Trong chuyến thăm bất ngờ đến Iraq hôm 23/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hứa sẽ tiếp tục ủng hộ Iraq “mạnh mẽ và liên tục”. Tuy nhiên, ông Kerry cũng lên tiếng cảnh báo rằng, chia rẽ hiện nay ở Iraq chỉ có thể được giải quyết nếu giới lãnh đạo của Iraq có những bước đi khẩn cấp để dung hòa lợi ích của các phe phái.

kerry-maliki_pyht.jpg 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua quyết định gửi 300 cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq. Tuy nhiên, điều này dường như là chưa đủ với Chính phủ người Hồi giáo Shiite ở Iraq khi Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki yêu cầu Mỹ tiến hành không kích để tiêu diệt các chiến binh dòng Sunni.

Chính phủ của ông Maliki bị cáo buộc làm gia tăng khủng hoảng thông qua các chính sách loại trừ quyền lực của người dân Hồi giáo theo dòng Sunni và theo đuổi một chương trình nghị sự phe phái. Dù Mỹ không trực tiếp đưa ra chỉ trích nhưng trong các tuyên bố gần đây, giới lãnh đạo Mỹ đã “bóng gió” nói về sự thay đổi cần phải có ở Iraq, và ông Kerry cũng không phải là ngoại lệ.

Ngoại trưởng Kerry tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni thuộc Tổ chức nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). 

Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là các nhà lãnh đạo Iraq có những bước đi cần thiết để giữ cho đất nước không bị chia cắt. Một trong những bước đi này là Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải cam kết từ ngày 1/7 tới sẽ bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ mới, trong đó có sự hiện diện nhiều hơn của người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd. 

Khi có mặt ở Iraq, ông Kerry cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Iraq cũng như các nhà lãnh đạo người Shiite và người Sunni.

Theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Iraq, ông Maliki đã nói với Ngoại trưởng Kerry rằng cuộc tấn công gần đây của các chiến binh thuộc Tổ chức nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) “đã cho thấy một mối đe dọa không chỉ đối với Iraq mà còn với hòa bình trong khu vực và quốc tế”. Ông Maliki cũng kêu gọi các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực giải quyết “mối đe dọa” nói trên.

Quân đội Iraq thất thế

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay, Mỹ tin rằng “nhiều đơn vị quân đội Iraq bên ngoài thủ đô Baghdad đã bị giải thể hoặc gặp vấn đề về đào tạo, trang thiết bị, tinh thần chiến đấu và hiện như “rắn mất đầu”… Vị quan chức này nói: “Sự sẵn sàng của quân đội Iraq bên ngoài Baghdad chắc chắn là một dấu hỏi lớn khi mà họ đã nhường quyền kiểm soát nhiều thị trấn cho lực lượng nổi dậy”.

Eugene Robinson, biên tập viên tờ Washinton Post nhận định: “Quân đội Iraq được Mỹ đào tạo vội vàng chỉ như là một bộ đồ cũ nát đặt cạnh bộ đồ hàng hiệu là lực lượng của ISIL”.

 

Quân đội Iraq đang thất thế so với lực lượng của ISIL (Ảnh: iraq-businesses)

Chỉ vài giờ trước khi ông Kerry đến Baghdad, theo nguồn tin tình báo của Iraq và Jordan, các bộ lạc người Hồi giáo Sunni đã giành quyền kiểm soát một cửa khẩu lớn giữa Iraq và Jordan sau khi quân đội Iraq rút khỏi khu vực này tiếp sau một vụ đụng độ với phiến quân. Các nguồn tin cho hay cửa khẩu chính trên là Turbail thuộc tỉnh Anbar, phía Tây Iraq.

ReutersAFP ngày 23/6 đưa tin, các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni, dẫn đầu bởi nhóm Hồi giáo cực đoan ISIL đã giành được quyền kiểm soát những khu vực quan trọng của 5 tỉnh thuộc Iraq, buộc hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán.

Theo các nguồn tin an ninh địa phương, thành phố Rawa cách thủ đô Baghdad khoảng 275 km về phía Tây Bắc, thành phố lân cận Aanah và thị trấn Jubba hiện đều nằm trong sự kiểm soát của các tay súng người Sunni.

Ngoài ra, các tay súng Hồi giáo dòng Sunni còn chiếm được 1 cửa khẩu Al-Qaim giáp biên giới Syria, cách thủ đô Baghdad 500km, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Thị trấn này có thể sẽ là một bước đệm để các tay súng thuộc Tổ chức nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông hướng tới kiểm soát hoàn toàn các khu vực ở phía Đông tỉnh Deir Ezzor, Syria.

ISIL thực sự đáng gờm

Các nguồn tin quân sự Mỹ cho hay, có khoảng 10.000 tay súng là thành viên hoặc thuộc các tổ chức, chi nhánh có liên quan đến ISIL, mặc dù họ đang bị “dàn mỏng” lực lượng chiến đấu trên một vùng lãnh thổ rộng lớn nhưng lực lượng này thực sự có tiềm lực rất đáng gờm.

ISIL bắt đầu trỗi dậy nhanh chóng trong bối cảnh xung đột nổ ra ở Syria từ năm 2011. Cuộc chiến ở Syria là cơ hội để ISIL tái tổ chức sau khi bị tiêu hao lực lượng bởi các cuộc tấn công của quân Mỹ. Mặt khác, cuộc nổi dậy của người Sunni ở Syria truyền cảm hứng để người Sunni tại Iraq đòi hỏi các quyền lợi về chính trị và kinh tế.

