Tiên theo đuổi sử dụng các mẫu mã thiết kế mới và các động cơ mới gồm có hỏa tiễn nhiều tầng, áp dụng tất cả các khả năng đối với những sai lầm thảm hoạ. Theo đánh giá chung, chương trình của Mỹ đã góp phần dẫn đến những thất bại này.
Bằng chứng thể hiện qua những con số. Hầu hết các vụ phóng thử tên lửa tầm trung với tên gọi Musudan, vũ khí mà Triều Tiên đã phô diễn trước công chúng chỉ sau lời khuyến cáo của cựu Ngoại trưởng Clinton, đã bốc cháy với tỉ lệ thất bại là 88%.
Bất chấp những thất bại này, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới là mục tiêu chính phía trước ông Kim Jong-un. Vào tháng 4/2016, ông Kim đã chụp ảnh đứng bên cạnh một bệ phóng tên lửa khổng lổ để ăn mừng các kỹ sư đã khai hoả thành công bộ đôi động cơ tên lửa R-27 có sức công phá mạnh do Nga thiết kế. Có thể thấy rõ ẩn ý qua tấm hình này: Đặt hai động cơ trên bệ tên lửa là bí quyết để xây dựng ICBM có thể bắn đầu đạn đến Mỹ.
Vào tháng 9/2016, ông Kim đã tổ chức ăn mừng vụ thử nghiệm một vũ khí nguyên tử được cho là thành công nhất cho đến nay của Triều Tiên. Vũ khí này khi phát nổ có sức huỷ diệt hơn hai lần so với bom Hiroshima.
Theo giới chuyên gia, mục tiêu tiếp theo của nhà lãnh đạo Triều Tiên này là kết hợp hai công nghệ này, thu nhỏ đầu đạn hạt nhân phù hợp với tên lửa xuyên lục địa. Chỉ khi đó ông Kim có thể được tin khi tuyên bố đất nước cô lập này có công nghệ có thể tấn công một thành phố ở Mỹ cách xa ngàn dặm.
Tổng thống Obama ngày càng tỏ ra quan ngại hơn về sự tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên. Trong năm cuối nhiệm kỳ của mình, ông thường xuyên nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang học hỏi được từ mỗi vụ thử tên lửa và hạt nhân, thậm chí qua những lần thất bại, và đáng tiến sát gần hơn tới mục tiêu.
Chỉ một vài tháng trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama đã thúc ép các trợ lý của mình đề ra các phương án mới. Tại một cuộc họp, ông Obama tuyên bố sẽ hướng mục tiêu đến giới lãnh đạo Triều Tiên và các cơ sở vũ khí của nước này nếu phương án này hiệu quả. Song ông Obama và những trợ thủ đắc lực của mình luôn biết rằng đây là chỉ là hành động hăm doạ suông bởi thu thập tin tức tình báo kịp thời về vị trí của các nhà lãnh đạo Triều Tiên hay vũ khí của Triều Tiên lúc nào cũng là một nhiệm vụ gần như bất khả năng và rủi ro trượt mục tiêu là lớn, bao gồm một cuộc chiến tranh tái diễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Thế khó của Tổng thống Trump
Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump phàn nàn rằng "chúng ta quá lỗi thời về phương thức chiến tranh mạng”. Lời lẽ này nhắm đến các quan chức thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã chi hàng tỉ đô là để cung cấp cho tổng thống những phương án mới về thu thập thông tin tình báo và tấn công mạng. Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay mà ông Trump trên cương vị tổng thống vấp phải đó là sẽ đẩy mạnh hay thu hẹp những nỗ lực này.
Các chuyên gia khuyến cáo, bất kỳ quyết định nào được đưa ra sau một khả năng phóng tên lửa mới của đối phương có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Nếu Mỹ sử dụng các siêu vũ khí chiến tranh mạng để tấn công các hệ thống phóng tên lửa, thậm chí tại đất nước đưa ra nhiều lời đe doạ như Triều Tiên, thì Nga và Trung Quốc cũng có thể không do dự làm việc tương tự, đó là nhắm mục tiêu vào các cơ sở đặt tên lửa của Mỹ. Một số chiến lược gia khuyến cáo rằng tất cả các hệ thống tên lửa đều có những giới hạn trong tấn công mạng. Hay nói cách khác, nếu một cường quốc nguyên tử cho rằng mình có thể bí mật vô hiệu hoá hệ thống kiểm soát nguyên tử của đối phương, thì quốc gia đó cũng sẽ hứng chịu nhiều rủi ro từ việc tiến hành tấn công ngăn chặn.
Amy Zegard, chuyên gia về an ninh mạng và thông tin tình báo thuộc trường Đại học Stanford nhận định: "Tôi thấu hiểu mối đe doạ cấp bách này. Song 30 năm tới chúng ta có thể định đoạt đó là một việc làm rất, rất nguy hiểm."
Các trợ tá của ông Trump cho biết mọi thứ đă được đặt lên bàn. Gần đây, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu than từ Triều Tiên, song Mỹ đang xem xét các phương cách để phong toả tài sản của gia đình nhà họ Kim, một số trong đó có thể đang nằm trong các ngân hàng Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD tại Hàn Quốc. Chính quyền Trump có thể thậm chí triển khai nhiều hệ thống này hơn.
Một quan chức cấp cao trong nội các của ông Trump cho biết, Nhà Trắng cũng đang nghiên cứu các phương án tấn công quân sự đánh chặn mặc dù thách thức vô cùng lớn trong điều kiện địa hình đồi núi và hệ thống hầm ngầm sâu bí ẩn của Triều Tiên. Đưa vũ khí hạt nhân tác chiến của Mỹ quay trở lại Hàn Quốc sau khi rút khỏi 1/4 thế kỷ trước cũng là một phương án đang được xem xét thậm chí khi biện pháp này có thể làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang với quốc gia Đông Á này.
Thông điệp của ông Trump "Sẽ không có chuyện đó xảy ra!” về mối đe doạ từ hệ thống ICBM của Triều Tiên cho thấy sự đối đầu lớn hơn có thể le lói.
James M.Acton, nhà phân tích nguyên tử thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nhận định: "Bất kể ý định thực tế nào của ông Trump, thì thông điệp này có để được xem như là 'vạch đỏ' và do đó sẽ mở ra một cuộc trắc nghiệm về độ tín nhiệm của vị tân tổng thống này"./.