Thế cờ nước đôi của Iran
Washington Post dẫn lời một số nguồn tin nội bộ trong chính phủ Iran nhận định, nước Cộng hòa Hồi giáo này đang có những thay đổi đáng kể trong chiến lược đối phó với Mỹ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters |
Gần đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nói về một cuộc gặp có thể diễn ra trong tương lai với ông Trump, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Mỹ nếu điều ấy đem lại lợi ích cho Iran.
Ngày 26/8, Tổng thống Rouhani tuyên bố rằng: "Nếu tôi có 1 cuộc gặp với ai đó và cuộc gặp ấy đem lại thịnh vượng cho đất nước của tôi cũng như giải quyết được các vấn đề của nhân dân thì tôi sẽ không ngần ngại tham gia".
Tuy nhiên, quan điểm của ông Rouhani đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quan chức và học giả Iran có lập trường cứng rắn với Mỹ. Tổng biên tập Hossein Shariatmadari tờ Kayhan ủng hộ lập trường cứng rắn của Iran với Mỹ đã khẳng định: "Đàm phán với Tổng thống Trump sẽ đem tới những tổn thất và thảm họa cho Iran giống như Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Bên cạnh đó, điều này sẽ không dẫn đến kết quả nào ngoài mang lại món quà cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020".
Giữa bối cảnh hy vọng về cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Iran sau 4 thập kỷ ngày càng tăng lên, Tổng thống Iran đã thay đổi quyết định. Ngày 27/8, ông Rouhani đã tuyên bố rằng nước này sẽ chỉ đàm phán với Mỹ nếu như các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Washington tôn trọng quyền dân tộc của Tehran.
Mặc dù thay đổi quyết định song trên thực tế, ông Rouhani không loại bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Trump khi nhấn mạnh rằng: 'Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này một cách thông minh". Dù vậy, sau khi bị tấn công bởi các chính trị gia có lập trường cứng rắn, Tổng thống Rouhani có thể sẽ thay đổi chiến lược khi công khai từ chối cuộc gặp với ông Trump song vẫn bí mật tiếp tục con đường đàm phán.
Những tuyên bố của ông Rouhani đã cho thấy ông không coi Tổng thống Trump là một mối đe dọa hay ông Trump chỉ muốn gặp ông để tạo thành quả đối ngoại cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trái lại, Tổng thống Iran hiểu rõ rằng cuộc điện đàm năm 2013 giữa ông và Tổng thống Obama đã dọn đường cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và một cuộc gặp với một Tổng thống Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những căng thẳng giữa Tehran và Washington, cũng như các vấn đề trừng phạt.
Theo nguồn tin nội bộ trong chính quyền Iran, nước này đang thực hiện một chiến lược với 2 hướng đi song song. Đó là vừa thể hiện lập trường mạnh mẽ trước Mỹ nhằm khiến Tổng thống Trump “đứng ngồi không yên”, vừa thể hiện ý chí sẵn sàng đàm phán theo những điều kiện nhất định nhằm "đánh" vào tâm lý muốn trở thành một "người làm nên thỏa thuận" của ông Trump.
Triển vọng cuộc gặp Mỹ - Iran sau 4 thập kỷ
Nếu như trước đó, một số nhà lãnh đạo hy vọng ông Trump sẽ dừng lại ở 1 nhiệm kỳ Tổng thống thì hiện nay, khả năng ông Trump tái đắc của đã được phía Iran tính tới.
Nguồn tin nội bộ thuộc chính phủ Iran cũng cho biết các nhà lãnh đạo nước này đã đi đến kết luận rằng Tổng thống Trump có thể sẽ tái đắc cử và Tehran sẽ không đủ sức chịu thêm 6 năm trừng phạt nữa từ Washington.
Đầu tháng 8/2019, Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri đã tổ chức một cuộc họp với một nhóm các cố vấn và các nhóm chính trị nhằm thảo luận về cách đối phó với Mỹ. Một thành viên giấu tên tham dự cuộc họp này cho biết: Nếu Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận "toàn diện hơn" thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thì Iran sẽ cân nhắc đến yêu cầu của nhà lãnh đạo Mỹ khi có thể thảo luận với Washington về chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, đổi lại, Iran cũng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo toàn diện hơn từ phía Mỹ trong việc cắt giảm các lệnh trừng phạt kinh tế.
"Cánh cửa mở ra cơ hội vàng này có thể sẽ không lặp lại. Đây là khởi đầu cho cuộc chiến của Iran. Cách tiếp cận với cuộc bầu cử Mỹ sẽ cho Iran lá bài hiếm có để đối phó với ông Trump", Sadegh Alhusseini - một cố vấn kinh tế và chính sách đối ngoại cấp cao của Phó Tổng thống Iran nhận định trên Twitter.
Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược của Iran nhằm đối phó với Tổng thống Trump đã trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây.
Iran đã bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ, bắt giữ tàu chở dầu của Anh, công khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến và làm giàu urani vượt mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân.
Được coi là một phần của chiến lược, Iran dường như đang muốn leo thang căng thẳng trong một vài tháng tới để có thêm lợi thế trong những cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.
Iran được cho là sẽ tiếp tục phá vỡ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân vào tuần đầu tiên của tháng 9 khi các quan chức nước này tuyên bố sẽ làm giàu urani lên tới 20%, lớn hơn nhiều mức cho phép để sử dụng vào mục đích dân sự.
Cũng lúc đó, Iran cũng tăng cường các kênh ngoại giao. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tới châu Âu và bất ngờ xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 theo lời mời của Tổng thống Pháp và sau đó công du tới một loạt các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia.
Tổng thống Trump không gặp ông Zarif tại Hội nghị G7 và hiện vẫn chưa rõ Ngoại trưởng Iran muốn tìm kiếm điều gì từ phía Mỹ. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ là vấn đề được nêu ra, các nhà phân tích Iran nhận định.
"Iran đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ và đây là lối thoát duy nhất của nước này. Họ sẽ nỗ lực để thúc đẩy việc đưa ra thỏa thuận sớm nhất có thể", Nadler Hashemi - giám đốc Trung tâm Trung Đông tại Đại học Denver nhận định.
Sự xuất hiện của ông Zarif tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã làm dấy lên những đồn đoán rằng các cuộc thảo luận trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Rouhani sẽ diễn ra trong một vài tuần tới.
Ông Trump hiện chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về cuộc gặp này cũng như không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết ông không phản đối ý tưởng châu Âu cung cấp cho Iran “một hạn mức tín dụng”, được hỗ trợ bằng dầu mỏ, nhằm cho phép Tehran đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đang chờ xử lý.
Về phần mình, mặc dù bác bỏ khả năng sẽ sớm có một cuộc gặp với Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Rouhani cũng để ngỏ về một cuộc đàm phán có điều kiện với Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm trong mối quan hệ với Mỹ nếu Washington không chấm dứt các lệnh trừng phạt và sửa chữa sai lầm của mình", Tổng thống Rouhani tuyên bố hôm 27/8.
Quyết định cuối cùng về việc liệu Iran có đàm phán với Mỹ hay không nằm ở Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei. Tuy nhiên, các nhà phân tích và chính trị gia Iran cho biết ông Zarif sẽ không tới tham dự Hội nghị G7 nếu không có sự đồng ý của ông Ayatollah Khamenei.
Mặc dù ông Ayatollah Khamenei luôn chỉ trích Mỹ song trong quá khứ, Lãnh tụ tối cao Iran từng đưa ra nhượng bộ khi hầu như không còn sự lựa chọn nào khác.
Các nhà phân tích và các chính trị gia Iran đã đưa ra 3 ví dụ khi chính phủ nước này đi ngược với quan điểm ban đầu và nhượng bộ trước các sức ép từ phía Mỹ khi cạn dần khả năng chống cự. Đó là khi Iran thả các con tin Mỹ năm 1981, khi Iran thông qua nghị quyết của Liên Hợp Quốcchấm dứt cuộc chiến 8 năm ở Iraq năm 1988 và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Những gì từng diễn ra trong cuộc đàm phán thả con tin giữa Iran và Mỹ năm 1981 khiến các nhà quan sát đánh giá rằng các cuộc thảo luận giữa Washington và Tehran dù sớm hay muộn thì cũng chắc chắn sẽ diễn ra.
Thời điểm năm 1981 trùng với thời điểm kỳ bầu cử Mỹ đang diễn ra, Iran đàm phán để thả con tin với chính quyền Tổng thống Jimmy Carter song đã trì hoãn việc này như một cách bác bỏ một trong các thành quả nhằm giúp ông Carter tái đắc cử. Sau đó, các con tin này đã được thả vào đúng lúc Tổng thống Ronald Reagan đang có bài phát biểu nhậm chức.
"Iran và Mỹ sẽ không bao giờ giải quyết triệt để được vấn đề này nhưng họ đã từng nhượng bộ nhau trước đó và họ sẽ còn phải làm điều này một lần nữa", Saeed Shariati - lãnh đạo 1 đảng chính trị ở Iran nhận định./.
Israel “tuyên chiến” với Iran: Trung Đông xoay vần giữa những cơn thịnh nộ