Đây là tuyên bố của Phó Giáo Sư Christopher Roberts, Giám đốc Điều hành về Phát triển của Đại học New South Wales, Australia trong cuộc phỏng vấn với PV VOV bên lề Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra trong 2 ngày 20-21/6 tại Đà Nẵng.
Phó Giáo Sư Christopher Roberts
PV:Theo ông Việt Nam có đủ các căn cứ pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hay không?
Ông Christopher Roberts: Tôi tin rằng với những gì tôi thấy tại Hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” cũng như tại cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” thì Việt Nam có những chứng cứ rất rõ ràng về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Dù không phải là một luật sư, nhưng tại Hội thảo lần này tôi cũng đã chuẩn bị các tham luận của mình để phân tích những hành động gây hấn của Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tôi tin rằng, hành động của Trung Quốc rõ ràng là vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) dù Trung Quốc có cố diễn giải chủ quyền của mình như thế nào đi chăng nữa, vì khu vực này nằm gần bờ biển của Việt Nam và theo UNCLOS thì việc xác định ưu tiên xác định chủ quyền của một quần đảo sẽ là việc nó nằm gần với bờ biển hơn là những đảo hay quần đảo ở ngoài khơi.
Với những diễn biến hiện nay, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa cần phải tách bạch với việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển cũng đã nêu rõ, trong các tranh chấp trên biển thì các bên tham gia tranh chấp không được đơn phương thay đổi hiện trạng tại nơi diễn ra tranh chấp.
Vì thế, việc Trung Quốc đã cố tình đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Đây là một điều rất rõ ràng và Việt Nam đang nắm giữ ưu thế cụ thể trong trường hợp này. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đưa vụ việc này ra Tòa án Trọng tài Quốc tế để Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng.
PV:Trong lịch sử thế giới, đã có lần nào cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa hay chưa?
Ông Christopher Roberts: Theo tôi được biết thì chưa có thời điểm nào cộng đồng quốc tế chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
PV: Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã gia tăng những hành động sai trái của mình trong khu vực này nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa, ông có nhận xét gì về điều này?
Ông Christopher Roberts: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển đã có những điều khoản không công nhận việc dùng vũ lực đánh chiếm một quần đảo có chủ quyền của một nước khác.
Chính vì thế, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 cũng như những hành động sai trái vừa qua của Trung Quốc không thể là căn cứ để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này vì điều này là vi phạm luật pháp quốc tế.
PV: Vậy đâu là giải pháp cho những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông?
Ông Christopher Roberts:Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên bày tỏ ý định đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Quốc tế đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của các luật gia nổi tiếng thế giới để có thể làm rõ rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị kiện Trung Quốc về những điều khoản cụ thể nào.
Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải hồi hộp lo lắng trong vài tháng và có thể Trung Quốc sẽ phải tìm cách tham vấn trực tiếp với Việt Nam để giải quyết những căng thẳng hiện nay bằng việc rút giàn khoan khỏi khu vực hoặc phải có những nhượng bộ nhất định nếu không muốn ra Tòa.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ phải thực sự suy nghĩ về việc họ muốn căng thẳng này sẽ đi đến đâu, nhất là nếu họ không muốn Tòa án ra phán quyết bất lợi cho họ, mà theo tôi là nhiều khả năng xảy ra.
Tốt nhất là Trung Quốc nên hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tôi thực sự hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm của mình.
PV: Ông cũng biết rằng Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam ngày 19/6 để bàn về việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và ngay sau đó Trung Quốc lại đưa thêm một giàn khoan nữa đến khu vực này. Liệu đây là một sự tình cờ hay là một âm mưu của phía Trung Quốc?
Ông Christopher Roberts: Tôi nghĩ rằng điều này nằm trong tính toán kỹ lưỡng của phía Trung Quốc. Tôi cũng cho rằng đang có những vấn đề trong việc đưa ra quyết định của phía Trung Quốc.
Dường như Trung Quốc chỉ chủ yếu lắng nghe những tư vấn của quân đội nước này chứ không phải là các tham vấn của các Bộ trong Chính phủ, nhất là Bộ Ngoại giao. Đây là lí do mà nhiều nước cho rằng Trung Quốc đang vì lợi ích vật chất trước mắt mà đánh mất đi vị thế của mình.
Đây là sai lầm lớn nhất của Trung Quốc và khiến hình ảnh của Trung Quốc bị tổn thương nghiêm trọng và sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá trong nhiều năm sau này.
PV: Xin cảm ơn ông./.