Trong khi giới lãnh đạo châu Âu đang loay hoay với việc phân bổ hạn ngạch, thì các nước thành viên lại “mạnh ai nấy làm”. Các tàu thuyền bị bắt giữ cùng với số người di cư tăng lên với mức độ chóng mặt và những bất ổn từ các cuộc biểu tình biến thành bạo lực đường phố cũng đã xuất hiện. Điều này khiến giới quan sát và dư luận đặt câu hỏi: liệu đây có phải hiệu ứng ngược của “Mùa xuân Arab” hay không?
Người Libya nhồi nhét trên một con thuyền di cư sang Italy. Ảnh: Polaris. |
Chữa “ngọn” khó thành
Đã hàng tháng trôi qua mà các nhà lãnh đạo EU vẫn loay hoay với bài toán hạn ngạch. Từ vận động các nước tự nguyện đến phân bổ áp đặt theo GDP và cơ chế xử phạt… mà tình trạng “mạnh ai nấy làm” vẫn xảy ra.
Quốc hội Anh đã họp khẩn cấp (8/9) về đề xuất của Thủ tướng Cameron về việc tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015-2020.
Ông Cameron cho rằng, Anh không phải là thành viên của Hiệp ước Schengen (đi lại tự do) nên quốc gia này không liên quan đến việc phân bổ hạn ngạch mà EU đang bàn.
Theo luật hiện hành của Anh Quốc thì người di cư tới nước này sẽ được cấp thị thực bảo trợ nhân đạo trong thời hạn 5 năm, họ có quyền lưu trú, làm việc và hưởng phúc lợi xã hội trước khi nộp đơn xin định cư tại đây.
Pháp tuyên bố nước này sẽ đón nhận khoảng 1.000 người tị nạn nhằm hỗ trợ cho Đức đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay và 24.000 người tị nạn khác trong các năm 2016 - 2017.
Tây Ban Nha lại mạnh dạn khẳng định sẽ tiếp nhận không giới hạn người di cư, nhưng đòi hỏi EU phải sớm đưa ra quyết định rõ ràng về vấn đề này. Các nước Phần Lan, Đan Mạch… cũng có nhiều động thái tích cực giúp đỡ dòng người di cư đang đổ từ Hungary sang Áo và Đức…
Tuy nhiên, nhiều nước EU khác lại cho rằng không nên phân bổ hạn ngạch mà chỉ nên nhận người tị nạn trên cơ sở tự nguyện. Ireland nói họ không đủ khả năng tiếp nhận 40.000 người như phân bổ. Các thành viên EU ở Đông Âu cũng phản đối quy định này do những người di cư không đăng ký đến nước họ…
Thủ tướng Hungary hôm 7/9 cho rằng: “kế hoạch phân bổ hạn ngạch của EU sẽ vô ích nếu các nước vẫn thất bại trong việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài châu Âu”.
CH Czech và Slovakia lại cho rằng: “việc phân bổ lại chỉ tiêu không phải là giải pháp khả thi, điều cần thiết hơn là phải bảo vệ biên giới khu vực Schengen và thiết lập trung tâm cho người tị nạn bên ngoài khu vực này càng sớm càng tốt”.
Theo Tổng thống Pháp Hollande thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Ông cảnh báo rằng: “nếu không có chính sách nhất quán về người nhập cư, cơ chế Schengen sẽ không những không hiệu quả mà có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả khối”.
Bất an thường trực
Theo giới quan sát, những nguy cơ về an ninh đang dần hiện hữu, hàng ngàn người di cư đã đi bộ hoặc xe bus từ biên giới Serbia tới Thủ đô Budapest (Hungary) rồi sang Đức hoặc Áo, những kẻ quá khích cũng đã khơi mào cho các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền sở tại.
Người Syria luồn dây thép gai vượt biên vào châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Hungary đã buộc phải phong tỏa một đoạn đường cao tốc gần phía Đông Nam giáp với Serbia vì dòng người nhập cư đã tràn vào con đường dẫn về thủ đô. Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người di cư cũng đã xảy ra.
