Vào cuối tuần trước, giáo sĩ dòng Shiite, Hassan Rowhani, đã vượt qua hàng loạt các ứng cử viên theo đường lối bảo thủ để giành thắng lợi thuyết phục ngay trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran. Một số chuyên gia phân tích cho rằng kết quả bầu cử này chính là dấu chấm hết cho phe bảo thủ, vốn vẫn kiểm soát chính trường Iran kể từ năm 2005. Đây có thể là cơ hội tốt để tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và phương Tây.
Tuy nhiên, nhà phân tích Trita Parsi lại cho rằng, thắng lợi của Rowhani trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy cán cân quyền lực ở Iran phức tạp hơn so với nhiều người nghĩ và rằng việc Iran có thay đổi chính sách của mình hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phần nhiều nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống sắp nhậm chức Rowhani.
Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani (ảnh: PressTV) |
Kết quả đầy bất ngờ
Theo kết quả do Bộ trưởng Nội vụ Mostafa Mohammad-Najjar công bố hôm 15/6, ông Rowhani đã giành thắng lợi áp đảo ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên khi nhận được sự ủng hộ của 50,7% trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu, bỏ xa người về thứ 2 trong cuộc bầu cử này là Thị trưởng Tehran, Mohammad Bagher Ghalibaf. Ông Ghalibaf chỉ giành được 16,6% số phiếu bầu.
Kết quả bầu cử này đã gây bất ngờ cho rất nhiều người bởi vì, cho đến trước thời điểm bỏ phiếu, Thị trưởng Tehran vẫn được coi là ứng cử viên sáng giá nhất để kế nhiệm ông Mahmoud Ahmadinejad, người đã nắm giữ chiếc ghế Tổng thống Iran trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong khi đó, khi ông Rowhani đăng ký ra tranh cử hôm 11/4, không ai nghĩ rằng chính trị gia này có cơ hội thắng cử. Theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng ông Ghalibaf đã mất phiếu vào tay nhà thương thuyết hạt nhân theo đường lối cứng rắn Saeed Jalili, người chỉ về thứ 3 trong cuộc bầu cử này với tỷ lệ ủng hộ là 11,4%.
Cùng với các ông Ghalibaf và Jalili, hàng loạt các ứng cử viên theo đường lối bảo thủ khác - những người đã vận động tranh cử trên cơ sở mối quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei - đều nhận được kết quả đáng thất vọng.
Bình luận về cuộc bầu cử này, Ray Takeyh, người đã từng giữ chức cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ và là một chuyên gia về Trung Đông, nói “có vẻ như ban lãnh đạo Iran đã tính toán sai “sức hấp dẫn của Rowhani” cũng như ảnh hưởng của “sự chia rẽ trong liên minh bảo thủ”.
Những hy vọng cải cách
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Rowhani đã cam kết đoạn tuyệt hoàn toàn với các chính sách đang đẩy Iran vào thế đối đầu với phương Tây. Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ vào cuối tuần trước, vị giáo sĩ ôn hòa dòng Shiite này nói: “Tôi sẽ theo đuổi một chính sách hòa giải và hòa bình”.
Bên cạnh đó, ông cũng cam kết thu hẹp khoảng cách giữa những người theo đường lối bảo thủ và những nhà cải cách.
Rowhani, năm nay 64 tuổi, từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran trong giai đoạn 2003-2005 và chỉ từ bỏ vị trí này sau khi ông Ahmadinejad nhậm chức Tổng thống hồi tháng 8/2005. Sau đó, Iran đã nối lại và mở rộng hoạt động làm giàu uranium. Kể từ đó, ông Rowhani đã thường xuyên chỉ trích chính sách ngoại giao và kinh tế của Tổng thống Ahmadinejad.
