Pompeo mang niềm tin đến cho Trump
Reutersdẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 17/4 cho biết, đích thân ông Mike Pompeo đã đến Triều Tiên để gặp mặt ông Kim Jong-un và Giám đốc CIA đã “truyền niềm tin” cho Tổng thống Trump về triển vọng đối thoại giữa hai bên dù “chưa thể bảo đảm về một kết quả tích cực” cho cuộc đối thoại này.
Giám đốc CIA Mike Pompeo (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
Bản thân Tổng thống Donald Trump cùng ngày chia sẻ, Mỹ đang tiến hành “các cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao nhất” với Triều Tiên để thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những đồn đoán rằng “các cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao nhất” này là ám chỉ các cuộc gặp giữa ông và ông Kim Jong-un. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng giải thích rằng: “Ý Tổng thống là Chính phủ Mỹ đã có các cuộc đối thoại cao nhất với phía Triều Tiên chứ không phải là chính ông ấy”.
Tổng thống Trump bày tỏ, ông tin rằng, chuyến thăm Triều Tiên của ông Pompeo cho thấy rất nhiều thiện chí của cả hai bên trong việc tiến tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
“Chúng tôi đã tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao nhất với phía Triều Tiên. Tôi tin rằng, cả hai bên đã thể hiện rõ thiện chí của mình và có nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra. Như tôi đã nói, chúng ta cần chờ đợi xem kết quả cuối cùng là như thế nào bởi điều đó mới quan trọng chứ không phải việc chúng tôi đang cân nhắc một cuộc gặp hoặc đã tiến hành một cuộc gặp rồi”, ông Trump nói.
Những nỗ lực trong việc thiết lập cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã giúp làm hạ nhiệt căng thẳng vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí thảo luận về khả năng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trước đó, Nhà Trắng đã sử dụng các kênh liên lạc qua các cơ quan tình báo thay vì thông qua các cơ quan ngoại giao để đối thoại với Triều Tiên. Mãi đến tháng 3 vừa qua, Mỹ và Triều Tiên mới nối lại các kênh đối thoại ngoại giao sau khi Tổng thống Trump bất ngờ chấp thuận đề nghị gặp mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Pompeo, người đang chờ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Ngoại trưởng, đã có các cuộc trao đổi với đại diện phía Triều Tiên thông qua các kênh liên lạc giữa CIA và Tổng cục Trinh sát Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Pompeo cũng duy trì liên lạc chặt chẽ với Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon- người mà theo giới chức Mỹ đã đứng ra làm trung gian cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt.
Vì sao Mỹ từ đối đầu lại muốn đối thoại với Triều Tiên?
Sẽ tiếp tục gây áp lực nếu Thượng đỉnh Mỹ-Triều đổ vỡ
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thận trọng đưa ra nhận định, Thượng đỉnh Mỹ-Triều- dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6- có thể sẽ không diễn ra. Khi đó, theo ông Trump, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục duy trì áp lực với Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt.
“Có thể mọi chuyện sẽ không diễn ra tốt đẹp và Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không diễn ra. Khi đó, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đường lối cứng rắn mà chúng tôi đang thực thi”, ông Trump nói và cho biết, ông ủng hộ nỗ lực liên Triều trong việc chấm dứt tình trạng chiến tranh- trên lý thuyết- giữa 2 miền Triều Tiên tồn tại từ năm 1953 khi 2 nước đặt bút ký vào Hiệp định Đình chiến.
“Tôi luôn ủng hộ việc hai miền Triều Tiên thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh. Nhiều người không nhận ra rằng, Chiến tranh Triều Tiên chưa thực sự kết thúc mà vẫn đang diễn ra”, ông Trump nói.
Trước đó, cũng trong ngày 17/4, tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, 2 miền Triều Tiên đang đối thoại nhằm “hạ nhiệt căng thẳng và tiến tới chấm dứt đối đầu quân sự” để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4.
Cũng theo tờ báo này, sau Thượng đỉnh liên Triều, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ ra thông cáo chung đề cập việc cả hai nước sẽ rút quân khỏi Khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên để khu này thực sự trở thành “khu phi quân sự” theo đúng nghĩa của từ này.
Tuy nhiên, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin của tờ Munhwa Ilbo và nhận định, còn quá sớm để có thể bàn đến nội dung của bản tuyên bố chung ngoài việc bản tuyên bố này đề cập đến tầm quan trọng của việc Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa bằng “những ngôn từ chung chung nhất”.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, Hàn Quốc đang hướng tới một thỏa thuận toàn diện với Triều Tiên, trong đó, Triều Tiên đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ và Hàn Quốc./.
Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?