Mặt trận ngoại giao tại khu vực châu Âu lại trở nên sôi động trong những ngày đầu tháng 2 này. Sau cuộc thảo luận chuyên sâu lần đầu tiên của của tân Ngoại trưởng Mỹ với những người đồng cấp của Pháp, Đức, Anh, mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell, cũng tham gia Hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong Hội nghị này, ông Vương Nghị kêu gọi EU hành động "độc lập và tự chủ", chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh bằng "sự cạnh tranh gay gắt".
Những diễn biến này khiến người ta liên tưởng đến tam giác quan hệ chiến lược Mỹ - Trung Quốc – EU thời gian tới và đặt một câu hỏi, liệu Châu Âu sẽ cân bằng mối quan hệ với đồng minh Mỹ và đối tác Trung Quốc như thế nào?
Thông điệp của Trung Quốc với châu Âu
Trong cuộc điện đàm với ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có nhắc đến những khái niệm và thông tin rất quan trọng với châu Âu, đó là “độc lập và tự chủ chiến lược”, “lợi ích chung” và Hiệp định toàn diện về đầu tư giữa Trung Quốc và EU.
Thông điệp mà ông Vương Nghị gửi đi rất rõ ràng, đó là Trung Quốc coi trọng sự hợp tác với EU để đạt được lợi ích chung và Trung Quốc đánh giá việc hợp tác sẽ lớn hơn rất nhiều so với sự cạnh tranh. Trung Quốc cũng ngầm cảnh báo châu Âu rằng khối này không nên quên mất ưu tiên lớn mà mình đang theo đuổi là có một sự độc lập tương đối và một sự tự chủ chiến lược so với Mỹ.
Ở đây, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đặt hai yếu tố so sánh vào cùng một bối cảnh: một bên là sự hợp tác để đạt được lợi ích với Trung Quốc, mà ví dụ cụ thể nhất là Hiệp định đầu tư sẽ mở đường cho các công ty châu Âu tiếp cận thị trường gần 1,5 tỷ dân của Trung Quốc với những ưu đãi chưa từng có, và một bên là nguy cơ đánh mất sự độc lập và tự chủ trong chính sách đối ngoại và an ninh nếu như EU bị cuốn theo các tham vọng của nước Mỹ. Nhìn một cách tổng quan thì rõ ràng Trung Quốc đã vẽ nên một bức tranh được-mất để cảnh tỉnh châu Âu và bức tranh này hoàn toàn có thật.
Tất nhiên, cuộc điện đàm giữa ông Josep Borrell với ông Vương Nghị cũng không phải toàn những lời lẽ tốt đẹp và ôn hòa. Phía châu Âu đã nêu ra các quan ngại của mình về vấn đề nhân quyền, dân chủ, đặc biệt là về vấn đề Tân Cương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã rất cứng rắn đáp trả rằng họ không chấp nhận các lời lẽ cáo buộc dối trá mà nhiều chính trị gia và truyền thông phương Tây dựng nên. Trung Quốc không đóng hết cánh cửa đối thoại với EU nhưng luôn khẳng định đây là các vấn đề đối nội của họ và các nước không có quyền can thiệp hoặc tìm cách gây bất ổn.
Quan điểm của châu Âu với cách tiếp cận của Mỹ
Cho đến nay, chính quyền mới tại Mỹ đã chính thức nhậm chức được hơn 3 tuần và mặc dù cả tân Tổng thống Joe Biden lẫn Ngoại trưởng Anthony Blinken đều tuyên bố muốn làm sống lại mối quan hệ đồng minh chiến lược liên Đại Tây Dương nhằm đối phó với Trung Quốc nhưng nội dung cụ thể của chiến lược này là gì thì chưa ai rõ.
Sau 4 năm nước Mỹ đi theo chủ nghĩa biệt lập dưới thời ông Donald Trump, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, xa rời chủ nghĩa đa phương và mâu thuẫn nghiêm trọng với các đồng minh, châu Âu dĩ nhiên hoan nghênh sự trở lại của Mỹ trong việc gánh vác các vấn đề lớn của thế giới. Các lãnh đạo châu Âu đều tuyên bố mong muốn sớm hợp tác với chính quyền mới tại Mỹ và Đối thoại Âu-Mỹ về Trung Quốc thời gian tới sẽ làm rõ hơn việc Mỹ và EU có thể hợp tác với nhau ra sao để đối phó với quyền lực đang ngày càng lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một điều rất rõ là châu Âu không muốn cùng Mỹ lập ra một liên minh chống Trung Quốc. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng một tình huống mà tất cả hợp lại chống Trung Quốc sẽ là một kịch bản tồi tệ nhất cho xung đột. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi rằng không nên chọn bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Tại châu Âu, bộ đôi Đức-Pháp là đầu tàu dẫn dắt cả về kinh tế lẫn chính trị và với các tuyên bố của ông Macron và bà Merkel, điều rõ ràng là châu Âu sẽ không ngả hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Trong năm 2020, tư duy này đã được châu Âu thể hiện rất rõ trong các hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc.
