Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng chiến lược gây áp lực tối đa lên Iran. Điều này đã phá hoại nhiều cơ hội ngoại giao và đưa nước Mỹ và Iran tới bên bờ vực chiến tranh.

Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đang ngày càng trở nên không hài lòng với việc thiếu kết quả và đang khám phá các cơ hội để mở lại cánh cửa ngoại giao mà ông từng sẵn sàng đóng lại.

chien_tranh_my_iran_zfmj.jpg
Cờ Mỹ và Iran. Ảnh: CNN.

Hiện nay chính quyền ông Trump vẫn có thời gian để chuyển đổi từ gây áp lực sang ngoại giao nghiêm túc. Thật may đội ngũ những người theo đuổi chính sách đối ngoại ở cả hai bên đã phối hợp với nhau để vạch ra một loạt các bước đi có thể thực hiện để giảm nguy cơ chiến tranh và mở ra không gian cho đàm phán.

Tất nhiên hiện nay cả Mỹ và Iran đều ở trong trạng thái khó đàm phán với nhau. Tehran thì nhất quyết không thương lượng dưới áp lực, còn Washington không có dấu hiệu cho thấy họ sẽ bỏ áp lực để đổi lấy các nhượng bộ từ Iran.

Vai trò chủ động từ phía Mỹ

Chính Mỹ chủ động quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran để theo đuổi áp lực tối đa khiến các hy vọng về ngoại giao tiêu tan, nên từ phía Mỹ họ sẽ không dễ gì chủ động mở ra cánh cửa cho giải pháp ngoại giao. Do vậy, Washington nên tạm ngừng các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Tehran, bao gồm việc gia hạn miễn trừ đối với các nước khác mua dầu của Iran. Làm như vậy không có nghĩa là Mỹ từ bỏ áp lực tối đa mà là để cho Iran thấy họ đã được đáp ứng điều căn bản để có thể bước vào đàm phán.

Trong khi đó, Iran nên chào đón việc ngưng các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách quay trở lại tuân thủ đầy đủ và tự nguyện thỏa thuận hạt nhân. Một động thái như vậy sẽ bày tỏ với Tổng thống Trump rằng đầu tư vào ngoại giao có thể mang lại kết quả nhiều hơn.

Một khi các căng thẳng được kiềm chế bởi các hành động có đi có lại, chính quyền Tổng thống Trump và chính quyền Iran nên tận dụng ngay điều đó để xúc tiến ngoại giao nghiêm túc. Đối với Mỹ, điều tuyệt đối cần thiết là bổ nhiệm một đặc phái viên về Iran có tín nhiệm và có quyền hành để thiết lập các đường dây liên lạc rõ ràng với Iran, giúp tháo ngòi các căng thẳng có thể gia tăng.

Tuy nhiên các quan chức cấp cao Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều không có tín nhiệm để tham gia các đàm phán nghiêm túc với Iran. Hai vị này đều là những nhân vật chủ chốt đề xuất trừng phạt Iran và giải pháp chiến tranh. Họ công khai tự hào về các nỗ lực ngăn trở ngoại giao với Iran. Thêm nữa, các báo cáo chỉ ra rằng ông Pompeo lưỡng lự về đàm phán với Iran còn là vì điều này có thể đe dọa các ấp ủ chính trị trong tương lai của ông này, trong đó có khả năng ông sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024.

Do vậy quyết định lựa chọn Thượng nghị sĩ Rand Paul làm đặc phái viên để thảo luận với Iran có thể là giải pháp khôn ngoan vào lúc này. Ông Paul giành được sự lắng nghe của Tổng thống, bỏ phiếu chống lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, và cảnh báo ông Pompeo rằng ông này không có thẩm quyền phát động chiến tranh chống lại Iran. Tuy nhiên về lâu dài thì Mỹ cần phải tìm một đặc phái viên thường trực để dẫn dắt các cuộc đàm phán với Iran, vì các cuộc thương lượng như thế này có khả năng sẽ kéo dài nhiều tháng.

Triển vọng đàm phán hòa bình

Dù không dễ dàng chút nào, giải pháp ngoại giao ít nhất có thể mang lại một cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Iran. Nếu các cuộc đàm phán đó đã diễn ra rồi thì cần đẩy mạnh hơn nữa, còn nếu chưa có thì cần khởi động ngay lập tức.

Các cuộc trao đổi tù nhân đã được đàm phán trước đây, Iran đã ám chỉ cả bí mật và công khai rằng họ để ngỏ khả năng đàm phán. Chính Tổng thống Iran đã thể hiện sự quan tâm đối với việc hồi hương người Mỹ.

Ngoài ra, vô số các cuộc cãi vã gần đây ở vịnh Persian cho thấy nhu cầu về một thỏa thuận ngăn ngừa các sự cố trên biển giữa Washington và Tehran. Mỹ và Liên Xô từng dàn xếp một thỏa thuận như vậy để tránh những động độ và tính toán nhầm không cần thiết vào lúc cao trào Chiến tranh Lạnh năm 1972. Thỏa thuận này đã thành công trong việc giảm số lượng các vụ đụng độ hải quân nguy hiểm giữa 2 đối thủ này. Nếu Mỹ giảm áp lực đối với việc Iran xuất khẩu dầu, bảo vệ hoạt động hàng hải quốc tế thì việc Mỹ đạt được một thỏa thuận như thế với Iran là khả thi.

Còn có những nhân vật khác nữa. Châu Âu đã bị kẹt ở thế khó khi cam kết giữ cho thỏa thuận này vẫn “sống” nhưng lại có khả năng hạn chế trong việc ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Mỹ. Châu Âu nên tận dụng sự khai thông ngoại giao để hiện thực hóa các lợi ích thương mại và kinh tế được hứa hẹn trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, từ đó giúp ổn định mức độ căng thẳng và ngăn ngừa tình hình xấu đi.

Hơn nữa Quốc hội Mỹ không nên dựa vào Tổng thống nước này để bác bỏ sự tham gia của các ông Bolton và Pompeo vào cỗ máy chiến tranh nước Mỹ, mà cần phải thông qua luật loại bỏ việc gây chiến với Iran khi chưa có thẩm quyền.

Một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran không phải là điều tất yếu. Cả hai quốc gia này thực chất vẫn muốn tránh một xung đột với cái giá rất đắt dù họ vẫn đang leo thang căng thẳng với nhau.

Có một số bước nữa có thể đưa Mỹ thoát khỏi con đường dẫn tới chiến tranh được dự báo có thể còn dữ dội hơn cuộc Chiến tranh Iraq 2003.

Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố đã rút ra được nhiều bài học từ cuộc xung đột Iraq. Tuy nhiên gánh nặng đang nằm trên vai ông Trump trong việc chủ động theo đuổi một lộ trình khác cho vấn đề Iran. Cánh cửa đang vẫn mở nhưng nó có thể đóng lại rất nhanh./.