Như tin đã đưa, đêm 15/6 (theo giờ Việt Nam), Iran đã xác định được nhân vật kế nhiệm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, là ông Hassan Rowhani sau khi ông này bất ngờ giành hơn 50% phiếu bầu ngay tại vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống.
Ông Rowhani thắng cử gây bất ngờ lớn đối với giới phân tích và dư luận
Theo công bố mới nhất của Bộ Nội vụ Iran, với tổng số gần 37 triệu phiếu được kiểm, ứng cử viên Hassan Rouhani giành hơn 18,5 triệu phiếu bầu (chiếm khoảng 51%), bỏ xa người về thứ 2 là Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf chỉ giành được hơn 6 triệu phiếu ủng hộ. Theo đó, ông Rowhani, 64 tuổi, đã đắc cử trở thành tân Tổng thống thay thế ông Ahmadinejad kết thúc nhiệm kỳ.
Tân Tổng thống Iran, ông Hassan Rowhani (ảnh: PressTv) |
Sau khi kết quả được công bố, các ứng cử viên khác tham gia tranh cử đợt này, Tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad và đại giáo chủ, lãnh tụ tối cao Seyyed Ali Khamenei đã chúc mừng thắng lợi của ông Rowhani và người dân Iran. Theo quy định của Iran, ông Rowhani sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống và điều hành Iran sau hơn 1 tháng nữa.
Với kết quả chiến thắng ngay trong đợt bầu cử đầu tiên, ông Rowhani đã gây bất ngờ đối với giới phân tích cũng như dư luận khu vực và nước sở tại, về những dự đoán trước đó rằng, cuộc bầu cử có thể phải tiến hành đợt hai mới lựa chọn ra được tổng thống.
Nhận xét về vấn đề này, giới phân tích khu vực cho rằng, sở dĩ ông Rowhani đắc cử ngay trong đợt bầu cử đầu tiên, xuất phát từ những lý do sau:
Một là, với đường lối tranh cử rất khác biệt so với các ứng cử viên khác, ông Rowhani đã nhấn mạnh và cam kết đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân Iran, đặc biệt là quyền của phụ nữ. Hơn nữa, ứng cử viên này cũng đưa ra đường lối cụ thể hơn trong giải quyết các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Iran hiện nay. Hai là, được đánh giá là chính trị gia có xu hướng cải cách, ông Rowhani nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn của cựu Tổng thống Khatami và nhiều chính trị gia có quan điểm cải cách khác ở Iran. Đặc biệt, là sự rút lui khỏi cuộc đua tranh vào vị trí quan trọng này của cựu Phó Tổng thống Reza Aref để nhường sự ủng hộ cho ông Rowhani.
Ba là, ông Rowhani được đánh giá là nhân vật mạnh mẽ, có quan điểm ôn hòa và đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng, như cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran dưới thời Tổng thống Khatami, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng điều hợp, đại diện của Lãnh tụ tối cao Seyyed Ali Khamenei tại Hội đồng An ninh Quốc gia,.. Do đó, ông được kỳ vọng sẽ đủ khả năng đưa Iran ra khỏi những khó khăn, thách thức hiện nay.
Rowhani, nhân vật có đường lối cải cách, ủng hộ dân chủ và ôn hòa
Theo giới phân tích, Iran đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống – điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của các nước phương Tây và áp lực phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Hơn nữa, việc ứng viên Rowhani, nhân vật có đường lối cải cách, ủng hộ dân chủ và đã từng tốt nghiệp tiến sỹ luật học ở châu Âu đắc cử vào vị trí Tổng thống, trước hết sẽ giúp giảm hạ nhiệt những chỉ trích của phương Tây liên quan đến các vấn đề dân chủ tại quốc gia Hồi giáo này. Mặt khác, với chủ trương gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính của phương Tây, liên quan đến chương trình hạt nhân, nên tân Tổng thống chắc chắn sẽ có những bước đi mềm dẻo hơn trong các vấn đề, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của Iran. Do vậy, người dân Iran rất kỳ vọng vào vị tân Tổng thống có thể tạo lên được sự thay đổi ở quốc gia này, trên cơ sở đặc điểm của dân tộc họ và phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực hiện nay.
Tuy nhiên, liệu Iran có thay đổi trên thực tế hay không, chắc chắn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, từ sự đồng thuận trong hàng ngũ lãnh đạo Iran, sự ủng hộ của người dân nước này, cũng như sự thiện chí của các nước trong cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phương Tây.
Các cuộc tranh luận trước thềm cuộc bầu cử cho thấy, hầu hết các ứng cử viên Tổng thống Iran đều né tránh trả lời trực tiếp các vấn đề về chương trình hạt nhân của nước này, và tân Tổng thống Rowhani cũng không phải là ngoại lệ, song nhìn chung họ có cùng quan điểm, Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép của phương Tây. Trước đó, Chính phủ Iran cũng khẳng định, lập trường về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống. Tức là, Iran vẫn sẽ tiếp tục con đường của họ, nhằm giành được quyền làm giàu urani vì các mục đích hòa bình mà họ đã và đang theo đuổi.
Tuy nhiên, với tư cách là cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran dưới thời cựu Tổng thống Khatami và các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran với nhóm P5+1 thời gian đó, ông Rowhani cũng đã mang lại những kết quả nhất định, giúp hạ nhiệt những căng thẳng của Mỹ, phương Tây xung quanh vấn đề này. Nên nhiều khả năng, tiến trình đàm phán hạt nhân trong thời gian tới có thể sẽ linh hoạt hơn, nhưng chắc chắn lập trường về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ không có những thay đổi mang tính đột phá.
Ông Rowhani đối mặt với những khó khăn gì trong nhiệm kỳ tới?
Tân Tổng thống có những thuận lợi nhất định khi đắc cử, việc ông nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Iran, và hơn nữa, việc các ứng viên tổng thống khác cũng như Tổng thống đương nhiệm và Lãnh tụ tối cao trực tiếp chúc mừng chiến thắng của ông Rowhani, cho thấy sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân cũng như giới chính trị gia tại quốc gia này. Hơn nữa, ông Rowhani là người đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Quốc hội, Chính phủ, nên có kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ sắp tới của tân Tổng thống Rowhani dự đoán là sẽ gặp phải những khó khăn rất lớn, đặc biệt là trong giải quyết những thách thức trong vấn đề kinh tế, cũng như những khó khăn trong đối ngoại.
Cụ thể, theo số liệu chính thức của Iran, tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng đầu tiên của năm hiện tại tính theo lịch Iran (từ 21/3-20/4) đã lên tới hơn 29%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 14% và đồng rial liên tục mất giá so với USD. Do đó, vị tân tổng Thống cần phải đưa ra một chính sách tổng thể để kìm chế lạm phát, giải quyết ổn thỏa vấn đề thất nghiệp, đồng thời, hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận kinh tế, tài chính của các nước phương Tây, qua đó, tạo cơ sở để ổn định an sinh, xã hội.
Về vấn đề đối ngoại, thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống là Iran phải từng bước gỡ bỏ được lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây, cũng như các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này./.