Chính phủ Israel ngày 10/11 tuyên bố đấu tranh tới cùng chống lại một thỏa thuận có thể đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Dù không phải là một bên tham gia đàm phán, song Israel lại được xem là một “nhân tố phụ” quan trọng, có thể gây tác động tới mức độ phức tạp của tiến trình này.

thu-tuong-israel.jpg
Thủ tướng Israel cam kết tiến hành một chiến dịch ngoại giao chống Iran (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV)

Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 10/11 cam kết tiến hành một chiến dịch ngoại giao để tập hợp sự ủng hộ trước khi Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) nối lại đàm phán vào ngày 20/11 tới. Theo ông Netanyahu, các nước phương Tây không nên vội vàng và cần cân nhắc kỹ trước khi đi tới thỏa thuận với Iran. Israel sẽ nỗ lực thuyết phục các cường quốc tránh một thỏa thuận “sai lầm và nguy hiểm”.

“Đây là một thỏa thuận sai lầm và nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của chúng ta. Trước bất kỳ vấn đề nào liên quan tới sự tồn vong của nhà nước Do Thái và người Do Thái, tôi sẽ không im lặng. Như tôi đã nói, sự phối hợp của các lệnh trừng phạt và lựa chọn quân sự là sức mạnh lớn nhất để ngăn cản chương trình hạt nhân Iran”, ông Netanyahu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Kinh tế Israel Naftali Bennett ngày 11/11 sẽ lên đường tới Mỹ nhằm thuyết phục các nghị sĩ Mỹ rằng, an ninh của Israel và thế giới đang lâm nguy. Theo ông Bennett, trong 10 năm tới, nếu một chiếc vali giấu đầu đạn hạt nhân phát nổ tại New York hay thủ đô Rome (Italy) bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, thì đây là hậu quả của những quyết định mà các nước phương Tây đưa ra ngày hôm này. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Israel Danny Danon một lần nữa cảnh báo, trong trường hợp cần thiết Israel sẵn sàng hành động. Lực lượng Không quân của Israel được thành lập vì điều này.

Dù không phải là một bên tham gia đàm phán, song không vì thế mà có thể bỏ qua vai trò của Israel. Theo các nhà phân tích, Israel giống như một nhân tố phụ rất quan trọng của Mỹ trong cuộc "đấu trí" với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Có thể nói, Israel đóng một vai trò có tính quyết định tới độ phức tạp của tiến trình đàm phán. Lâu nay, Israel luôn đưa ra lập luận rằng, việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, đe dọa an ninh quốc gia của Israel và sự tồn vong của nhà nước Do Thái.

Những năm gần đây, Israel luôn tạo ra tình huống căng thẳng thậm chí đe dọa tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Chẳng phải thế mà dù luôn tỏ ra cứng rắn, song chính quyền Mỹ Barack Obama cũng không thể phớt lờ tiếng nói của quốc gia đồng minh quan trọng tại Trung Đông này. Mỹ đã cử một phái đoàn quan chức cấp cao do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu tới Israel để thảo luận cụ thể với chính phủ nước này về nội dung các cuộc đàm phán vừa diễn ra, cũng như những khoảng cách còn tồn tại với Iran.

Hồi cuối tuần qua, trong nỗ lực trấn an quốc gia đồng minh tại Trung Đông này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu.

Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh, cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày ở Geneva giữa Iran và nhóm P5+1 diễn ra từ 7-9/11 đã kết thúc mà không đạt kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc đồng ý gặp nhau vào ngày 20/11 tới. Song điều này không đồng nghĩa với việc tiến trình đàm phán đã lâm vào bế tắc. Bởi những mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ qua sẽ không dễ giải quyết trong 1- 2 ngày. Mà điều quan trọng là các bên đã thể hiện thiện chí muốn tháo gỡ mọi vấn đề gai góc nhất.

Trả lời kênh truyền hình BBC, Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng hiện là "thời điểm thích hợp" để các bên đi tới thỏa thuận, vì cho dù vòng đàm phán vừa qua không đạt kết quả nhưng cũng đã có những tiến triển đáng ghi nhận.

“Lập trường của các bên đã xích lại gần nhau hơn thời điểm trước khi diễn ra các cuộc đàm phán. Đây là các cuộc đàm phán khó khăn song chúng ta không được lãng phí thời gian. Các bên sẽ tiếp tục gặp nhau vào ngày 20/11 và chúng ta cần phải tiếp tục duy trì quyết tâm và thiện chí như hiện nay. Có như thế, chúng ta mới có thể đạt được một thỏa thuận”, ông Hague nhấn mạnh.

Rõ ràng, tiến trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này đang đứng trước “những cơ hội và sự chia rẽ”. Để cơ hội không vuột mất, điều mà các bên cần làm để có thể đi tới một thỏa thuận cuối cùng là sự nhượng bộ, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, vì lợi ích của mỗi bên và vì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như thế giới./.