"Giấc mơ Trung Quốc", "Phục hưng Dân tộc Trung Hoa" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong bài “diễn văn nhậm chức” hôm 17/3 trước Quốc hội Trung Quốc vẫn tiếp tục là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm không chỉ của dư luận Trung Quốc mà cả dư luận quốc tế trong những ngày qua.

Tuy không có nội hàm cụ thể và cũng chẳng có thời hạn để biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng “Giấc mơ Trung Quốc” dường như đã trở thành phương châm và mục tiêu nắm quyền của ban lãnh đạo mới Trung Quốc, có tác dụng kêu gọi và tập hợp sức mạnh xã hội Trung Hoa.

Có người cho rằng, “Giấc mơ Trung Quốc” có thể sẽ được phát triển thành học thuyết, để rồi 5 năm hay 10 năm sau nó sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng, trở thành tư tưởng chỉ đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với "Lý luận Đặng Tiểu Bình", Tư tưởng "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân và Quan điểm "Phát triển khoa học" của Hồ Cẩm Đào.

"Giấc mơ Trung quốc" được nhắc đến lần đầu khi ông Tập Cận Bình khi đó vừa được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng khái niệm này để khái quát tinh thần phục hưng dân tộc khi đi thăm triển lãm có tên gọi “Con đường phục hưng” tại Bảo tàng quốc gia cùng với 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác.

trung%20quoc%20mong.jpg
Trung Quốc mộng (ảnh: Sina)

Trong bài diễn văn hôm 17/3/2013, ông Tập Cận Bình giải thích sâu hơn khái niệm này. Ông đã kết hợp giữa giấc mơ dân tộc với giấc mơ của người dân khi cho rằng, giấc mơ Trung Quốc suy cho cùng là giấc mơ của nhân dân, phải dựa vào dân để thực hiện, phải không ngừng mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến 3 yếu tố để thực hiện giấc mơ Trung Quốc:

Thứ nhất, đó là phải đi con đường riêng của Trung Quốc, con đường được đúc kết từ hơn 30 năm cải cách mở cửa, hơn 60 năm thành lập nước và 170 năm quá trình phát triển dân tộc Trung Hoa thời cận đại, đó là con đường Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Vì vậy, ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân Trung Quốc phải tăng niềm tin đối với cả ba yếu tố cấu thành Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là Lý luận, Con đường và Chế độ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Thứ hai là phải phát huy tinh thần Trung Quốc, đó là tinh thần dân tộc với chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, là tinh thần thời đại với cải cách sáng tạo làm nòng cốt.

Thứ ba là phải tập hợp sức mạnh Trung Quốc. Đó là sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Trung Hoa.Ông Tập Cận Bình cũng chỉ ra rằng, mỗi người dân đều có quyền được sống cuộc sống tốt đẹp như nhau, và khi có mơ ước, có cơ hội, có phấn đấu thì tất cả mọi điều tốt đẹp đều có thể được làm ra.

Do không có nội hàm cụ thể, nên có nhiều cách lý giải khác nhau về khái niệm "Giấc mơ Trung Quốc". Đối với người dân Trung Quốc, “Giấc mơ Trung Quốc” có thể được hiểu là giấc mơ về cuộc sống khá giả, trong đó con người được hít thở không khí sạch, được uống nước sạch, ăn thức ăn sạch, tất cả trẻ em đều được đến trường, người lao động có việc làm, người ốm được chữa bệnh.., là giấc mơ về xã hội dân chủ, văn minh hơn…

Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu và phân tích quốc tế thì lại cho rằng “Giấc mơ Trung Quốc” chính là giấc mơ vươn tới vị thế siêu cường thế giới, thậm chí là giấc mơ bá quyền…

Trung Quốc cho rằng, thực hiện giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa là sự thống nhất giữa quá khứ và hiện tại, nó vừa thể hiện lý tưởng của người Trung Quốc ngày nay đồng thời phản ánh sâu sắc những yếu tố truyền thống của đất nước này.

Người Trung Quốc luôn tự hào về nền văn minh rực rỡ trong quá khứ của mình khi cho rằng, Trung Quốc có hơn 170 phát minh trong gần 300 phát minh khoa học lớn của toàn thế giới tính đến trước đời Minh. Hay đến cuối thế kỷ 18, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô tương đương tỷ trọng kinh tế Mỹ với kinh tế thế giới ở cuối thế kỷ trước.

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc giờ đây đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Để biến “Giấc mơ Trung Quốc” thành hiện thực là thách thức không hề nhỏ đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, cho dù đó là giấc mơ dân sinh của người dân, hay là giấc mơ cường quốc "có trách nhiệm", "vĩnh viễn không xưng bá" như nước này từng tuyên bố.

Trong một bài báo đăng trên trang mạng Thời báo hoàn cầu ngày 22/3, tác giả Thẩm Đinh Lập đã đặt câu hỏi Trung Quốc làm gì để “mạnh nhưng không bá”, khi mà trên thế giới đã có quá nhiều tiền lệ.

Theo bài báo này, một trong những cách để làm được điều này là Trung Quốc phải có cơ chế để "tự trói buộc chân tay mình lại"./.