Hợp tác du lịch, quân sự, kinh tế, điện hạt nhân và hiệp định thương mại tự do giữa Ai Cập và Liên minh kinh tế Á-Âu là những nội dung quan trọng nhất sẽ được hai tổng thống thảo luận trong cuộc gặp này. Trong đó, hai bên sẽ ưu tiên trao đổi mở lại các chuyến du lịch từ Nga tới Ai Cập. Sau vụ tại nạn máy bay của Nga tại bán đảo Sinai của Ai Cập tháng 10 năm 2015 cướp đi sinh mạng của 224 công dân Nga, các hãng hàng không nước này đã dừng hoàn toàn các chuyên bay thương mại tới Ai Cập. Các chuyến bay trực tiếp từ Moscow tới Cairo mới được nối lại hồi tháng tháng 4 vừa qua.

nga_ai_cap_iols.jpg
Tổng thống Ai Cập và Tổng thống Nga sẽ thảo luận 5 trọng tâm hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Sputnik

Trong lĩnh vực quân sự, Nga và Ai Cập đã mở rộng hợp tác trong thời gian qua. Sự hợp tác này cho phép các lực lượng vũ trang của các cơ quan an ninh Ai Cập có thể giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả hơn nhất là các cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Ai Cập năm 2016 và năm 2017.

Trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Nga và Ai Cập hiện nay đã vượt quá 6,5 tỷ đôla. Hai bên cũng tăng cường các cuộc đàm phán về việc hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á Âu và Ai Cập. Các hiệp định hợp tác với EU bảo đảm cho tất cả các thành viên tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động và các chính sách trong các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế như thương mại, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nga và Ai Cập lên tầm cao mới nhằm phục vụ lợi ích của hai nước và duy trì sự ổn định trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng kinh nghiệm làm việc hiệu quả chung và dựa vào các nguyên tắc hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau là nền tảng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ngày hôm nay. Hai nước luôn hợp tác để giải quyết nhiều của cuộc khủng hoảng và xung đột ở khu vực trên phương diện chính trị và ngoại giao, duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông, đoàn kết cùng cộng đồng quốc tế để chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt./.