 

Các tay súng của lực lượng nổi dậy ở Iraq (Ảnh: AFP)

Các cuộc biểu tình hòa bình từ cuối năm 2012 không mang lại nhiều kết quả bởi chính phủ Iraq với đa phần là người Shiite cho rằng những người biểu tình không phải muốn cải cách mà muốn thực hiện cuộc cách mạng để giành quyền lực. Do vậy, khoảng 5 đến 6 triệu người Sunni ở Iraq trở nên đồng cảm hơn với các hành động vũ trang của ISIL.

Chỉ trong vòng 2 năm, ISIL đã trở thành nhóm vũ trang giàu có nhất nhờ giành quyền kiểm soát các giếng dầu ở phía đông Syria. Ngoài ra, nhóm này còn trông cậy vào việc đánh thuế, bắt cóc đòi tiền chuộc và cướp phá để kiếm thêm thu nhập.

Trong cuộc tấn công Mosul, ISIL đã “trúng đậm” khi thu được khoảng 500 triệu USD từ ngân hàng trung ương, nâng tổng số ngân quỹ lên khoảng 2 tỉ USD. Họ cũng chiếm được các vũ khí hạng nặng của Mỹ mà quân đội Iraq bỏ lại.

Nguồn tiền ủng hộ ISIL cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Chính phủ Iraq đã công khai cáo buộc Saudi Arbia ủng hộ về tài chính cho ISIL nhưng Riyadh thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.

Trước lo ngại về sức mạnh không ngừng gia tăng của ISIL, phát biểu khi có mặt ở Baghdad hôm 23/6, Ngoại trưởng Kerry cho biết, Tổng thống Barack Obama đã chuẩn bị “một loạt các lựa chọn cho Iraq” bao gồm việc tăng cường đào tạo, huấn luyện binh sĩ, cố vấn quân sự và đảm bảo nguồn cung cấp đạn dược ổn định giúp nước này đối phó, đẩy lùi bước tiến của ISIL.

Mặc dù vậy, các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, Mỹ đang cẩn trọng hơn trong việc gửi thêm vũ khí và đạn dược cho Iraq vì “thiếu niềm tin” vào quân đội nước này.

Mỹ vẫn có thể can thiệp quân sự trước khi Iraq cải cách

Tuy Washington tuyên bố sẽ chỉ hỗ trợ Baghdad nếu giới lãnh đạo nước này cam kết gạt bỏ những chia rẽ giáo phái để cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài nhưng giới phân tích cho rằng, nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Mỹ sẽ không thể mãi ngồi yên.

Phát biểu khi có mặt ở Baghdad, Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo rằng, mối đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo cực đoan có thể buộc Mỹ phải có hành động quân sự. “Họ (ISIL) thực sự là một mối đe dọa. Họ không thể được phép có chỗ ẩn náu an toàn ở bất kỳ đâu”, ông Kerry nói.

Khung cảnh hoang tàn sau cuộc giao tranh ở thành phố Mosul (Ảnh: bdnews24)

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn phát sóng ngày 22/6 trên kênh truyền hình CBS, Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên thừa nhận rằng mối nguy mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) gây ra không chỉ giới hạn ở biên giới Iraq mà còn có thể lan sang các quốc gia láng giềng. 

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hiện tại ISIL đang gây bất ổn Iraq song mối nguy này có thể lan sang một số nước đồng minh của Mỹ như Jordan. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh ISIL đã can dự vào cuộc chiến tại Syria, tạo ra một khoảng trống tại quốc gia này và từ đó có thể tích lũy thêm vũ khí và tài nguyên. 

Ông Obama cho rằng hệ tư tưởng cực đoan của ISIL là một mối đe dọa lớn và tổ chức này đang tấn công thủ đô Baghdad với mục tiêu lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất tại cả Iraq và Syria. Ông kêu gọi người dân Iraq đoàn kết và nói rõ hỏa lực của Mỹ không thể giúp ích nếu các nhà lãnh đạo chính trị không nỗ lực đoàn kết đất nước.

Giới phân tích cho rằng, Mỹ hoàn toàn có lý do để lo ngại bởi không giống các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, ISIL đang hướng đến xây dựng một tiểu vương quốc Hồi giáo nằm ở cả 2 bên biên giới Syria và Iraq. Nhà báo Michael Crowley của tạp chí Time nhận định rằng, khi các phần tử quá khích Hồi giáo nói muốn giết người Mỹ, họ sẽ tìm cách thực hiện điều đó. Khi các phần tử quá khích Hồi giáo nói muốn thành lập nhà nước Hồi giáo, họ sẽ tích cực làm việc này.

Giáo sư Fawaz Gerges thuộc khoa quan hệ quốc tế Trường Kinh tế London (Anh) nhận định, ISIL là tổ chức cực đoan đang nổi lên là một lực lượng có thực lực ở Iraq. Tình hình rất nghiêm trọng. ISIL kiểm soát gần 50% đất nước Iraq. Điều đó đem lại cho ISIL thanh thế, hấp dẫn giới trẻ thuộc giáo phái Sunni.

Trong một diễn biến mới đây, ngày 23/6, tờ Al-Mesryoon của Ai Cập đưa tin vị thẩm phán từng kết án treo cổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị phiến quân thuộc tổ chức ISIL bắt cóc và sát hại để trả thù cho vị Tổng thống người Sunni này. Như vậy, có thể thấy, người Mỹ hiểu rõ những gì đang chờ đợi họ nếu như ISIL ngày càng củng cố được vị thế ở Iraq bởi không ai khác, họ chính là tác giả gây ra sự sụp đổ của chế độ Hussein.

Có thể chính vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng khẳng định: “Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng, Tổng thống Barack Obama có thể đơn phương đưa ra quyết định can thiệp vào Iraq nếu thấy cần thiết, đặc biệt là khi các biện pháp ngoại giao không mang lại hiệu quả”./.