Máy bay của Mỹ và Canada ngày 29/1 đã chở thiết bị quân sự của Pháp đến Bamako (Mali). Trong số các thiết bị này có cả lều bạt, nước uống, nhà tắm di động.

Sau 18 ngày không kích, Pháp đã hỗ trợ Mali đẩy lui phiến quân cực đoan có liên hệ với al-Qaeda ra khỏi nhiều căn cứ của chúng, trong đó có các thị trấn chiến lược như Gao, Timbuktu.

rtroptp_2_mali.jpg
Cờ của Pháp, Mali, Burkina Faso và Chad được treo tại một trạm kiểm soát của cảnh sát Mali ở Markala (Ảnh: Reuters)

Theo yêu cầu của chính phủ Mali, Pháp đã điều 3.000 quân đến tham chiến ở Mali nhưng khẳng định sẽ chuyển giao vai trò chỉ chỉ huy chính của chiến dịch dài hạn này cho Phái bộ hỗ trợ quốc tế do Liên minh châu Phi đứng đầu (AFISMA). Dự kiến Phái bộ này sẽ lên tới 8.000 binh sỹ. Pháp cũng nêu rõ, dù giai đoạn đầu của chiến dịch giải phóng các thị trấn lớn nhất ở miền Bắc Mali có thể đã hoàn thành, song việc đánh đuổi phiến quân ra khỏi những vị trí ẩn náu nằm sâu hơn trong sa mạc vẫn là thách thức phía trước.

Cùng ngày, lãnh tụ tinh thần tối cao Nhà nước Hồi giáo Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng chỉ trích sự hiện diện của quân đội phương Tây và các nước Tây Phi để bắt đầu một chiến dịch mới nhằm tăng cường hỗ trợ cho quân đội Mali. Hiện có khoảng 2.000 binh sĩ châu Phi và 2.500 binh sĩ Pháp có mặt tại Mali. Cộng động quốc tế quyết định can thiệp vào nước Tây Phi này sau khi lực lượng Hồi giáo vũ trang tại miền Bắc Mali tấn công mạnh mẽ nhằm mở rộng kiểm soát sang miền Nam.

Trong khi đó, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hàng nghìn người dân Mali phải sơ tán do giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng Hồi giáo nổi dậy tại miền Bắc nước này, đang lên kế hoạch để sớm trở về nhà. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng cho biết, họ đang phải đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ để người dân Mali thự hiện được kế hoạch này.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn hy vọng các nhân viên nhân đạo của mình sẽ có thể tiếp cận được thị trấn Gao và một số thành phố khác ở miền Bắc Mali, ngay khi tình hình an ninh cho phép.

Người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Adrian Edwards cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp hàng hỗ trợ khẩn cấp cho 9.000 hộ gia đình Mali, với khoảng 54.000 người. Hàng viện trợ chủ yếu là túi ngủ, chăn, màn chống muỗi, dụng cụ vệ sinh cá nhân… Chúng tôi cũng bắt đầu các hoạt động hỗ trợ tại thị trấn Mopti, nơi có khoảng 40.000 người bị mất nhà ở trong cuộc giao tranh”

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có tổng cộng khoảng 380.000 người dân Mali bị mất nhà cửa trong cuộc giao tranh bùng phát từ năm 2012 tại miền Bắc nước này. Trong đó, 230.000 người đi sơ tán tới các khu vực khác ở trong nước và 150.000 người lánh nạn tại các quốc gia láng giềng là Moritani, Nigeria, Algeria và Burkina Faso.

Hàng nghìn người dân Mali đi sơ tán hy vọng có thể sớm trở về nhà bất chấp điều kiện tại miền Bắc vẫn đang rất khó khăn, khi giao tranh vẫn tiếp diễn và nhiều khu vực đang thiếu trầm trọng nguồn lương thực, năng lượng và nước sạch.

Trước đó, một Hội nghị tài trợ quốc tế dành cho Mali diễn ra ở thủ đô Adi Abeba của Ethiopia đã đạt được cam kết từ các lãnh đạo châu Phi và quan chức quốc tế hỗ trợ 455,5 triệu USD cho các chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi các tay súng Hồi giáo ở miền Bắc Mali, và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Tuy nhiên, các cam kết này vẫn chưa đạt tới con số 960 triệu USD mà Liên minh châu Phi (AU) cho là cần thiết đối với Mali./.