Theo Reuters, trong một nỗ lực mới nhất nhằm gây sức ép để buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 2/2014, hàng chục nghìn người biểu tình chống Chính phủ đã tham gia biểu tình hòa bình trên khắp thủ đô Bangkok vào ngày 22/12.

thailand-protest1.jpg
Người biểu tình khiến giao thông ở Bangkok gần như bị tê liệt (Ảnh: Reuters)

Những người biểu tình tập trung tại nhiều địa điểm trên khắp thủ đô Bangkok và hô vang khẩu hiệu đòi bà Yingluck phải từ nhiệm.

Chaloey Thanapaisan, một người biểu tình 75 tuổi trả lời phỏng vấn của Reuters nói: “Tôi ghét bà Yingluck và tôi muốn bà ấy không tiếp tục điều hành đất nước vì bà ấy làm tất cả mọi thứ cho anh trai mình chứ không phải cho người dân Thái Lan”.

Trước cuộc biểu tình lớn tại trung tâm thủ đô, hàng nghìn người, chủ yếu là phụ nữ đã tập trung bên ngoài ngôi nhà của bà Yingluck ở ngoại ô Bangkok để đòi bà từ chức, bất chấp tình hình an ninh được thắt chặt. 

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan hiện vẫn chưa có lối thoát dù bà Yingluck đã nỗ lực giải quyết bất ổn bằng việc giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm.

Những người biểu tình muốn bà Yingluck phải từ chức ngay lập tức bởi theo họ đây là giải pháp duy nhất để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin, và mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử công bằng hơn.

Ông Thaksin vốn nhận được sự ủng hộ cửa những người dân nghèo ở miền nam, miền bắc và đông bắc nhưng lại không được lòng tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở Bangkok. Những đảng ủng hộ ông Thaksin đều giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử từ năm 2001 đến nay mà gần nhất là chiến thắng vang dội cho đảng của bà Yingluck hai năm trước.

Lãnh đạo lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban, người từng thề sẽ tiêu diệt "chế độ Thaksin", bác bỏ kêu gọi bầu cử của bà Yingluck, nói rằng việc này sẽ lại chỉ lập nên một chính phủ khác do ông Thaksin điều khiển.

Có mặt trong đám đông người biểu tình, ông Suthep nói: “Bất kể là nó diễn ra ở đâu, chúng tôi sẽ có mặt ở đó để ngăn chặn nó. Chúng tôi không muốn có cuộc bầu cử này. Chúng tôi sẽ đưa đất nước trở lại từ tay của chế độ ông Thaksin”.

Trong các tuyên bố trước đó, ông Suthep đã kêu gọi lập ra "Hội đồng Nhân dân" không qua bầu cử để giám sát đất nước trước khi cuộc bầu cử mới diễn ra sau một năm hoặc 18 tháng sau.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan bắt đầu nổ ra sau khi Hạ viện nước này thông qua một dự luật ân xá gây tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng, dự luật này có thể cho phép cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra trở lại Thái Lan mà không bị ngồi tù./.