Thái Lan đang chuẩn bị cho đợt bỏ phiếu mới tại các điểm bầu cử bị phong tỏa trong cuộc tổng tuyển cử hôm mùng 2/2 vừa qua cũng như đợt bỏ phiếu sớm diễn ra hôm 26/1  trước đó. Ủy ban bầu cử Thái Lan và chính phủ lâm thời hiện cũng chưa thể nhất trí về việc ai nên quyết định ngày bầu cử cho 28 khu vực  ở miền Nam không có ứng cử viên đăng ký do bị người biểu tình cản trở. Tiến trình bầu cử kéo dài với dự đoán kết quả cuối cùng sẽ khó được công bố  trong vài tháng nữa khiến bế tắc chính trị tại Thái Lan khó được giải quyết.

bieu%20tinh%20thai%20lan.jpg
Người biểu tình Thái Lan (ảnh: VOR)

Theo Ủy viên Ủy ban bầu cử Thái Lan Somchai Srisuthiyakorn, đợt bỏ phiếu mới sẽ được tổ chức tại 7 tỉnh, nơi các địa điểm bỏ phiếu bị người biểu tình phong tỏa hôm 2/2. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để tiến hành đợt bỏ phiếu mới này hiện vẫn chưa được công bố.  

Trong khi đó, ông Somchai khẳng định rằng sẽ không tiến hành bỏ phiếu lại tại các điểm bỏ phiếu diễn ra bỏ phiếu dở dang, mà thay vào đó Ủy ban bầu cử sẽ tiến hành kiểm số phiếu đã được bỏ hợp lệ. Ngoài ra, Ủy ban bầu cử cũng yêu cầu chính phủ tạm quyền ban sắc lệnh hoàng gia mới để ấn định thời điểm bầu cử mới tại các tỉnh miền Nam không có ứng cử viên đăng ký do bị người biểu tình cản trở. Theo số liệu của Ủy ban bầu cử, có 46,79% số cử tri trên cả nước đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014.

Trong một động thái gây sức ép lên chính phủ lâm thời, một nhóm nông dân biểu tình ở Bangkok đã đặt thời hạn chót yêu cầu chính phủ Thái Lan phải thanh toán tiền mua gạo chậm nhất vào ngày 15/2 tới. Ngoài ra, những người này cũng đệ đơn lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia kiện chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo.

Lực lượng biểu tình chống chính phủ cho biết sẽ có các hoạt động quyên tiền để hỗ trợ nông dân.  

Nhằm xoa dịu sự tức giận của người nông dân, Thủ tướng Yingluck cho biết, tất cả các nông dân tham gia chương trình trợ giá sẽ được nhận đủ số tiền thanh toán và chính phủ sẽ tìm các nguồn vay tài chính để trả cho nông dân trong thời gian sớm nhất. Bà cũng cho rằng, vấn đề thanh toán tiền mua gạo chậm đang bị chính trị hóa nhằm mục đích tấn công chính phủ và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.

Theo tờ Bưu điện Bangkok, Trung tâm Duy trì trật tự và hòa bình Thái Lan hôm qua đã cấm 58 lãnh đạo lực lượng biểu tình rời khỏi đất nước.

Với tiến trình bầu cử chưa hoàn thành, căng thẳng chính trị giữa chính phủ và lực lựợng đối lập tiếp diễn, giới phân tích nhận định bất ổn hiện nay tại Thái Lan sẽ không sớm chấm dứt. Thay vào đó, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.

Một chuyên gia phân tích Thái Lan Kreengsak Chareonwongsak nhận định: “3 hay 4 tháng tới sẽ nhiều khó khăn. Trước hết đó là sự đối đầu giữa chính phủ và lực lượng đối lập. Xung đột, đối đấu sẽ tiếp tục kéo dài tại Thái Lan. Chúng tôi đã học cách để sống với những điều này cho đến khi nó được giải quyết với một số giải pháp thực tế và khả thi cho tất cả các bên”.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Thái Lan trong tháng 1 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 26 tháng qua do bất ổn chính trị kéo dài. Chỉ số niềm tin tiêu dùng là một chỉ số đo mức độ lạc quan của người tiêu dùng về nền kinh tế đất nước cũng như tình hình tài chính cá nhân./.