Theo các chuyên gia phân tích, với sự hậu thuẫn của các cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, ông Rowhani có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ của Iran với cộng đồng quốc tế và thương lượng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Karim Sadjadpour, chuyên gia của Carnegie Endowment for International Peace – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington (Mỹ), cho rằng “các nguyên tắc của chính sách đối ngoại hiện nay của Iran là rất đóng, nhưng ông Rowhani có thể tác động tới chúng, chí ít là về mặt chiến thuật”. Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhóm an ninh quốc gia Mỹ, Rowhani là “hy vọng tốt nhất cho việc làm giảm tình trạng căng thẳng với Iran”.
Quả thực, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, các quan chức Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh kết quả này. Trong tuyên bố phát hành hôm 15/6, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng cuộc bỏ phiếu của người dân Iran và chúc mừng họ vì họ đã tham gia vào tiến trình chính trị và sự dũng cảm để tiếng nói của họ được lắng nghe”.
Một số người thậm chí cho rằng cuộc bầu cử này làm dấy lên hy vọng về khả năng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran – vấn đề hóc búa nhất trong quan hệ giữa Teheran và phương Tây tại thời điểm hiện nay. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Cộng đồng quốc tế có những hy vọng lớn từ Iran, nhất là về chương trình hạt nhân và sự can dự của nước này vào Syria. Chúng tôi sẵn sàng làm việc về vấn đề này với tân Tổng thống Iran”.
Trong khi đó, Anh đã lên tiếng kêu gọi ông Rowhani “đưa Iran theo một con đường khác vì tương lai: giải quyết các quan ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran, hướng tới mối quan hệ mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế, và cải thiện tình hình chính trị và nhân quyền cho người dân Iran”.
Trước cuộc bầu cử, các quan chức của chính quyền hiện nay ở Iran đã tỏ ra thận trọng khi dự đoán về ảnh hưởng của cuộc bầu cử này đối với chính sách hạt nhân của Iran, vốn chủ yếu do giáo chủ Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng kiểm soát. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, thắng lợi áp đảo của ông Rowhani trong cuộc bầu cử vừa qua có thể buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran phải thay đổi chính sách đang khiến Iran phải chịu sự kiểm soát gắt gao của phương Tây.
Nhà phân tích Trita Parsi, tác giả của một cuốn sách về thái độ của chính quyền Obama đối với Iran, cho rằng có khả năng ông Rowhani sẽ đưa vào nội các các nhà ngoại giao, các nhà kỹ nghệ và các nhà thương thuyết hạt nhân ôn hòa hơn, ủng hộ một chính sách ngoại giao thực dụng hơn.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Parsi, liệu thay đổi chính trị lần này ở Iran có dẫn tới một thỏa thuận giúp ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phần nhiều nằm ngoài tầm kiểm soát của tân Tổng thống Iran.
Còn theo nhận định của hãng tin Reuters, kết quả này sẽ không làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, giải quyết vấn đề tranh cãi liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này hay làm giảm sự ủng hộ của Iran đối với chính quyền của Tổng thống Syria trong cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng, bởi vì đây là những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, vốn vẫn thuộc quyền điều phối của Lãnh tụ Tối cao Khamenei.
Những thách thức trước mắt
Trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Ahmadinejad, mâu thuẫn giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân của Tehran đã gia tăng mạnh mẽ. Kết quả là Mỹ và châu Âu đã áp đặt các lệnh cấm vận dầu mỏ và tài chính đối với quốc gia Trung Đông này do nghi ngờ Iran đang tìm cách chế tạo bom hạt nhân – một điều mà Tehran vẫn luôn bác bỏ.
Các lệnh cấm vận của phương Tây đã khiến nền kinh tế Iran gặp nhiều khó khăn. Đồng rial đã tụt dốc so với các ngoại tệ mạnh khác. Vì vậy, đưa Iran thoát ra khỏi “chiếc vòng kim cô” của phương Tây và vực dậy nền kinh tế nước này là một trong những thách thức lớn nhất đối với ông Rowhani. Trên cương vị tổng thống, ông Rowhani sẽ điều hành nền kinh tế và có ảnh hưởng lớn trong việc ra quyết định đối với các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, ông Rowhani sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và tạo thêm công ăn, việc làm mới cho người dân, nhất là thanh niên./.