“Cuộc chiến” giữa Tổng thống Donald Trump và giới truyền thông Mỹ bắt đầu từ cuộc họp báo đầu tiên của ông và nó vẫn tiếp tục cho đến tận bây giờ. “Việc chỉ trích các tập đoàn truyền thông có thể là sở thích phù hợp nhất của ông Donald Trump”, tờ The Economist viết.

trump_media_gnax.jpg
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, ông Donald Trump không ngừng chỉ trích các hãng truyền thông. Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump mô tả bất cứ thông tin nào có vẻ bất lợi cho ông là “tin giả” và những lời chỉ trích của ông với giới truyền thông ngày càng gia tăng kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2017. Và ngày 5/8 có thể được coi là cao trào nhất từ trước tới nay.

“Những hãng “tin giả” ghét tôi nói họ là kẻ thù của con người chỉ vì họ biết điều đó là đúng”, ông Trump viết trên trang Twitter sáng 5/8.

Việc nói rằng giới truyền thông Mỹ có thể gây ra một cuộc chiến và “rất nguy hiểm” đã làm dậy sóng dư luận. Phóng viên phụ trách mục tin tức chính trị của NBC New Chukc Todd đăng tải trên Twitter rằng: “Đây là sự sỉ nhục. Xin lỗi nhưng tôi không biết phải nói thêm điều gì nữa đối với ai đó đang cáo buộc tôi và các đồng nghiệp của tôi là đang gây ra một cuộc chiến. Tôi biết ông ta đang “nhử” chúng tôi đáp trả. Tôi sẽ đáp trả với hy vọng rằng công chúng nhận ra đây là điều sai lầm và nguy hiểm”.

Tuần trước, The Economist đưa tin, việc ông Trump “tấn công” giới truyền thông có thể phản tác dụng.

“Kẻ thù của người dân Mỹ”

Trong một trạng thái đăng tải trên Twitter hồi tháng 2/2018, ông Trump viết từng gọi truyền thông là kẻ thù của người dân Mỹ. “Truyền thông đưa tin bịa đặt không phải kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ”. Ông thậm chí còn chỉ đích danh những hãng tin và tờ báo mà ông gọi là "kẻ thất bại" như New York Times, NBC News, ABC, CBS và CNN.

Căng thẳng gia tăng từ tháng 7 vừa qua khi ông Trump tuyên bố một số hãng tin đưa “tin giả”. Giữa tháng 7, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp với chủ tòa soạn  New York Times A.G. Sulzberger và biên tập viên cấp cao của New York Times James Bennet tại Nhà Trắng. Cuộc gặp được giữ kín theo yêu cầu của Nhà Trắng, nhưng dường không đạt được kết quả như mong đợi.

Sau cuộc gặp này, Tổng thống Trump mỉa mai trên Twitter rằng ông đã có "cuộc gặp tốt đẹp và thú vị" với ông  A.G. Sulzberger. Ông cho hay: "Hai bên đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về lượng lớn tin giả (fake news) đăng tải trên báo này và cách thức diễn đạt những loại thông tin này. Kẻ thù của người dân. Thật đáng buồn!" Ông chủ Nhà Trắng còn cho rằng tờ New York Times đang sụp đổ và tờ Washington Post không có gì để đưa tin ngoài những thông tin "xấu".  

New York Times sau đó đã cảnh báo rằng, các tuyên bố gây hấn của ông Trump đối với truyền thông nước Mỹ là "nguy hiểm" và gây tổn hại cho đất nước, thậm chí sẽ kích động bạo lực. 

Trong một loạt dòng trạng thái trên Twitter ngày 5/8, ông Trump một lần nữa chỉ trích gay gắt giới truyền thông Mỹ: “Chính họ đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh”. 

Ai sẽ thắng trong cuộc chiến này?

Truyền thông Mỹ có Hiến pháp ủng hộ mình. Điều khoản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp nêu rõ ràng nước Mỹ dựa trên cơ sở tự do báo chí. Về cơ bản, với nền tảng hiến pháp, truyền thông có thể tiếp tục đưa tin.

Hầu hết các hãng tin lớn như The New York Times, CNN hay NBC News đều có lượng người đọc và theo dõi tin tức khá đông. Càng đào sâu vào các vấn đề liên quan tới ông Donald Trump, thì lượng người đọc theo dõi càng cao.

Thế nhưng xu hướng này lại hoàn toàn không đúng với các tờ báo địa phương. Ấn bản The Oxford Eagle hàng ngày ở Mississippi mới đây tiết lộ một câu chuyện khác biệt. Nhà xuất bản của ấn phẩm này cho biết, họ có lượng người đọc cân bằng giữa những người theo xu hướng bảo thủ và tự do. Tờ báo ít khi “chạy” các tin tức quốc gia, và thường là đưa lại từ những hãng lớn như AP.

Tuy nhiên, ấn bản The Oxford Eagle đã nhận được phản hồi từ người đọc rằng, họ muốn những tin tức cân bằng. Tờ báo đã tiến hành đánh giá lại tin tức và nhận thấy, hầu hết các mục và các biếm họa đều theo xu hướng chỉ trích ông Trump và không cân bằng với những điều tích cực mà ông đã làm được.

Những gì mà The Oxford Eagle tiết lộ cũng khiến các hãng truyền thông lớn cần phải nhìn lại và đánh giá xem liệu mình có đang làm đúng những điều khoản trong Hiến pháp về đưa tin công bằng hay không.

Cuộc chiến này, cũng như tất cả các cuộc chiến, sẽ không có người thắng cuộc thực sự. Truyền thông sẽ tồn tại lâu hơn Donald Trump vì Điều khoản sửa đổi thứ nhất của Hiến Pháp (về tự do báo chí). Nhưng chắc chắn họ cũng sẽ phải trả một cái giá. Cái giá đó sẽ lớn tới đâu, thời gian sẽ đem lại câu trả lời./.