Tại Đan Mạch cảnh sát cũng đã phải phong tỏa tuyến đường cao tốc khi các đoàn người di cư nối tiếp nhau tuần hành về phía biên giới với Thụy Điển, do nước này có chính sách nới lỏng đối với họ.
Tờ báo Express (Anh) dẫn một nguồn tin tình báo Syria khẳng định rằng, đã có ít nhất 500 chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trà trộn vào dòng người di cư để tới châu Âu, mục tiêu của chúng là tấn công khủng bố và thiết lập “Vương quốc Hồi giáo” trên khắp thế giới.
Trên trang web WND (7/9) cũng đăng bài viết của tác giả Robert Spencer khẳng định: “Trong số hàng triệu người di cư bất hợp pháp tới châu Âu từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.000 chiến binh đang nằm chờ lệnh tấn công ở khắp các quốc gia thành viên EU”.
Trước đó, IS đã từng đe dọa rằng: “sẽ khiến châu Âu tràn ngập người tị nạn Hồi giáo, với khoảng 500.000 người trong năm 2015 này”.
Nên xem lại “gốc” của vấn đề
Việc những người dân di cư từ các “điểm nóng” ở Trung Đông, châu Phi đổ về “miền đất hứa” EU ngày càng tăng, được lý giải: (1) là do nơi đây có nhiều quốc gia giàu có, an toàn và lại dễ tiếp cận; (2) việc phân bổ “hạn ngạch” lại càng tiếp thêm động lực cho người di cư đổ về đây, khiến các quốc gia thành viên nảy sinh mâu thuẫn và buộc tội lẫn nhau.
Hành trình của những người di cư từ Syria tới châu Âu. Đồ họa: Daily Mail. |
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân “gốc” phải kể đến là (3) từ Chiến lược “Đại Trung Đông” của Mỹ cùng với sự hưởng ứng và chung tay thực hiện của các thành viên NATO.
Được biết, chính sách “Đại Trung Đông” mới, do Mỹ đưa ra sau vụ khủng bố 11/9/2001. Với chủ trương “trả lại thời nguyên thủy của Trung Đông dưới hình thức bộ lạc sẽ dễ quản lý hơn, vì sẽ không có đòi hỏi dân tộc, đàm phán với bộ lạc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần thông qua các hình thức mua chuộc thủ lĩnh bằng tiền là các vấn đề có thể được giải quyết”…
Giới hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, nếu chia nhỏ được Trung Đông, Israel sẽ giữ vai trò cai quản như một “nước Mỹ thu nhỏ” và năm 2006, tấm bản đồ “Đại Trung Đông” mới do Ranpho Pito vẽ đã được công bố lần đầu tiên tại Rome (Italy) và Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên được Mỹ thông báo.
Pito là Đại tá Mỹ về hưu viết cuốn sách có tựa đề “Đừng bao giờ ngừng chiến” và “Các biên giới đẫm máu. Trung Đông có thể tốt hơn”. Vì thế, Mỹ và NATO đã có tác động tích cực làm cho cơn lốc “Mùa xuân Arab” tràn qua Trung Đông – Bắc Phi và các “điểm nóng” trở nên “không ngừng”.
Và giờ đây, theo giới phân tích thì “hiệu ứng ngược” của phiên bản “Cách mạng màu” với tên gọi “Mùa xuân Arab” đã biến thể trở thành cơn lốc “người nhập cư trái phép” lại đang tràn vào châu Âu, khiến EU khó bề chống đỡ.
Như vậy, theo giới phân tích, việc đối phó với “cơn lốc” người nhập cư của EU mới chỉ bắt đầu. “Cuộc chiến” sẽ còn kéo dài cho đến khi Mỹ và EU giải quyết xong nguyên nhân gốc của nó.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, chừng nào Mỹ và phương Tây vẫn theo đuổi Chiến lược “Đại Trung Đông” mới, thì hồi kết của vấn đề người nhập cư bất hợp pháp vẫn còn khó đoán định./.
>> Xem thêm: Chủ nghĩa can thiệp Mỹ ở Trung Đông