Sau nhiều tuần các cuộc biểu tình chống Chính phủ diễn ra trên quy mô lớn tại thủ đô Bangkok, ngày 9/12 Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện mở đường cho một cuộc bầu cử sớm.
Bà Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện sau khi hàng loạt nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đối lập tuyên bố rút khỏi Quốc hội. “Sau khi tham vấn với nhiều đảng phái, tôi đã đệ trình yêu cầu lên Hoàng gia để phê chuẩn việc giải tán Quốc hội”, bà Yingluck cho biết.
Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra (Ảnh: EPA) |
Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết sẽ tổ chức bầu cử “sớm nhất có thể”, đồng thời khẳng định “không muốn đất nước và người dân Thái Lan chịu thêm mất mát". Không lâu sau, Nhà Vua Bhumibol Adulyadej đã chính thức phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới vào ngày 2/2/2014.
Tuy nhiên, bất chấp việc bà Yingluck Shinawatra cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng quyết định trên, lực lượng biểu tình vẫn khẳng định chỉ giải tán chừng nào một “Hội đồng nhân dân” theo đề xuất của họ được thành lập. Theo ước tính của phía cảnh sát, có khoảng hơn 100.000 người biểu tình đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Bangkok trong ngày 9/12.
Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Suthep Thaugsuban, lãnh đạo phe biểu tình khẳng định, mục tiêu của người biểu tình không chỉ là giải tán Hạ viện. "Cuộc biểu tình vẫn được tiến hành. Mục đích của chúng tôi là tận diệt ảnh hưởng của ông Thaksin. Quốc hội có thể bị giải tán, cuộc bầu cử mới có thể được tiến hành nhưng chính quyền Thaksin vẫn còn ở đó".
Trước động thái cứng rắn không chịu nhượng bộ của những người biểu tình, nước mắt đã rơi trên khuôn mặt người đứng đầu Chính phủ Thái Lan khi bà có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Quân đội Thái Lan hôm 10/12.
Bà Yingluck nghẹn ngào nói: "Chúng ta đều là người Thái. Tại sao chúng ta lại làm tổn thương lẫn nhau?" Tôi đã nhượng bộ hết mức có thể và tôi không biết làm thế nào có thể nhượng bộ hơn được nữa. Các bạn (những người biểu tình chống Chính phủ) muốn tôi không còn chỗ trú chân trên đất Thái nữa hay sao?".
Liệu tuyên bố giải tán Hạ Viện và những giọt nước mắt của bà Yingluck có phải là những dấu hiệu cho thấy lực lượng biểu tình đang thắng thế và Thủ tướng Thái Lan cùng đảng Vì nước Thái đã bị dồn vào chân tường?
Bà Yingluck đang có một chiến thuật hợp lý
Có thể khẳng định rằng, tới thời điểm này, chiến thuật “mềm nắn, rắn buông” mà bà Yingluck đang áp dụng để đối phó với lực lượng biểu tình chống Chính phủ là một lựa chọn sáng suốt và không thể tốt hơn.
Với 2 năm giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck dường như đã có đủ kinh nghiệm cần thiết để xử lý với các cuộc biểu tình vốn đã không phải là chuyện hiếm ở đất nước Chùa Vàng trong những năm gần đây. Kết hợp “nhu” và “cương”, bà Yingluck đã vô hiệu hóa các ý đồ trong từng đường đi nước bước của nhà lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban.
Lực lượng cảnh sát ở thủ đô Bangkok lập hàng rào ngăn người biểu tình (Ảnh: AFP) |
Nhà bình luận chính trị Voranai Vanijaka trả lời tờ Bangkok Post cho hay: “Tôi không cho rằng lực lượng biểu tình đã giành được lợi thế bởi vì thực tế những gì diễn ra không phải là điều mà Suthep muốn. Có thể nói, đó là một chiến lược tốt của bà Yingluck, bởi vì bà khiến cho mọi người thấy dường như Chính phủ làm việc rất dân chủ và bà luôn sẵn sàng để thỏa hiệp. Đó là đòn phản công hoàn hảo”.
