Đây được xem là sự đảo chiều mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi IS tiến công đánh chiếm các khu vực miền Bắc Iraq. 

Sức ép phải tái can thiệp 

Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Obama cho phép quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại miền Bắc Iraq, đồng thời tiến hành thả hàng cứu trợ cho 40.000 người dân Iraq đang bị mắc kẹt ở núi Sinjar giữa vòng vây của phiến quân IS. 

obama_slrw.jpgTổng thống Obama cân nhắc các biện pháp can thiệp vào Iraq (Ảnh AP)

Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ có nghĩa vụ phải giúp đỡ Iraq. Hành động can thiệp của Mỹ là nhằm bảo vệ người Mỹ và ngăn chặn khả năng xảy ra hành động diệt chủng tại Iraq và sẽ chỉ “giới hạn trong khuôn khổ”, không bao gồm việc triển khai bộ binh và gắn liền với các cải cách chính trị tại Iraq. 

Ông Obama nhấn mạnh rằng sẽ “không cho phép” Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh tại Iraq lần thứ hai. Tuy nhiên, lực lượng quân đội Mỹ cũng đã được điều động đến quốc gia này với con số 820 người với mục đích bảo vệ người Mỹ hoạt động tại đây. 

Các nhân tố tôn giáo và giáo phái ở Iraq rất phức tạp. Do vậy, Mỹ không muốn can thiệp sâu để tránh bị coi là đứng về một bên trong xung đột giáo phái, đồng thời tránh sa lầy vào vũng bùn chiến tranh. 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tổ chức cực đoan IS tiếp tục áp sát thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq, nơi Mỹ đặt lãnh sự quán và có nhân viên cố vấn quân sự Mỹ, khiến lợi ích của Mỹ bị đe dọa, cùng với tính cấp bách của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây. 

Vì thế, Mỹ nhận thấy có nghĩa vụ phải hành động, đáp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế về thảm họa nhân đạo có thể nhấn chìm hàng chục ngàn người đang bị nguy hiểm dưới họng súng của IS. 

IS liên tiếp tiến công các khu vực chiến lược không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Mỹ ở Trung Đông, mà còn là cái cớ để chính giới Mỹ phê phán chính sách Trung Đông của Tổng thông Obama là  không có hiệu quả. 

Trước nhiều sức ép, khiến ông Obama đã lựa chọn biện pháp quân sự để hóa giải cuộc khủng hoảng. Chuyên gia quân sự Pavel, Viện Đại Tây Dương/Mỹ cho rằng, tuy Mỹ luôn rất thận trọng trong vấn đề tiến công quân sự, nhưng sự thay đổi của tình hình đã đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, từ đó làm cho sự thận trọng này bị thách thức. 

Quyết định dùng giải pháp quân sự của Tổng thống Obama đã nhận được sự đồng tình của các nghị sĩ chủ chốt của Mỹ. Các thành viên lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đều bày tỏ ủng hộ và cho rằng đây là quyết định tốt, nhưng còn chưa đủ. Họ cho rằng, Mỹ cần có một chiến lược toàn diện, làm suy yếu lực lượng IS. 

Chủ tịch Hạ viện, ông John Boehner cho rằng, lẽ ra Mỹ phải hành động sớm và mạnh mẽ hơn. Ông Boehner còn bày tỏ sự “ngạc nhiên” về việc Chính phủ thiếu kế hoạch chiến lược chỉ đạo chiến dịch quân sự và cho rằng, Tổng thống Obama cần có một phương án chiến lược lâu dài ở Iraq, được thực hiện dưới sự ủng hộ của người dân và Quốc hội. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Lindsey Graham nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ viện trợ nhân đạo cũng như sử dụng sức mạnh Không quân”. 

Rơi vào cuộc xung đột dài hơn, quyết liệt hơn 

Giới quan sát cho rằng, hành động can thiệp quân sự của Mỹ hiện nay chỉ là sự khởi đầu, khó có khả năng làm đảo ngược tình hình tại Iraq và nguy cơ Mỹ lại rơi vào một chiến lâu dài là không loại trừ. 

Theo tuyên bố của Tổng thống Obama cuộc chiến chỉ hạn chế trong phạm vi hẹp bởi lực lượng không quân, nên không thể so sánh với cuộc xâm lược quy mô của người tiền nhiệm George W.Bush. 

Các chiến binh người Kurd tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Ảnh AP)

Tuy ông Obama nói lực lượng tác chiến của Mỹ sẽ không quay trở lại Iraq, nhưng ông lại chưa đề cập đến thời hạn của các cuộc không kích, khiến cho cuộc chiến hạn chế này khó đoán định về thời gian và hiệu quả. 

Giới phân tích nhận định, các cuộc không kích có chọn lọc của Mỹ lần này khó có thể “đủ sức” để thay đổi cán cân trên chiến trường Iraq. Các cuộc không kích nói là đủ sức làm cho IS khiếp sợ, bảo vệ các mục tiêu chủ yếu như mỏ dầu, các đập lớn, hạn chế tính hung hăng của IS và ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Baghdad… nhưng đó chỉ là “trị phần ngọn, chứ không trị phần gốc”. 

