Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua (3/11) bắt đầu chiến dịch tranh cử bằng lời xin lỗi gửi tới người dân Anh vì đã không thể hoàn thành tiến trình Brexit đúng thời hạn vào ngày 31/10 vừa qua như đã cam kết. Nhà lãnh đạo Anh hi vọng cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới có thể giúp ông giành lại thế đa số tại Nghị viện.

thutuonganh_xmha.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Boris Johnsonhôm 3/11 bày tỏ “lấy làm tiếc sâu sắc” khi không thể hoàn thành lời hứa đưa ra cách đây 3 tháng với cử tri. Ông đồng thời bảo vệ thỏa thuận chia tay khó khăn lắm mới đàm phán được với EU, song lại đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của đồng minh Mỹ và đối thủ Nigel Farage, lãnh đạo đảng Brexit:

“Không thể đưa đất nước rời EU đúng hạn là một sự hối tiếc sâu sắc. Nhưng những gì chúng ta cần làm bây giờ là tiếp tục tiến trình. Sự khác biệt giữa chính phủ hiện nay và bất kỳ chính phủ nào khác là chỉ có chính phủ hiện nay mới có thể mang lại cho nước Anh một sự sẵn sàng tốt nhất để rời đi”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi cuối tuần trước, ngay trên sóng phát thanh của Anh, đã dội gáo nước lạnh vào nỗ lực của nhà lãnh đạo Anh khi cho rằng, văn kiện sẽ ngăn cản hai nước đi tới một thỏa thuận thương mại. Thủ tướng Boris Johnson hôm qua đáp trả mạnh mẽ tuyên bố này, nhấn mạnh, nhà lãnh đạo Mỹ đã phạm phải một sai lầm rõ ràng:

“Tôi không muốn đưa ra bất kỳ tham vọng nào đối với Tổng thống Donald Trump, nhưng về những tuyên bố mới đây, thì ông ấy đã phạm phải một sai lầm rõ ràng. Bất kỳ ai nhìn vào thỏa thuận của chúng tôi đều có thể thấy đó là một thỏa thuận tuyệt vời”.

Ông Boris Johnson cũng bị lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage kêu gọi từ bỏ thỏa thuận và tham gia một liên minh nhằm thúc đẩy “một sự chia tay dứt khoát” với EU. Dù tuyên bố không ra tranh cử, song ông Nigel Farage không vì thế mà trở nên “vô hại” đối với Thủ tướng Boris Johnson. Ông vẫn có thể giới thiệu các ứng cử viên cạnh tranh với đảng Bảo thủ. Đảng Brexit của ông đã về đầu trong cuộc bầu cử châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đảng Brexit, Công đảng, đảng đối lập chính ở Anh cũng quyết “ăn thua” trong cuộc bầu cử lần này. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất tại Anh cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với Công đảng đã tăng 6% lên 27%, dù vẫn thấp hơn so với tỷ lệ 39% của đảng Bảo thủ. Nếu thắng cử, Công đảng có ý định đàm phán lại thỏa thuận chia tay và đưa vấn đề ra trưng cầu ý dân. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ trích đây là một đề xuất “điên rồ” và cảnh báo nguy cơ tiến trình Brexit bị trì hoãn thêm một lần nữa.

Đảng Dân chủ Tự do về thứ 3, với 16% ý kiến ủng hộ. Đảng này kêu gọi hủy bỏ tiến trình Brexit và nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó tình hình tại Scotland lại tương đối phức tạp. Cuối tuần qua, hàng nghìn người dân tại tại Glasgow đã biểu tình, kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân mới về nền độc lập. Trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập Scotland năm 2014, hơn 50% số cử tri tại đây đã bỏ phiếu “chống”. Tuy nhiên, Thủ hiến Scotland, đồng thời là lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland Nicola Sturgeon cho biết, Brexit đã thay đổi ý nghĩa ban đầu và đa số cử tri Scotland (62%) muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu.

Việc không chiếm đa số trong quốc hội là một bất lợi lớn cho chính quyền Thủ tướng Boris Johnson trong việc kêu gọi sự ủng hộ đối với các quyết sách liên quan tới Brexit. Và sau thất bại trong việc để Anh rời EU vào ngày 31/10, đảng Bảo thủ của ông đang đứng trước nguy cơ sụt giảm tín nhiệm. Vì thế, bầu cử sớm là một canh bạc mà nếu thắng, đảng Bảo thủ, với đa số ghế trong quốc hội, có thể khiến Brexit được thông qua dễ dàng hơn, củng cố niềm tin từ EU và đưa Anh rời khỏi châu Âu đúng hạn. Tuy nhiên, đối với một nước Anh chia rẽ như hiện nay thì kịch bản nào cũng có thể xảy ra./.