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan nổ ra từ hơn một tháng trước khi Thủ tướng Thái Lan thông qua Dự luật Ân xá mở đường cho Cựu Thủ tướng Thaksin đang sống lưu vong tại nước ngoài được trở về nước.Theo thống kê của cảnh sát, chỉ tính riêng từ hôm 9/12 đến nay, các cuộc biểu tình diễn ra tại Bangkok đã thu hút sự tham gia của khoảng 250.000 người, phân chia thành nhiều nhóm tại 15 khu vực trên toàn thủ đô.
Thông qua các cuộc biểu tình, mục tiêu mà lãnh đạo phe biểu tình mong muốn là kích động đối đầu để cảnh sát và Chính phủ phạm phải sai lầm khi xử lý tình huống. Mặc dù vậy, trước những động thái leo thang, Chính phủ của bà Yingluck tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng đạn thật để trấn áp biểu tình.
Phe biểu tình cũng mong muốn tái diễn kịch bản như những gì đã diễn ra với anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin hồi năm 2006 khi liên tục kêu gọi quân đội vào cuộc để giải quyết bế tắc. Tuy nhiên, Đại tướng, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã có tuyên bố cho rằng, lực lượng biểu tình không nên lôi kéo quân đội vào các phe phái khác nhau.
Khi đông đảo những người biểu tình phản đối Chính phủ xuống đường, câu hỏi đặt ra là phải chăng bà Yingluck đã mất hoàn toàn lòng dân? Đã không còn ai ủng hộ bà tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ Thái Lan?
Trên thực tế, những người thuộc phe áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố sẵn sàng xuống đường để bảo vệ Chính phủ, trong bối cảnh những người biểu tình của phe đối lập gọi nữ Thủ tướng là kẻ "phản quốc".
Jatuporn Promphan, một trong những lãnh đạo của phong trào Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), được biết đến là phe áo đỏ, cho hay họ có thể tổ chức một cuộc biểu tình lớn để bày tỏ sự ủng hộ chính phủ, lập lại cân bằng trước phe áo vàng.
Ông Jatuporn khẳng định mục đích của hoạt động này không phải là đối đầu mà để cho thấy lực lượng ủng hộ ông Thaksin có thể còn đông đảo hơn cả lực lượng của ông Suthep. Ông Jatuporn nói: "Công việc của UDD là tập hợp lại những người thuộc phe áo đỏ và những người yêu dân chủ, không đồng tình với những phương pháp của Suthep. Chúng tôi có thể tập hợp nhiều người hơn những gì Suthep đã làm”.
Đây rõ ràng không phải là lời nói vô căn cứ bởi trên thực tế, gia đình Shinawatra vẫn giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri ở các vùng nông thôn miền Bắc và Đông Bắc, những vùng nghèo nhất Thái Lan. Tuy nhiên, bà Yingluck đã đi một nước cờ “cao tay” khi không để phe áo đỏ xuống đường nhằm tránh đụng độ bạo lực với phe của ông Suthep.
Nếu đụng độ xảy ra, năng lực điều hành của bà sẽ bị đặt một dấu hỏi lớn. Với động thái này, bà Yingluck mong muốn rằng, sự ủng hộ mà đông đảo cử tri dành cho bà nên được ghi nhận trong những lá phiếu khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 2/2/2014 hơn là những đám đông gào thét trên đường phố.
Nhà phân tích chính trị Panitan Wattanayagorn thuộc trường đại học Chulalongkorn nhận xét: “Bà Yingluck đã mở một cánh cửa mới để thương lượng, cách thức mà bà ấy kiểm soát căng thẳng là hoàn toàn chính xác và hợp lý”.
Bầu cử sớm, bế tắc được giải quyết?
Xung quanh tuyên bố giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử sớm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều song đa số cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng cho tất cả các phe phái. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, động thái này sẽ không có tác dụng trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan.
Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Suthep Thaugsuban - lãnh đạo phe biểu tình (Ảnh: AP) |
Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto nhận định, kêu gọi một cuộc bầu cử mới chỉ là biện pháp tình thế của bà Yingluck và nó sẽ không khai thông bế tắc chính trị nếu đảng Dân chủ tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới như đã từng làm trong cuộc bầu cử năm 2006.