Các chuyên gia cho rằng, không kích không thể giải quyết căn bản vấn đề an ninh của Iraq. Hành động quân sự lần này chỉ có hiệu quả nhất thời, nhưng khó kéo dài. “Lấy bạo lực đáp trả bạo lực chỉ có thể làm gia tăng bạo lực, gieo hạt giống hận thù, chỉ có dân thường là chịu thiệt”. 

Có ý kiến cho rằng, ông Obama đã dành được sự ủng hộ của người dân và của cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng vũ lực đối với IS. Tuy nhiên, tổ chức IS có thể không sẽ không giảm hoạt động, trong trường hợp đó ông Obama sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, phản ứng từ người dân trong nước tăng lên sẽ giúp cho Đảng Cộng hòa thêm cơ hội công kính đảng Dân chủ, khiến ông Obama khó bề giữ được uy tín cho đến cuối nhiệm kỳ. 

Loại trừ khả năng triển khai lực lượng mặt đất, quân đội Mỹ cần có sự phối hợp với lực lượng an ninh Iraq mới có thể đạt được mục tiêu ngăn chặn tổ chức IS, sự phối hợp tác chiến giữa không quân Mỹ và lực lượng bộ binh Iraq là rất khó đạt được hiệu quả tiến công quân sự. 

Mặt khác, hiệu quả của hành động quân sự phần lớn phụ thuộc vào Mỹ có thể liên kết với các nước khác ở khu vực Trung Đông cùng đối phó với các phần tử vũ trang cực đoan IS hay không. 

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai lực lượng kiềm chế quan trọng nhất hiện nay của cuộc khủng hoảng Iraq do hai nước đều quan ngại về dòng người tị nạn ồ ạt tràn sang, nhưng vì quân đội Mỹ đã hành động nên hai nước này đều duy trì thái độ trông chờ. Giới phân tích cũng cho rằng, một khi tình hình ở Iraq “vượt tầm kiểm soát”, khả năng bộ binh Mỹ trở lại quốc gia Trung Đông này là khó tránh. 

Theo tờ Thời báo New York, sau khi đưa ra quyết định không kích, nhiệm vụ tiếp theo của Obama là xây dựng phương án chiến lược có sự tham gia của Liên đoàn Arab và Liên Hợp Quốc, “hiện nay mới là sự khởi đầu”. Không quân Mỹ có thể cứu vãn được thành phố Erbil nhưng khó có thể vãn hồi được luật pháp và trật tự tại Iraq. 

Còn tờ Business Week của Mỹ lo ngại, Mỹ rất có thể lại rơi vào một cuộc xung đột quân sự dài hơn, đắt giá hơn. Chính quyền Obama không nên có ảo tưởng với tình trạng của Mỹ hiện nay, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, “nguyện vọng tốt thường rơi vào chiến tranh”. 

Tân Hoa Xã của Trung Quốc dự đoán, việc không kích của Mỹ sẽ không đủ lực để đánh bại IS, thậm chí IS có thể sẽ bị kích động hơn, dẫn đến bạo lực nhiều hơn. Ông Obama sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa phá vỡ cam kết không gửi binh sỹ hoặc để IS tiếp tục hoành hành tại Iraq. 

Một trong những mục đích của Mỹ là dùng chiến dịch không kích này để gây sức ép buộc Thủ tướng al-Maliki từ chức. Mỹ tin rằng, một Thủ tướng mới với thái độ hòa giải sắc tộc, lôi kéo người Sunni tham chính, có thể khuyến khích các nước Arab thuộc dòng Sunni ở khu vực Trung Đông giúp đỡ tập hợp những người Iraq thuộc dòng Sunni đứng lên chống IS. 

Các chiến binh tổ chức IS trên một xe thiết giáp gần thành phố Raqqa, Syria (Ảnh Reuters)

Arab Saudi và các láng giềng hùng mạnh tại khu vực đã bày tỏ không tán thành chính quyền al- Maliki và từ chối dùng ảnh hưởng của họ tại Iraq. Theo Tổng thống Obama, “một khi người Iraq giải quyết được vấn đề chính trị của họ, nhiều lực lượng Sunni tại khu vực sẽ chung sức chống lại các chiến binh hồi giáo cực đoan IS. 

Nhưng đây có thể là một kế hoạch dài hạn”. Chính sách “chia để trị” của Mỹ ở Trung Đông – Bắc Phi đã khiến cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo ngày càng cực đoan, tàn bạo hơn. Vì thế, giới phân tích cho rằng, Mỹ và phương Tây đã và đang gánh hậu quả của chính sách khơi mào và hậu thuẫn cho các cuộc “cách mạng mầu” và “mùa xuân Arab”./.