Với việc kết quả bầu cử giữa kỳ hôm qua (4/11) trao cho đảng Cộng hòa Mỹ quyền kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội kể từ đầu năm sau, chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ có thể có nhiều thay đổi. Bởi Quốc hội, nay đã do đảng Cộng hòa nắm giữ, chính là cơ quan thông qua các hiệp ước và ngân sách quốc phòng cho những hoạt động của Mỹ ở bên ngoài như cuộc chiến chống tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria hay đàm phán hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Mạnh tay hơn với Iran, dịu dàng hơn với Israel?

Suốt 6 năm qua, Tổng thống Obama, chủ nhân của một trong những giải Nobel vì hòa bình, được thế giới đánh giá cao vì những nỗ lực thúc đẩy đàm phán hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, tháng 1 tới, khi phe Cộng hòa tiếp quản nốt Thượng viện thì những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn sẽ không bỏ qua cơ hội thúc ép ông Obama tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, đặc biệt là trong trường hợp đến thời hạn chót 24/11 tới mà Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) không đạt được một thỏa thuận hạt nhân lâu dài.

Việc phe Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội cũng sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho Tổng thống Obama trong việc đạt được những tiến bộ mà ông muốn thấy trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel có nhiều “đồng minh” ở phe Cộng hòa hơn và sẽ vận động hành lang để ngăn cản mọi nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama nhằm gây sức ép buộc Israel hạn chế hoặc ngừng xây dựng các khu định cư trái phép cho người Do Thái.

Đáng tiếc là cả hai vấn đề này đã trở thành quả bóng chính trị mà 2 phe Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đá qua đá lại suốt những năm qua.

Cử bộ binh chống IS?

Phe Cộng hòa ở Hạ viện lâu nay vẫn kêu gọi tăng cường bộ binh trên khắp Trung Đông, bao gồm cả Syria, nay khi đã nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và nhân bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) đang “nóng hổi”, sẽ càng thúc đẩy chiến lược này. Thực tế đến nay Mỹ vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể hay xác định rõ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ lớn đến đâu. Cựu ứng viên Tổng thống, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain là người đi đầu chỉ trích chính quyền của ông Obama chậm trễ trong việc hỗ trợ phe nổi dậy được Mỹ xếp vào nhóm ôn hòa ở Syria. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viên Mỹ từ đầu năm sau, ông McCain có thể sẽ hối thúc chính phủ triển khai binh sỹ đến Syria. Hiện có rất ít Thượng nghị sĩ của cả 2 đảng sẵn sàng ủng hộ cho kế hoạch táo bạo này nhưng nếu Tổng thống Obama “mở lời” thì chắc chắn ông sẽ nhận được sự ủng hộ của toàn bộ Thượng viện.

Gay gắt hơn với Nga?

Phe Cộng hòa kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội cũng có nghĩa là quan hệ Nga – Mỹ càng bị đẩy gần hơn đến nguy cơ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh vì khủng hoảng Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tương lai của Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker muốn áp đặt các lệnh trừng phạt khắt khe hơn đối với Nga, điều mà Tổng thống Obama đang cố né tránh. Nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn biến xấu đi trong những tháng tới, phe Cộng hòa có thể gây áp lực để Tổng thống Obama đưa ra các lệnh trừng phạt mang tính ràng buộc hơn là những lệnh trừng phạt “mở” hiện nay, khi ông vẫn có thể dỡ bỏ hoặc điều chỉnh nếu tình hình ở Ukraine tiến triển tốt.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, cơ quan “không mang tính đảng phái”, do đó giới chức ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với bất cứ đảng nào nắm quyền kiểm soát quốc hội để tiếp tục thúc đẩy những chiến lược của Mỹ trên toàn cầu./.