“Chúng ta đang tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trên Trạm không gian quốc tế ISS. Chúng ta cũng sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình với các đối tác, nhưng quyết định rút khỏi trạm sau năm 2024 đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này chúng ta nên bắt đầu đầu xây dựng một trạm không gian của riêng mình”.
Đó là những tuyên bố của ông Yuri Borisov, người vừa được bổ nhiệm điều hành Roscosmos, tập đoàn do nhà nước Nga kiểm soát phụ trách chương trình vũ trụ đưa ra trong cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thông tin này khá bất ngờ khi trước đó, hôm 15/7, NASA và Roscosmos đã ký một thỏa thuận nhằm tích hợp các chuyến bay lên Trạm không gian quốc tế ISS, cho phép các phi hành gia Nga bay trên tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất và ngược lại, các phi hành gia Mỹ có thể đi trên tàu Soyuz của Nga. Việc Nga thông báo rút khỏi ISS sau năm 2024 cũng phủ bóng lên tương lai hợp tác vũ trụ Nga-Mỹ, yếu tố quyết định duy trì sự tồn tại của Trạm không gian quốc tế này.
Phản ứng trước thông tin trên, Mỹ cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ Nga. Tuy nhiên Mỹ cũng đang xem xét nghiêm túc các tuyên bố công khai.
Người Phát ngôn Nhà Trắng Ned Price bày tỏ “sự đáng tiếc” trong khi đó Thư ký Báo chí Karine Jean-Pierre cho biết: “Chính phủ Nga không thông báo cho Mỹ về ý định rút khỏi ISS của họ. Như tôi đã nói, chúng tôi đã xem bình luận của họ, chúng tôi đã thấy báo cáo về điều đó. Chúng tôi đang tìm hiểu các phương án để giảm thiểu các ảnh hưởng có thể xảy ra đối với ISS sau năm 2024 nếu Nga rút khỏi Trạm. Về phần mình, chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với các đối tác của ISS để đảm bảo hoạt động an toàn của Trạm và các phi hành gia trên Trạm”.
Các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá đa chiều trước thông tin của Nga vừa đưa ra. Việc thông báo rút khỏi ISS trước năm 2024 cho thấy Nga vẫn còn bỏ ngỏ khả năng “rút lại” thông tin này và đây chỉ là một động thái nhằm “nắn gân” Mỹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, việc cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030 khiến các bên sẽ phải đổ vào đó một số tiền khổng lồ để đầu tư sửa chữa trạm trong khi các giá trị mà ISS đem lại không còn hiệu quả đối với Nga trong môi trường địa chính trị hiện nay.
Trạm ISS được phóng vào không gian năm 1998 với sự hợp tác của các cơ quan vũ trụ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và châu Âu. Trạm được chia thành các khu vực của Nga và Mỹ, trong đó khu vực của Mỹ sau này do Mỹ và những nước khác tham gia dự án điều hành.
Trạm không gian ISS cũng được coi là biểu tượng còn sót lại về hợp tác Nga – Mỹ xung quanh “cơn bão” căng thẳng giữa hai nước liên quan đến xung đột Nga – Ukraine và nếu chấm dứt sự hợp tác này sẽ là “một bước lùi” không chỉ đối với hợp tác vũ trụ giữa Nga- Mỹ mà còn đối với cả hợp tác vũ trụ quốc tế.
Bởi thực tế trạm ISS được thiết kế trên có sở tương hỗ, chính vì vậy Nga và Mỹ đều không thể hoạt động mà không có bên kia. Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng điện trong khi đó Mỹ phụ thuộc Nga về lực đẩy, kiểm soát, diễn tập và khử bão hòa con quay hồi chuyển. Thời gian còn lại quá ngắn để Mỹ và các bên có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại./.