Một ngày sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng như một phần đòn đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này, Nga hôm qua (7/2) vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại nếu Mỹ quay trở lại tuân thủ hiệp ước. Đây được xem là dấu hiệu mở ra cơ hội giảm căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ liên quan đến hiệp ước trên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua cho biết, Nga sẽ áp dụng các giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo an ninh nếu Mỹ rời Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung. Tuy nhiên, Nga vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại nếu Mỹ trở lại tuân thủ hiệp ước. Ông Ryabkov cũng nhấn mạnh, để cứu hiệp ước, Nga đã cố gắng hết sức tham gia đối thoại với Mỹ và đưa ra những đề xuất tìm giải pháp giải quyết bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, đổi lại, Mỹ luôn phớt lờ những nỗ lực của Nga.
Thứ trưởng Ryabkov nói: “Ít nhất, chúng tôi luôn xác định cho mình điểm dừng liên quan đến việc tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và những điều không nên làm. Khi phía Mỹ trao cho chúng tôi một thông báo, chúng tôi phải xem xét kỹ cả về lợi ích và những mặt tích cực của thông báo. Điều mà chúng tôi thấy ở chính sách của Mỹ là khao khát giải phóng bản thân khỏi những quy định của hiệp ước trong khi lại có xu hướng giới hạn chủ quyền và tự do hành động của quốc gia khác.”
Cùng ngày Bộ Quốc phòng Nga cũng đã kêu gọi Mỹ phá hủy hệ thống bệ phóng phòng thủ tên lửa MK-41 triển khai tại Roumani, xem đây là bước đi nhằm quay trở lại Hiệp ước hạt nhân có từ thời chiến tranh lạnh. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết đã triệu tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ ở Nga tới để trao cho công hàm từ phía Nga.
Tuyên bố của phía Nga đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 6/2 cho biết Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng, như một phần đòn đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Trước đó, hôm 1/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước.
Mỹ hiện chưa lên tiếng về đề xuất mới nhất của Nga, song theo đánh giá của giới chuyên gia, đây được xem là bước đi giảm nhiệt của Nga liên quan đến việc tuân thủ hiệp ước. Căng thẳng về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung đã khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga và Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới./.