Trưa 13/8 theo giờ địa phương (tức ngày 14/8 theo giờ VN), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu về tầm nhìn của Mỹ về việc gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương. Đây được coi là bước triển khai chiến lược xoay trục châu Á của Tổng thống Barack Obama trong nửa cuối nhiệm kỳ làm ông chủ Nhà Trắng lần này. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là ông Obama sẽ hành động thế nào khi chỉ còn “tại vị” 2 năm rưỡi nữa? Bởi thực tế từ trước tới giờ, ông đề cập đến chính sách này thì nhiều mà hành động thì chẳng được bao nhiêu.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là 4 “ưu tiên” trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” mà chính quyền Obama đã tuyên bố tập trung vào phát triển kinh tế, năng lượng, hợp tác khu vực và nhân quyền. Nhìn vào 4 yếu tố “ưu tiên” này, có vẻ như Mỹ đã có sự điều chỉnh so với những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến thăm các nước châu Á hồi tháng 4 năm nay. Bởi ở thời điểm đó, chính quyền Obama vẫn chỉ tập trung “xoay trục” theo hướng quân sự là chủ yếu.
Điểm khác thứ 2 trong bài phát biểu của Ngoại trưởng John Kerry lần này chính là “đối tượng” của chính sách xoay trục. Trong “thông điệp” tháng 4, Mỹ khẳng định thực hiện kế hoạch một cách “dàn đều” với mọi loại đối tượng từ các nước ở khu vực Đông Bắc Á (Trung – Nhật – Hàn) cho đến ASEAN, hay thậm chí là cả một quốc gia khá “xa lạ” với Mỹ như Mông Cổ. Nhưng 4 tháng sau đó, kế hoạch này được rút gọn về khu vực Đông Á.
Lý giải điều này, ông Kerry nhấn mạnh: Đông Á là khu vực rộng lớn, tăng trưởng nhanh và đang là một khu vực có nhiều biến động nhất trên thế giới hiện nay. Sự thay đổi của Đông Á đã trở thành các tiêu chuẩn và hình mẫu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đi kèm với tuyên bố đề cao khu vực, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work sẽ có chuyến thăm 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như đảo Guam và Hawaii trong chuyến công du kéo dài một tuần, bắt đầu từ ngày 17/8 tới.
Không đủ tiềm lực?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng tập trung chính sách đối ngoại vào châu Á, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Nước Mỹ bây giờ đã khác, cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn ám ảnh khiến Mỹ không đủ tiềm lực để “vung tay” như trước. Những yếu tố này đã khiến sự nghi ngại về tính khả thi của chiến lược “xoay trục” của Mỹ ngày càng tăng. Bởi thế với tầm nhìn của Mỹ về việc gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương lần này, các nhà phân tích không quá để tâm tới những tuyên bố mạnh mẽ mà hướng con mắt vào những động thái tiếp theo sau tuyên bố này. Ông Obama sẽ triển khai ra sao khi thời gian “tại vị” của ông không còn nhiều; hiệu quả của bước điều chỉnh chính sách xoay trục này đến đâu và liệu người kế nhiệm ông có kế tục “sự nghiệp” này nữa hay không? Đó mới là những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra cho nước Mỹ./.