Cuộc bầu cử tại Iran diễn ra ngày 15/6 vừa qua đã được dư luận quốc tế, đặc biệt là chính giới các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Italy… quan tâm và đánh giá cao cũng như hoan nghênh kết quả bầu cử.

Phóng viên VOV online đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông về kết quả của cuộc bầu cử này.

Phóng viên:Xin ông đánh giá về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày 15/6 vừa qua? Và theo ông, nguyên nhân nào đã dẫn đến kết quả như vậy?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai:Đây là lần đầu tiên, cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran được Cộng đồng Quốc tế và khu vực quan tâm đặc biệt.

Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lên tới 75% và người ta phải xếp hàng dài chờ đến lượt bỏ phiếu chứng tỏ người dân Iran cũng rất quan tâm đến cuộc bầu cử này, mặc dù phải vật lộn với những khó khăn trong đời sống kinh tế.  

anh-ngoai--iran.jpg
Ông H. Rowhani nổi tiếng là người khôn khéo, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm . (ảnh: ABC news)

8 năm cầm quyền của Tổng thống Ahmadinejad nổi tiếng theo đường lối cứng rắn đã không giải quyết được những vấn đề nan giải của Iran: vấn đề hạt nhân và khó khăn kinh tế đã có lúc còn đẩy Iran tới bờ vực chiến tranh.

Trong tình hình như vậy, người dân Iran muốn có sự thay đổi cho nên người ta rất hào hứng tham gia đi bỏ phiếu để tìm ra người có thể đem lại niềm hy vọng cho nhân dân Iran, đưa đất nước ra khỏi vòng vây cấm vận, đem lại hoà bình, ổn định để tập trung xây dựng đất nước.

Mặc dù có 6 ứng cử viên tham gia tranh cử, nhiều người cho rằng số phiếu sẽ phân tán và nhiều khả năng phải bầu lại vòng 2, nhưng ông Hassan Rowhani đã giành được thắng lợi ngay từ vòng đầu với 50,68% số phiếu, là một thắng lợi to lớn không phải chỉ của cá nhân ông Hassan Rowhani, mà là thắng lợi của xu hướng ôn hoà, thể hiện nguyện vọng của người dân Iran muốn có sự thay đổi, giải quyết vấn đề hạt nhân đang có nhiều tranh cãi, đưa đất nước ra khỏi cuộc cấm vận của Mỹ và phương Tây, tập trung khôi phục lại nền kinh tế bị suy sụp do cuộc cấm vận gây ra.

Nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi nhanh chóng của ứng cử viên Hassan Rowhani ngay từ vòng đầu, đó là do người dân Iran đã quá mệt mỏi với việc bị cấm vận và khó khăn kinh tế chồng chất, mặc dù Iran là một nước có trữ lượng và sản lượng dầu mỏ đứng thứ 4 trên thế giới.

Thứ hai, phải nói rằng, ông H. Rowhani là một nhân vật có thái độ ôn hoà, một nhà chính trị có nhiều kinh nghiệm, một nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Iran. Đặc biệt, ông đã làm Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân với phương Tây, có quan hệ tốt với các nước phương Tây, được 2 cựu tổng thống Rafsanjani và Khatami cùng tầng lớp chính trị và tôn giáo trong nước ủng hộ. Trong tình hình hiện nay thì không có gương mặt nào có thể thích hợp hơn ông H. Rowhani.

Một điều rất có ý nghĩa ở đây là nhiều người cho rằng không thể có dân chủ trong một xã hội Hồi giáo chính thống như Iran, nhưng cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp ở Iran được quốc tế, kể cả các nước phương Tây công nhận là một kinh nghiệm dân chủ cần được ghi nhận.

Phóng viên:Theo ông, liệu tân Tổng thống có làm thay đổi tình hình ở khu vực Trung Đông, đặc biệt có cải thiện quan hệ giữa Iran với Israel?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai:Việc ông H. Rowhani, một người theo đường lối ôn hoà thắng cử lên thay ông Ahmedinejad theo đường lối cứng rắn chắc chắn sẽ đem lại luồng gió mới cho quan hệ giữa Iran với các nước khu vực Trung Đông. Ông H. Rowhani nổi tiếng là người khôn khéo, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm chắc chắn sẽ không muốn tiếp tục duy trì các mối quan hệ căng thẳng với các nước khu vực.