Nếu xét về tương quan sức mạnh chính trị, đảng Dân chủ đối lập dường như không phải là đối thủ xứng tầm với đảng cầm quyền Vì nước Thái ở thời điểm hiện tại. Theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây, đảng Vì nước Thái của bà Yingluck hiện vẫn là đảng mạnh nhất trên chính trường Thái Lan.
Trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2011, đảng Vì nước Thái của bà Yingluck đã giành chiến thắng áp đảo trước đảng Dân chủ đối lập nhờ sự ủng hộ của đông đảo cử tri ở các vùng nông thôn miền Bắc và Đông Bắc.
Đảng Dân chủ cũng chỉ nắm 153 ghế trong Hạ viện gồm 500 ghế vừa bị giải tán. Kể từ năm 1992 đến nay, đảng Dân chủ chưa từng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào do chủ yếu chỉ nhận được sự ủng hộ của cử tri ở khu vực miền Nam.
Có lẽ vì lý do đó mà các nhà lãnh đạo lực lượng biểu tình đã kêu gọi lập ra một hệ thống mới thay thế hệ thống bầu cử dân chủ quốc gia hiện nay. Thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep đã nêu rõ, mục đích của các cuộc biểu tình vừa qua không phải chỉ nhằm giải tán Quốc hội mà buộc Chính phủ của bà Yingluck từ chức để mở đường cho việc thành lập “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử.
Yêu sách này vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà lãnh đạo dân sự và các học giả, những người cho rằng, đây là kế hoạch không tưởng và phi dân chủ. Chính phủ Thái Lan cũng bác bỏ yêu sách trên do điều đó trái với Hiến pháp nước này, song bà Yingluck tuyên bố sẵn sàng trưng cầu dân ý nhằm xem xét kế hoạch của phe đối lập.
Giải pháp nào cho bế tắc chính trị ở Thái Lan?
Không phải những lá phiếu mà “tiềm lực tài chính” mới chính là sức mạnh của phe áo vàng. Có thể nói, đảng Dân chủ đại diện cho sự giàu có, cho quyền lực truyền thống của Thái Lan và tầng lớp trung lưu, thượng lưu đô thị. Tuy thua kém về mặt số lượng nhưng đảng này mạnh hơn về khả năng huy động tài chính và có mối quan hệ gần gũi hơn với Hoàng gia và quân đội.
Người biểu tình chống Chính phủ trên đường phó Bangkok (Ảnh: PressTV) |
Trong khi đó, đa số lá phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Thái Lan nằm trong tay của tầng lớp nhân dân lao động ở nông thôn, nơi mà tầm ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra vẫn còn vô cùng lớn. Cũng giống như anh trai mình, bà Yingluck luôn thực hiện những chính sách có lợi cho tầng lớp thấp hơn và việc bà có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân nghèo là điều không phải bàn cãi.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2014, ngay khi các cuộc biểu tình ở thủ đô vẫn còn đang tiếp tục diễn ra bà Yingluck đã có chuyến thăm đến một loạt các các tỉnh ở phía bắc và đông bắc đất nước.
Chuyến đi này ban đầu dự kiến kết thúc tại điểm dừng chân ở tỉnh Loei hôm 22/12. Tuy nhiên, bà Yingluck đã thay đổi lịch trình, tiếp tục đến Phetchabun trong ngày 23/12 và chưa có kế hoạch quay trở về thủ đô Bangkok – nơi hàng ngàn người biểu tình đang tụ tập và bao vây cả dinh thự riêng của Thủ tướng.
Với những gì đã và đang diễn ra ở Thái Lan, có thể nói rằng, bất ổn ở quốc gia này chỉ có thể giải quyết khi các đảng phái chính trị có sự thỏa hiệp với nhau về việc chia sẻ quyền lực, nếu không, kể cả khi cuộc bầu cử sắp tới có diễn ra thì tình trạng bất ổn như hiện nay sẽ lại tái diễn./.