Châu Âu tuyên bố Trung Quốc là đối tác sống còn về kinh tế nhưng cũng là đối thủ mang tính hệ thống còn Mỹ là đồng minh chiến lược nhưng cũng có thể là đối thủ gây tổn hại lợi ích. Vì thế, trong giai đoạn đầu của chính quyền mới tại Mỹ, mặc dù châu Âu hoan nghênh và tỏ ra phấn khích trước việc quan hệ Âu-Mỹ có thể trở lại như trước nhưng các nghi ngờ giữa đôi bên chưa thể xóa bỏ hoàn toàn và các hệ lụy thời ông Donald Trump vẫn sẽ buộc châu Âu phải giữ chặt tư duy tự chủ chiến lược của mình, cho dù chính quyền mới tại Mỹ có thay đổi ra sao.
Bài toán cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ
Năm 2020 là một cột mốc quan trọng vói châu Âu khi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các biến chuyển trong tư duy chiến lược tại châu Âu, đặc biệt là tại cường quốc số 1 châu Âu là Đức. Châu Âu đã xác định rằng muốn duy trì được vị thế của mình trong những thập kỷ tới và không bị tổn hại trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung thì khối này buộc phải tự xây dựng cho mình một chiến lược riêng, độc lập-tự chủ hơn với Mỹ nhưng cũng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Quan hệ giữa EU với Trung Quốc đã vượt lên trên khuôn khổ các tính toán thương mại thông thường như các năm trước. Châu Âu cho rằng khối này phải mạnh mẽ và dám đối đầu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định thì mới được Trung Quốc tôn trọng, qua đó mới duy trì được lợi thế và lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này đã thể hiện rất rõ trong các tuyên bố cứng rắn mà lần đầu tiên EU thể hiện trong các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương hay tự do hàng hải ở biển Đông.
Các nước EU như Pháp và đặc biệt là Đức đã đưa ra chiến lược can dự chủ động hơn rất nhiều tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng mặt khác, Đức cũng lại là nước vận động mạnh nhất để Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc được hoàn tất vào ngày cuối cùng của năm 2020, cũng là ngày cuối nước Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Josep Borrell và ông Vương Nghị, phía châu Âu cũng gửi lời mời Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đến Brussels gặp lãnh đạo 27 nước EU vào cuối năm 2021. Châu Âu đang cụ thể hóa chiến lược “nói với Trung Quốc bằng một giọng duy nhất” mà ông Macron, bà Merkel và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker từng thể hiện đầu năm 2019 khi ông Tập Cận Bình đến thăm Pháp. Về lâu dài, châu Âu muốn vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc, muốn duy trì đối thoại để gây sức ép, chứ không phải đối đầu toàn diện như Mỹ.
Đối với quan hệ EU-Mỹ, sẽ cũng có nhiều thay đổi khi châu Âu giờ đây đã trưởng thành hơn về mặt địa chính trị. Châu Âu sẽ hợp tác mạnh hơn với chính quyền của ông Joe Biden trong việc tìm ra cơ chế tiếp cận phù hợp trong quan hệ với Trung Quốc, sẽ cùng Mỹ gây sức ép nhiều hơn với Trung Quốc trong các mặt trận dân chủ, nhân quyền. Trước sau gì Mỹ vẫn là đồng minh lớn nhất của châu Âu và trong bối cảnh quan hệ với Nga đang căng thẳng, châu Âu vẫn cần Mỹ để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, châu Âu sẽ cố gắng không bị biến thành con rối trong chính sách đối ngoại của Mỹ như trước kia. Khối này sẽ tìm cách đóng vai một nhân tố trung gian trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc để qua đó nâng cao giá trị của mình.
Tuy nhiên, tất cả những điều này là một bài toán chiến lược dài hạn của nhiều thập kỷ trước mắt chứ không chỉ một vài năm và việc châu Âu có tìm được một vị thế độc lập, tự chủ tương đối để thực thi ý định của mình hay không vẫn là một dấu hỏi lớn./.