Như vậy, đây là lần thứ 8, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình về cuộc khủng hoảng Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngày 12/4 ( theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Syria và bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo. Tại đây, đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc đã một lần nữa dùng quyền phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Phát biểu trước phiên bỏ phiếu, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura bày tỏ lo ngại rằng, những tiến bộ mong manh trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria đang đối mặt nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng, đồng thời hối thúc nối lại hợp tác giữa Mỹ và Nga để mở đường cho một "cuộc đàm phán thực sự" về lối thoát cho cuộc chiến dai dẳng 6 năm qua tại Syria.
“Chúng ta hãy xem thời điểm khủng hoảng này như là một bước ngoặt và cơ hội để có thái độ nghiêm túc hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Cuộc xung đột này chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp hòa bình, không có giải pháp quân sự. Đó là nguyện vọng của người dân và tất cả các tầng lớp xã hội ở nước này”, ông Staffan de Mistura nói.
Cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải chứng kiến những màn tranh luận nảy lửa giữa các thành viên thường trực.
Đại sứ Anh Matthew Rycroft thông báo, các nhà khoa học Anh đã phân tích những mẫu đất lấy từ địa điểm xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và thu được kết quả dương tính đối với chất độc sarin.
Đại sứ Anh cho biết, nước này có chung nhận định với Mỹ rằng nhiều khả năng chính quyền Damascus là chủ mưu "vụ tấn công bằng khí độc sarin" này.
Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này:
“Tôi yêu cầu cuộc họp phải đảm bảo rằng các quy tắc phải được tôn trọng. Tôi không thể chấp nhận những lời lẽ liên tục xúc phạm Nga. Những cách hành xử này đang phá hủy mọi nỗ lực hợp tác.
Cuộc họp không bàn về cách giải quyết xung đột cho Syria, về tiến trình chính trị, thậm chí các vị cũng chẳng muốn nghe bản báo cáo của đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria de Mistura để nắm bắt tình hình Syria”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley kêu gọi Nga ngừng hợp tác với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời cảnh báo Nga sẽ chỉ càng tự cô lập mình khỏi “cộng đồng quốc tế” nếu tiếp tục theo đuổi sự hợp tác này.
Syria và Triều Tiên thắt chặt quan hệ trước sức ép từ Mỹ
Bà Haley nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng dùng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để hỗ trợ hoạt động ngoại giao, giúp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, đại diện của Mỹ cũng khẳng định rằng, chỉ mình cam kết của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Syria, là chưa đủ.
Sau cuộc tranh cãi, 15 nước thành viên tiến hành bỏ phiếu đối với bản dự thảo nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp đề xuất. Đại diện của Nga bỏ phiếu chống cùng với Bolivia, trong khi Trung Quốc, Etiopia và Kazakhstan bỏ phiếu trắng. 10 nước còn lại ủng hộ nghị quyết./.