Sau chuyến thăm 1 loạt các nước châu Âu, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hiện đang ở thăm các quốc gia châu Á, nhằm tái khẳng định các chính sách nhất quán của nước này, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các bên đối với căng thẳng giữa Iran với Mỹ. Dự kiến, Nga cũng sẽ là một chặng dừng chân tiếp theo của ông Javad Zarif trong những ngày tới.
Câu hỏi được đặt ra rằng, liệu với chuyến công du dài ngày, cùng 1 chính sách ngoại giao “cân bằng”, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran có giúp quốc gia vùng Vịnh này thoát khỏi vòng vây trừng phạt kinh tế và sức ép quân sự đang lớn dần từ Mỹ?
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Reuters |
Chuyến công du châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif diễn ra sau hành trình gần một tuần của ông tại Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.
Cũng giống như mục đích thăm các nước châu Âu, tại Trung Quốc, một lần nữa thỏa thuận hạt nhân Iran là 1 nội dung trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Iran và người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, thỏa thuận này là một thành tựu to lớn của nền ngoại giao thế giới, là biểu tượng của chủ nghĩa đa phương. Vì vậy, Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Iran và cộng đồng quốc tế để duy trì thành tựu quan trọng này. Ngoài ra, qua chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Iran còn muốn Bắc Kinh ủng hộ nhiều hơn nữa trong việc hóa giải sức ép kinh tế từ Mỹ, với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu dầu.
Còn tại Nhật Bản - 1 đồng minh quan trọng của Mỹ, hôm qua (28/8) Ngoại trưởng Iran đã được đích thân Thủ tướng Shinzo Abe tiếp đón. Khác với lúc thăm Trung Quốc, hay ở 1 số nước châu Âu, tại Nhật Bản, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đã “gián tiếp” làm rõ và giải quyết những lo ngại của Mỹ đối với các chính sách hiện này của Tehran. Ngoại trưởng Iran cho biết:
“Khi lãnh tụ tối cao Ali Khamenei có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây, lãnh đạo Iran đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân là trái với luật Hồi giáo và ông sẽ không cho phép Iran làm điều này.”
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xác nhận các cam kết như vậy của Iran, đồng thời khẳng định Iran có 1 thiện chí trong việc giải quyết các căng thẳng hiện nay ở vùng Vịnh.
“Tôi rất vinh dự được gặp Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei khi đến thăm Iran. Trong các cuộc hội đàm, ông ấy đã tuyên bố rõ ràng Iran sẽ không phát triển, sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Tổng thống Iran Rouhani đã bày tỏ ý chí mạnh mẽ để giảm thiểu và giải quyết căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.”
Đây có lẽ cũng là 1 lý do khiến Nhật Bản thời gian qua tỏ ra hết sức dè dặt với đề nghị tham gia “Chiến dịch Người Bảo vệ” do Mỹ dẫn đầu, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại Vùng Vịnh – một động thái có thể làm leo thang căng thẳng với Iran.
Dự kiến, hôm nay (29/8), Ngoại trưởng Iran sẽ tới Malaysia. Tại đây, sứ mệnh của người đứng đầu ngành ngoại giao Iran không những chỉ đẩy mạnh mối quan hệ song phương, mà còn là việc đẩy mạnh hợp tác đa phương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bởi Malaysia là một quốc gia Hồi giáo và cũng là thành viên quan trọng của ASEAN.
Cũng liên quan đến lịch trình công du của Ngoại trưởng Iran, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua xác nhận, Ngoại trưởng Javad Zarif cũng sẽ tới thăm Nga vào ngày 2/9 tới.
Nhận được sự đề cao “đối thoại” từ châu Âu trước đó và sự ủng hộ mạnh mẽ về chính sách từ các quốc gia Đông Á, cùng chuyến thăm “đầy hứa hẹn” sắp tới tại Nga, Iran đang thể hiện một chính sách ngoại giao “chủ động và cân bằng” của mình trước sức ép lớn từ quân sự và kinh tế từ Mỹ. Trong khi đó, về đối nội, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua một lần nữa kêu gọi người dân Iran đoàn kết để tự vượt qua và giành chiến thắng trong “cuộc chiến kinh tế” chống lại nước này mà Mỹ khơi mào./.
Tàu Grace 1 được thả: Iran “lội ngược dòng” trước Mỹ?