Một ngày trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Anh, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson vẫn đang chiếm ưu thế và được dự đoán nhiều khả năng tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, quy mô của chiến thắng mới là yếu tố quyết định đối với tương lai tiến trình Brexit.
Việc lãnh đạo một chính phủ thiểu số từng khiến Thủ tướng Boris Johnson gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật về Brexit. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tổng tuyển cử thứ 3 chỉ trong vòng 4 năm qua tại Xứ sở sương mù.
Hai đảng chính trị lớn tại Anh đều cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri còn do dự, với 2 nội dung bao trùm là Brexit và hệ thống chăm sóc y tế quốc gia. Ảnh: Reuters |
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cận ngày bầu cử đều cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đang trên đà giành được đa số phiếu cần thiết để hoàn thành khẩu khiệu “Đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu đúng ngày 31/1”, như ông vẫn tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, khoảng cách với Công đảng đối lập đang không ngừng được thu hẹp.
Trong bối cảnh chiến dịch bầu cử đang bước vào những giờ cuối cùng, hai đảng chính trị lớn tại Anh đều cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri còn do dự, với hai nội dung bao trùm là Brexit và hệ thống chăm sóc y tế quốc gia.
Phát biểu tại miền Trung nước Anh, khu vực có đa số cử tri ủng hộ Brexit, Thủ tướng Boris Johnson chỉ trích mạnh mẽ thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đang tìm cách đàm phán lại một thỏa thuận mới với Liên minh châu Âu và thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit.
Theo ông, nước Anh chỉ có hai lựa chọn một là tiến lên phía trước với việc hoàn thành Brexit, hoặc tiếp tục tình trạng tê liệt như hiện nay: “Coi các cơ sở hạ tầng, giáo dục và công nghệ là chất xúc tác để đoàn kết đất nước, chúng tôi có tầm nhìn về một Vương quốc Anh thống nhất. Còn ông Jeremy Corbyn lại đang tìm cách chia rẽ đất nước. Chúng ta cần phải hoàn thành Brexit”.
Trong khi đó, Công đảng cũng không bỏ lỡ cơ hội “trách cứ” Thủ tướng Boris Johnson phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà chính sách thắt lưng buộc bụng gây ra cho hệ thống y tế công trong suốt 9 năm qua. Đảng này đồng thời chỉ trích chính phủ đem hệ thống y tế quốc gia ra làm vật trao đổi với các tập đoàn dược phẩm Mỹ trong nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại tự do với Mỹ hậu Brexit:
“Câu chuyện tràn ngập trên các mặt báo ngày hôm qua là về một cậu bé đang nằm trên sàn bệnh viện để chờ được điều trị. Đáng buồn thay, đây không phải là ngoại lệ trên đất nước của chúng ta. Thiếu giường, thiếu y tá, thiếu bác sĩ và thiếu hụt tài chính cho hệ thống y tế công thực sự là không thể chấp nhận. Nếu giành chiến thắng, chúng tôi sẽ chi ngay lập tức 26 tỷ USD vào hệ thống y tế công để đảm bảo hệ thống này luôn được quan tâm đúng mức”.
Sau Brexit, hệ thống y tế là mối quan tâm thứ 2 của các cử tri. Theo nghiên cứu của công ty thăm dò dư luận, đây có thể coi là điểm mạnh của công đảng, với cam kết chi mạnh hơn để cải thiện hệ thống y tế. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Công đảng đã tung ra cương lĩnh tranh cử với rất nhiều ưu đãi cho giới lao động, tầng lớp trung lưu và người cao tuổi. Đáng chú ý là kế hoạch đưa ra dịch vụ chăm sóc miễn phí cho tất cả người cao tuổi.
Trong kịch bản ganh đua sít sao nhất, đảng Bảo thủ vẫn giành được khoảng 37% phiếu so với 33% của Công đảng. Tuy nhiên, do vẫn còn lượng lớn cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho đảng nào nên kết quả bầu cử vẫn chưa thực sự chắc chắn.
Nhiều người nhận định, một trong những vấn đề gây lo ngại cho đảng Bảo thủ là những người phản đối Brexit có thể sẽ cố gắng thuyết phục cử tri bỏ phiếu về “mặt chiến thuật” cho ứng cử viên có khả năng đánh bại phe Bảo thủ. Trong trường hợp ông Boris Johnson không thể tập hợp đủ thế đa số tuyệt đối cần thiết, thì Công đảng có thể liên minh với các đảng nhỏ hơn để trở thành đảng lãnh đạo./.
Thủ tướng Anh cam kết một Brexit “cải cách”, kiểm soát tốt nhập cư