Theo tôi, không dễ gì một sớm một chiều thay đổi quan hệ với Syria và Israel, nhưng ông Hassan Rowhani sẽ có các sách lược và những bước đi hợp lý trong quan hệ với 2 nước này.

Đối với Syria, đồng minh chiến lược của Iran, tân Tổng thống H. Rowhani sẽ chuyển sang thái độ hợp lý hơn, đó là ủng hộ tiến hành một cuộc bầu cử để bầu ra một chính phủ mới với sự tham gia của tất các lực lượng chính trị, tôn giáo tại Syria. Một chính phủ được bầu lên một cách công bằng và dân chủ sẽ chấm dứt được xung đột đẫm máu, vãn hồi hoà bình và ổn định cho đất nước này.

Quan hệ đối với Israel là phức tạp hơn nhiều. Tôi tin rằng ông H. Rowhani sẽ có thái độ mềm dẻo hơn trong quan hệ với Israel. Trong khi vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine vì những quyền dân tộc cơ bản của mình thì chắc là ông không đòi xoá Israel trên bản đồ thế giới như người tiền nhiệm Ahmadinejad!

Phóng viên: Hầu hết dư luận quốc tế đều công nhận kết quả bầu cử của Iran (duy chỉ có Israel là không có ý kiến gì), vậy, theo ông đây có phải là cơ hội tốt để tân Tổng thống Iran giải quyết các mối bất đồng với Mỹ và Phương Tây, đặc biệt là vấn đề hạt nhân, nhằm mở ra một chương mới cho con đường phát triển mới của nước này?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Khác với các cuộc bầu cử trước ở Iran, lần này dư luận quốc tế, đặc biệt là chính giới các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Italy… đã nhanh chóng hoan nghênh kết quả bầu cử tại Iran. Điều này cho thấy, phương Tây coi đây là một cuộc bầu cử thành công, dân chủ, công bằng và sẵn sàng hợp tác với Tổng thống mới để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Nguyên Đại sứ Nguyến Quang Khai

Như vậy, hai phía đã có nguyện vọng chung, tiếng nói chung để tìm ra giải pháp cho các vấn đề đang cản trở quan hệ giữa Iran với phương Tây. Đây là những dấu hiệu tốt lành trên con đường cải thiện quan hệ giữa 2 phía.

Theo tôi, việc ông H. Rowhani đắc cử Tổng thống Iran đang đem lại một tia hy vọng cải thiện tình hình quan hệ giữa Iran và phương Tây, nhưng cũng không nên trông chờ vào những thay đổi mang tính chất bước ngoặt. Bởi vì, các vấn đề của Iran hết sức phức tạp, hơn nữa theo cơ chế quyền lực và tôn giáo tại Iran, quyền lực của Tổng thống rất hạn chế, và quyết định cuối cùng thuộc về Đại giáo chủ A.Khamenei.

Phóng viên:Theo ông, nhiệm kỳ tới, tân Tổng thống Iran sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Ông Ahmadinejad sẽ để lại cho người kế nhiệm một loạt các vấn đề nan giải, đó là vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi, cuộc cấm vận của Mỹ và Phương Tây, quan hệ căng thẳng với Mỹ, phương Tây với các nước láng giềng, nền kinh tế suy sụp, dưới nạn lạm phát 40%, đồng Rial nội tệ mất giá 80%. Trong vòng hơn 1 năm qua, nạn thất nghiệp lan rộng, đời sống nhân dân khó khăn… Đây là những vấn đề mà ông Rowhani phải giải quyết trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Trong chương trình nghị sự của mình, có vô số vấn đề phải giải quyết, nhưng ưu tiên số 1 của Tổng thống H. Rowhani có lẽ là tập trung khởi động lại cuộc đàm phán P5+1 về vấn đề hạt nhân Iran, tìm ra một giải pháp hợp tình hợp lý cho vấn đề này, tiến tới dỡ bỏ cuộc cấm vận  của Mỹ và phương Tây chống Iran. Một khi cấm vận được dỡ bỏ thì sẽ mở đường cho việc giải quyết các vấn đề khác của Iran một cách dễ dàng.

Còn về quan hệ với Việt Nam, tôi cho rằng, trong đường lối đối ngoại của mình, Iran vẫn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Chúng ta cần tranh thủ để tăng cường hợp tác với Iran thời kỳ hậu cấm vận.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!/.