Hôm qua (1/7), Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã đề nghị từ chức vị trí Bộ trưởng Nội vụ và vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong một cuộc họp kín với các thành viên trong ban lãnh đạo đảng.Ông Seehofer. Ảnh: BR.
Động thái này của ông Seehofer diễn ra trong bối cảnh giữa ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) có những bất đồng sâu sắc trong chính sách tị nạn.
Phát biểu trước báo giới Đức sau cuộc họp của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo hôm 1/7, ông Seehofer cho rằng cuộc gặp với bà Merkel trước đó 1 ngày là “vô ích và vô tác dụng”, vì những đề xuất mà bà Merkel đưa ra vẫn chưa phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tị nạn mà nước Đức đang phải đối mặt.
Ông Seehofer nói: “Tôi và bà Angela Merkel từ trước đến nay luôn tìm ra giải pháp trong mọi vấn đề. Nhưng trong thời gian tới, nếu bà Merkel vẫn tiếp tục làm mọi việc theo phương châm của bà ấy, thì tôi sẵn sàng từ chức”.
Hiện nhiều thành viên trong ban lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo đang cố gắng thuyết phục để chính trị gia này thay đổi quyết định.
Trước đó, bà Merkel thông báo trên truyền hình Đức rằng, sau khi Liên minh châu Âu đạt được thoả thuận về tị nạn tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, nước Đức cũng đã ký được thoả thuận song phương với 14 nước nhằm kiểm soát dòng tị nạn thứ cấp, tức những người tị nạn lưu chuyển trong nội bộ các nước EU.
Tuy nhiên, điều này trái ngược với quan điểm của Bộ trưởng Nội vụ. Ông Seehofer trước đó đã yêu cầu bà Merkel cứng rắn hơn trong chính sách đối với người tị nạn.
Về vấn đề này, bà Merkel cho biết: "Tôi đã thảo luận vấn đề người tỵ nạn với Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Theo tôi thì một Thủ tướng và một Bộ trưởng nội vụ cần phải thống nhất được quan điểm. Tình hình an ninh ở Đức đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì thế mà Đức đã ký thỏa thuận với các nước châu Âu về người tị nạn”.
Thủ tướng Đức thừa nhận khủng hoảng di cư có thể quyết định số phận EU
Động thái của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer đang khiến tương lai của Chính phủ bà Merkel trở nên mong manh hơn bao giờ hết, bởi vì đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel đang phải dựa vào đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo để duy trì quyền lực.
Căng thẳng trong nội bộ liên đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trở nên nghiêm trọng sau khi Bộ trưởng Nội vụ Seehofer gây sức ép với bà Merkel bằng việc yêu cầu Thủ tướng tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới và không tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU. Ông Seehofer đe dọa sẽ thực hiện "kế hoạch tổng thể di dân" của ông mà không cần sự chấp thuận của Thủ tướng Merkel. Đáp lại, bà Merkel cảnh báo sẽ sa thải ông Seehofer nếu ông này có hành động thách thức.
Giới phân tích lý giải, động thái của Bộ trưởng Seehofer là do đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo của ông đang phải đối mặt với thách thức từ phía đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới. Do đó, một lập trường cứng rắn về di cư đang là cách hiệu quả nhất để tránh những thách thức của các nhà dân túy. Thế nhưng, điều này lại đang khiến chính trường Đức điêu đứng, đe dọa sự sụp đổ của một liên minh cầm quyền chỉ sau ít tháng được hình thành./.