Mỹ hôm qua (13/4) bắt đầu cuộc triển khai quân sự lớn nhất tới châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, với việc đưa hàng trăm binh sĩ tới Ba Lan.

binh_si_my_ba_lan_hsio.jpg
Binh sĩ Mỹ. Ảnh: CBS News.

Động thái này được đánh giá là sẽ đào sâu hơn nữa căng thẳng giữa Mỹ và Nga, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ sau quyết định của Nga hôm 12/4 sử dụng quyền phủ quyết để chống lại một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, do Mỹ, Anh và Pháp soạn thảo liên quan vấn đề Syria.

Hơn 1.100 binh sĩ, trong đó có 900 lính Mỹ đã được triển khai tới Ba Lan, khu vực cách vòng cung Kaliningrad của Nga 57km về phía Nam. Đây là nơi Nga vừa bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa S400 và các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) kiêm Tư lệnh các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, việc triển khai binh sĩ tới Ba Lan là minh chứng cho sự thống nhất và kiên định của NATO.

Dự kiến, 3 nhóm quân khác cũng sẽ được triển khai tại khu vực Baltic vào tháng 6 tới: “Việc triển khai quân tới Ba Lan là một minh chứng rõ ràng cho sự đoàn kết của NATO và cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới bất kỳ kẻ thù nào.”

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Warsaw (Ba Lan) năm 2016 đã thông qua quyết định triển khai luân phiên các tiểu đoàn đa quốc gia tại Ba Lan và 3 nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia. Bước đi này là nhằm tăng cường an ninh cho các quốc gia đồng minh ở phía Đông và chống lại “mối nguy cơ từ Nga”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, thực tế không chỉ đơn giản như vậy, mà cho thấy NATO dường như đang cố tình đổ lỗi cho Nga về sự bất ổn của châu Âu và thổi phồng “mối nguy cơ từ phía Nga” bằng truyền thông và các hành động mang tính khiêu khích.

Cùng với việc triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và mới đây nhất là việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, việc tăng thêm quân áp sát biên giới Nga, Mỹ và NATO đang gửi những thông điệp cứng rắn tới Nga.

Việc Mỹ bắt đầu cuộc triển khai quân sự lớn nhất tới châu Âu này diễn ra chỉ 1 ngày sau chuyến thăm Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, một chuyến đi mà theo đánh giá của giới truyền thông là “vô nghĩa”. Không một bức ảnh đặc biệt được ghi lại sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và phái viên của chính quyền mới tại Mỹ và cũng không một thông báo nào được đưa ra như chính phủ 2 hai nước vẫn làm lâu nay. Đây cũng là cuộc gặp được đánh giá là khá ngắn ngủi so với phong cách thường thấy của Tổng thống Putin trong những buổi tiếp các quan chức nước ngoài.

Trong một phát biểu trên truyền hình Nga ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin cũng thừa nhận, quan hệ Nga- Mỹ đã bị xấu đi và rất khó có thể cải thiện dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cùng ngày, ông Trump cũng đón tiếp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tại đây ông đã miêu tả quan hệ Nga-Mỹ có thể rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Những tuyên bố này đưa ra chỉ 4 tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và khi đó đã được chính phủ Nga ca ngợi là “sự ra đời của mối quan hệ đối tác tốt đẹp hơn”.

Có thể nói, các vụ không kích của Mỹ tại Syria hôm 6/4 nhằm phản ứng với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Khan Cheikhoun, mà nước này cho là do quân đội Syria tiến hành đã làm thay đổi hoàn toàn  mọi dự báo tích cực về quan hệ Nga- Mỹ. Những bất đồng lập trường liên quan tương lai Syria được thể hiện rõ ở cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 12/4 vừa qua, với việc Nga tiếp tục lần thứ 8 sử dụng quyền phủ quyết đối với một nghị quyết do Mỹ, Anh và Pháp đề xuất.

Dẫu vậy, cả Nga và Mỹ đều ý thức được vai trò và ảnh hưởng của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế nóng hiện nay. Dù còn nhiều bất đồng, thậm chí là xung đột, song trong suốt chuyến thăm Nga vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cả phái viên của Tổng thống Mỹ và các quan chức Nga đều nhiều lần nhấn mạnh tới các cụm từ “hợp tác” và “đối thoại”. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cả Nga và Mỹ đều nhất trí sẽ tránh không để lặp lại những vụ không kích như vừa qua:

“Cùng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chúng tôi đã có các cuộc thảo luận chi tiết và nhất trí rằng những vụ không kích vào Syria như vừa qua sẽ không lặp lại và chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào các cuộc điều tra độc lập và khách quan thông qua Tổ chức cấm vũ khí hóa học”./.