Ông Ebrahim Raisi hôm nay (3/8) chính thức được xác nhận là Tổng thống mới của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng trước.

Theo Hãng thông tấn Tasnim của Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei hôm nay sẽ chính thức xác nhận ông Ebrahim Raisi là Tổng thống mới của nước này trong một buổi lễ. Đại giáo chủ Iran và tân Tổng thống mới sẽ có bài phát biểu trong sự kiện được truyền hình trực tiếp. Buổi lễ nhậm chức sau đó sẽ diễn ra vào 5/8, với việc tân Tổng thống công bố đề xuất nội các.

Một chính phủ mạnh mẽ được thành lập đang được người dân Iran chờ đợi giúp vực dậy nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Một người dân Iran bày tỏ: “Kỳ vọng lớn nhất của tôi, cũng giống như hầu hết những cử tri khác, là ban lãnh đạo mới sẽ giải quyết tốt các bài toán về vực dậy nền kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân. Kế đến là giải quyết tốt đại dịch Covid-19, tăng cường chiến dịch tiêm chủng, đưa ra các giải pháp để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Điều này là thực sự quan trọng”.

Nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát ở Iran sẽ tăng từ 36% năm ngoái lên 39% vào năm 2021 và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 10,8% lên 11,2%. Dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế khi Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2.

Dù chưa chính thức nhậm chức, song ông Ebrahim Raisi gần như đã bắt đầu nhiệm kỳ đầy thách thức của mình với việc khởi động cuộc chiến chống tham nhũng mà ông từng nhiều lần nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử. Chống tham nhũng - “phát súng mở màn” của Tổng thống Raisi đã đem tới kỳ vọng lớn cho người dân Iran, khi vấn đề này được cho là làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Iran. Tân Tổng thống Iran cũng cam kết thúc đẩy sản xuất, khai thác tiềm năng kinh tế  cũng như giảm tỷ lệ lạm phát, tạo thêm nhiều việc làm, tạo môi trường đầu tư ổn định, thắt chặt quan hệ thương mại với các láng giềng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế.

“Chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo đó là hợp tác với tất cả các nước,đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả những người không có ý định làm tổn hại đến Iran”.

Để thực hiện một loạt cam kết trên, ông Raisi và ban lãnh đạo mới sẽ có nhiều việc phải làm. Trước hết là phải kiểm soát đại dịch Covid-19 và khôi phục lại Thỏa thuận hạt nhân với việc Mỹ. Việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cũng đồng nghĩa là giải pháp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, vốn đã tàn phá nền kinh tế của quốc gia này thời gian qua.

Tuy nhiên rõ ràng đây là những nhiệm vụ không hề dễ dàng khi bất đồng giữa Mỹ và Iran còn quá lớn cùng với những trở ngại từ các nước trong khu vực. Vì vậy, lãnh đạo mới của Iran cần tìm được cách tiếp cận phù hợp để phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Giới phân tích kỳ vọng với chiến thắng áp đảo của ông Raisi trong cuộc bầu cử sẽ giúp ông thực hiện chính sách dễ dàng hơn, đưa đất nước Iran vượt qua những khó khăn, nhất là về kinh tế./.