Phật Sơn, thành phố lân cận Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc - nơi đang xuất hiện làn sóng Covid-19 mới, từ hôm nay (1/6) bắt đầu thực thi một loạt các biện pháp kiểm soát dịch, gồm lệnh “cách ly tại nhà” đối với người dân ở một số khu vực và hạn chế dời khỏi thành phố trừ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. 

Theo đó, người dân ở hàng loạt khu phố tại 2 quận của Phật Sơn đã được yêu cầu cách ly tại nhà, tức phong tỏa, trong khi cư dân ở một số khu vực khác được nhắc nhở hạn chế ra ngoài và không tụ tập đông người. Những nơi khép kín, như rạp chiếu phim, phòng tập và quán bar phải đóng cửa.

Bắt đầu từ 12h trưa ngày 2/6, những người rời Phật Sơn phải cung cấp kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính hoàn thành trong vòng 72 giờ và xuất trình mã sức khỏe màu xanh tại sân bay, nhà ga và các bến xe bus.

Các quyết định hạn chế đi lại trên được Phật Sơn đưa ra sau khi thành phố Quảng Châu thắt chặt các hạn chế tương tự để đối phó với các biến chủng của Covid-19.

Hôm qua (31/5), Quảng Đông lại ghi nhận thêm 10 ca Covid-19 mới và 2 trường hợp không có triệu chứng trong cộng đồng, tất cả đều ở Quảng Châu. Phật Sơn mới có 2 ca bệnh và 1 trường hợp không triệu chứng hôm 30/5.

Cũng trong ngày 31/5, thành phố Quảng Châu, nơi chiếm hơn 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh, đã chứng kiến ​​hơn 1/3 số chuyến bay bị hủy. Tính đến 11h40 cùng ngày, sân bay quốc tế Bạch Vân của Quảng Châu đã hủy 519 chuyến bay, chiếm 37,34%. Trong năm 2020, sân bay này đã đón 43,77 triệu lượt khách, là sân bay bận rộn nhất thế giới.

Trong khi đó, tại Australia, Cơ quan y tế nước này đang xem xét chuyển vụ việc đăng tải các thông tin sai lệch liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đến cơ quan cảnh sát để tiến hành điều tra, đồng thời cảnh báo các trường hợp này có thể bị phạt tù đến 2 năm.

Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia (TGA) mới đây cho biết cơ quan này có thể sẽ chuyển các bài đăng có thông tin sai lệch về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên Facebook để Cảnh sát liên bang tiến hành điều tra. TGA cũng cảnh báo việc đăng tải thông tin sai lệch về vaccine là hành vi phạm tội hình sự và cá nhân vi phạm có thể bị phạt 2 năm tù.

Tuyên bố của TGA được đưa ra trong bối cảnh trên mạng xã hội Facebook thời gian gần đây xuất hiện một số bài đăng cho rằng con số nạn nhân tử vong do vaccine ngừa Covid-19 tại Australia là rất lớn. Các bài đăng đã trích dẫn Báo cáo an toàn vaccine hàng tuần của TGA và đưa thông tin không chính xác cho rằng tính từ đầu năm đến ngày 23/5 số ca tử vong do vaccine Covid-19 đã lên đến hơn 210 trường hợp, nhưng nguyên nhân tử vong không được đề cập là do vaccine.

Phản ứng trước những thông tin sai lệch này, TGA khẳng định cho đến nay cơ quan y tế chỉ ghi nhận duy nhất một ca tử vong liên quan đến hiện tượng máu đông hiếm gặp và chưa có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

TGA cho biết 3/4 trong số 210 trường hợp tử vong được đề cập là những người trên 75 tuổi. Tuy nhiên, theo TGA việc đăng bài viết sai lệch về số ca tử vong do vaccine Covid-19 kèm theo các chứng thực của TGA và Bộ Y tế là rất đáng lo ngại. TGA sẽ xem xét vụ việc, phối hợp cảnh sát và Facebook để điều tra làm rõ.

Hồi đầu năm nay, một nghị sĩ Quốc hội Australia đã phải dời khỏi đảng Tự do thuộc liên minh cầm quyền tại Australia sau khi ông này đưa ra các tuyên bố và đăng tải thông tin về các phương pháp điều trị Coivd-19 chưa được kiểm chứng. Tài khoản trên Facebook của nghị sĩ này sau đó đã bị xóa.

Chính phủ Australia đã dành một khoản kinh phí lên đến 40 triệu AUD trong hai năm để cung cấp thông tin trên nhiều nền tảng, giúp người dân hiểu rõ về các loại vaccine Coivd-19 đang được sử dụng, tác dụng của vaccine, các phản ứng bất lợi có thể xảy ra, biện pháp xử lý và các địa điểm tiêm vaccine... Bộ Y tế nước này cũng lên kế hoạch từ tháng 7 tới sẽ hợp tác với những người nổi tiếng bao gồm các chuyên gia y tế hàng đầu của đất nước để quảng bá thông tin về vaccine và kêu gọi nhiều người hơn nữa, nhất là những người trẻ tuổi đi tiêm vaccine./.