Nhóm Nhà nước Hồi giáo không chỉ đe dọa Tổng thống Putin vì mối liên hệ với chính phủ Syria mà còn đe dọa cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổng công tố viên Nga đã ra lệnh điều tra hình sự về thông điệp kích động bạo lực mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đưa ra và xóa bỏ đoạn băng này trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.

754154_eebb2520_32d4_11e4_a5d1_b77b5e92bd7b_kuyq.jpgHình ảnh trong đoạn băng hành quyết nhà báo Steven Sotloff (Ảnh AFP)

Hiện giới chức Nga vẫn chưa có thêm động thái nào. Trong khi đó, Anh và Mỹ tiếp tục chứng tỏ vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 3/9, Thủ tướng Anh David Cameron tái khẳng định, nước Anh sẽ tiếp tục làm những gì cần phải làm để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như giúp đỡ Iraq đảm bảo an ninh, ổn định quốc gia này, cũng như khu vực Trung Đông.

Ông Cameron nói: “Chúng ta cần phải làm những gì có thể để giúp đỡ những người muốn xây dựng 1 đất nước Iraq cho tất cả người Sunni, Shiite, và Kurd. Chúng ta đã viện trợ về mặt nhân đạo và thiết bị quân sự và chúng ta luôn tự hỏi lợi ích quốc gia của chúng ta ở đây là gì và tiếp tục thúc đẩy các biện pháp giải quyết khôn ngoan”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo cho đến khi nhóm này không còn là một lực lượng đe dọa Trung Đông và sẽ tìm lại công lý cho những nhà báo Mỹ bị nhóm này hành quyết.

Tổng thống Obama cũng sẽ cử Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Cố vấn Nhà Trắng về chống khủng bố Lisa Monaco đến Trung Đông để phối hợp với các đối tác trong khu vực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Chuck Hagel tái khẳng định quân đội Mỹ đã sẵn sàng để “làm suy giảm và phá hủy khả năng” của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Song ông Hagel nhấn mạnh rằng, việc làm suy yếu nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria sẽ đòi hỏi 1 chiến lược hoàn toàn khác do sự phức tạp của các nhóm vũ trang đang hoạt động tại đây.

Ông Hagel cho biết: “Ở Syria, vấn đề không phải là tìm ra nhóm Nhà nước Hồi giáo ở đâu, bởi ở đây còn có Mặt trận al-Nusra và al-Qaeda cũng như các nhóm khủng bố khác ở Syria. Đây là vấn đề khó khăn cho chúng tôi”.

Ông Hagel cũng nêu rõ, Mỹ phải tuân thủ một số nguyên tắc pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của Syria. Ở Iraq, Mỹ được sự đồng ý của chính quyền ở Baghdad để tiến hành các cuộc không kích truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo song ở Syria, Mỹ hiện chỉ có thể triển khai máy bay do thám.

Ngày 3/9, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ Matthew Olsen cho biết, nước này sẽ tăng cường hoạt động tình báo ở khu vực Trung Đông để ngăn chặn các tay súng từ các nước phương Tây đến đây gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông Olsen cảnh báo, các tay súng người nước ngoài của nhóm Nhà nước Hồi giáo có thể là mối đe dọa đối với các nước phương Tây.

“Chúng tôi biết chắc rằng có hơn 12.000 tay súng người nước ngoài đã đến Syria trong 3 năm qua, gồm hơn 1.000 người châu Âu và hơn 100 công dân Mỹ. Trong đó có rất nhiều người gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo và nhóm phiến quân này có thể lợi dụng các những tay súng người nước ngoài để tiến hành các vụ tấn công ở chính quê hương họ”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power thì cho rằng, để thật sự giải quyết vấn đề các tay súng người nước ngoài gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo, phải giải quyết cuộc xung đột ở Syria, bởi tình hình hiện nay đang tạo khoảng trống quyền lực ở miền Bắc và đây là cơ hội để nhóm Nhà nước Hồi giáo hoành hành.

Việc can thiệp như thế nào vào Syria đang là một vấn đề đau đầu đối với các giới chức Mỹ vì nó buộc Washington phải bắt tay với chính quyền ở Damascus.

Tổng thống Assad đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có Mỹ, trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cảnh báo rằng, bất cứ hành động nào trên lãnh thổ nước này cũng cần phải hợp tác với chính phủ Syria nếu không muốn bị coi là một cuộc “xâm lăng”.

Lúc này, từ khu vực Trung Đông, Iran một lần nữa lên tiếng kêu gọi một sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Phát biểu trong chuyến thăm Rome, Italia, ngày 3/9, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan đã vượt khỏi giới hạn của một nước hay một khu vực và trở thành thách thức chung của toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có một giải pháp chung cho vấn đề này.

Ông Zarif nêu rõ: “Trước hết, tất cả các nước trong khu vực cần phải hiểu rằng chúng ta đang đối mặt với những thách thức chung và sẽ không lợi dụng mối đe dọa này vì lợi ích ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng sự hiểu biết chung đang lan tỏa trong khu vực và điều này là sự khởi đầu tốt để chúng ta bắt đầu hợp tác”.

Đây có thể không phải là một trong số những sự lựa chọn hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo nhưng rõ ràng nó là một sự lựa chọn đáng để chính quyền Tổng thống Obama phải xem xét nghiêm túc hơn nếu muốn thật sự giành chiến thắng trước nhóm Nhà nước Hồi giáo./.