Một trong những sự kiện quan trọng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại thành phố Biarritz của Pháp hôm qua (25/8) đó là chuyến thăm chớp nhoáng của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Đây được cho là một nỗ lực của nước chủ nhà Pháp nhằm tạo được bước đột phá, giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên theo đánh giá của giới quan sát, chuyến thăm kéo dài hơn 3 giờ của Ngoại trưởng Iran cũng không cải thiện được những bất đồng về Iran đang bao trùm G7.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Reuters |
Theo một quan chức Pháp, ông Zarif đã có các cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 giờ, trong đó có 30 phút với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông cũng có cuộc gặp ngắn với quan chức Đức và Anh. Đánh giá của các quan chức Pháp về cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Iran là tích cực. Hai bên sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong thời gian tới. Thông báo trên trang mạng xã hội sau khi rời Biarritz, Ngoại trưởng Iran khẳng định con đường phía trước khó khăn nhưng “đáng để theo đuổi”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran đến Biarritz, Tổng thống Trump hôm nay khẳng định, ông không bất ngờ khi Pháp mời Ngoại trưởng Iran đến để đối thoại và còn quá sớm để diễn ra cuộc gặp Mỹ- Iran.
“Tôi đánh giá cao cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran và Tổng thống Pháp. Tôi đã thảo luận với Tổng thống Pháp và biết kế hoạch thực hiện của ông ấy. Tôi ủng hộ các biện pháp Tổng thống Macron đang thực hiện và mọi thứ đang rất tốt. Còn đối với với tôi, thì cho rằng còn quá sớm để gặp các đối tác Iran”.
Giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và Iran là vấn đề được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ưu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này. Trong bữa tiệc thân mật cho các nhà lãnh đạo G7 tối 24/8, Tổng thống Macron tuyên bố rằng tất cả các nước đều không muốn Iran sở hữu bom hạt nhân và không muốn chứng kiến bất ổn tại Trung Đông.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 25/8, ông Macron cũng tiếp tục nhấn mạnh để tránh leo thang tình hình căng thẳng về Iran, các bên cần phải thúc đẩy giải pháp. Vấn đề Iran cũng được đề cập trong các cuộc gặp song phương cũng như phiên thảo luận chính của G7. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (25/8) cho rằng, các cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Iran và các quan chức Pháp tại Biarritz không phải là một phần trong Hội nghị G7. Tuy nhiên các bên nên nắm giữ bất cứ cơ hội nào để giảm căng thẳng với Iran:
“Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thể thành công trong việc tìm cách ngăn chặn sự leo thang thêm nữa không. Bởi vì nếu không có gì xảy ra, chúng ta sẽ phải lo sợ rằng Iran sẽ tiếp tục từ bỏ hơn nữa các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân của mình vào tháng 9 tới. Hay chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát tình hình đi ngược với xu thế hiện nay, với việc Iran tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân và thúc đẩy các cuộc đàm phán”.
Bất chấp việc Tổng thống Pháp có 2 giờ thảo luận riêng với Tổng thống Trump và tất cả lãnh đạo G7 đã thảo luận vấn đề Iran sau đó nhưng dường như không có dấu hiệu Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu nhằm vào Iran - điều mà Tổng thống Macron đang tìm kiếm từ Mỹ. Các quan chức Mỹ hôm qua vẫn khẳng định rằng, chiến dịch gia tăng sức ép tối đa về trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran vẫn đang có hiệu quả. Theo một số nguồn tin, lãnh đạo các nước G7 đã thống nhất đề nghị Pháp đưa ra một tuyên bố chung về Iran, nhất trí các hành động với mục tiêu giảm căng thẳng và mở ra các cuộc đàm phán mới với Iran. Tuy nhiên, trả lời trước báo chí hôm qua, Tổng thống Trump cho biết đã không thảo luận về vấn đề này.
Với sự chia rẽ hiện nay trong cách tiếp cận về Iran thì có lẽ điều đồng thuận duy nhất giữa các nước G7, đó là ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và đảm bảo hòa bình, ổn định tại Trung Đông. Còn giải pháp cũng như cách tiếp cận thì Tổng thống Pháp và Mỹ đều phải thừa nhận, mỗi nước thành viên G7 sẽ hành động theo cách riêng của mình./.
Bên lề G7: Các cuộc gặp của Ngoại trưởng Iran khiến Mỹ bất ngờ