Chương trình nghị sự bên cạnh nội dung thảo luận sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, các ngoại trưởng NATO còn đặc biệt chú trọng vào sứ mệnh huấn luyện tại Afghanistan, nơi mà liên minh hơn 70 năm tuổi đang lưỡng lự giữa đi hay ở.

Cuộc họp các ngoại trưởng NATO diễn ra trong bối cảnh, chính phủ Afghanistan và Taliban đã nhất trí về nguyên tắc đối thoại, chính vì thế việc đi hay ở của NATO tại Afghanistan được quan tâm sâu sắc. Vấn đề chính hiện nay là theo bản thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban, có đề cập rằng toàn bộ quân đội quốc tế, bao gồm quân đội NATO, cần phải rút hoàn toàn khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Trước quyết định quan trọng này, không quá khó hiểu khi tại cuộc họp hôm qua (2/12), NATO vẫn chưa có quyết định gì mới và vẫn duy trì sứ mệnh huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ tại Afghanistan.

Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: "Tiến trình hòa bình ở Afghanistan không nên bị đe dọa bởi việc rút quân sớm. Đó là lý do tại sao chúng tôi xem xét các thông báo từ Mỹ trong những tuần sau khi Mỹ và Taliban đạt thỏa thuận. Đây là thỏa thuận có tầm quan trong tiến trình bảo vệ hòa bình, cũng như về chính sách an ninh tại Afghanistan. Chính vì thế, cần sự hiện diện quân sự quốc tế ở Afghanistan cho đến khi các cuộc đàm phán tại nước này thành công và Afghanistan được trao vào tay người dân nước này."

Dự kiến, sau cuộc cuộc họp bộ trưởng quốc phòng sẽ diễn ra vào tháng 2/2021 tới, NATO sẽ đưa ra quyết định về sứ mệnh tại Afghanistan. Việc này được coi là hợp lý bởi khi đó ứng cử viên được xác định đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vừa rồi là ông Joe Biden chính thức nhậm chức. Khi đó, dưới thời ông Biden, có thể quan điểm của Mỹ về việc rút quân tại Afghanistan sẽ có ít nhiều thay đổi dù nhiều khả năng chính quyền mới của Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm rời Afghanistan càng sớm càng tốt.

Ngoài vấn đề về Afghanistan, tại cuộc họp vào hôm 2/12, các ngoại trưởng thống nhất rằng NATO cần "đóng một vai trò lớn hơn trong trật tự quốc tế". Được một số người coi là tàn tích của Chiến tranh Lạnh cho đến khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương rốt cuộc đã tìm thấy mục đích mới trong việc hiện đại hóa quân đội của mình. Theo đó, các ngoại trưởng nhất trí, NATO phải mở rộng đáng kể phạm vi của mình để giúp đối phó với biến đổi khí hậu, đại dịch trong tương lai và chủ nghĩa khủng bố trong khi tập trung vào các mối đe dọa an ninh mới từ Trung Quốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, NATO sẵn sàng duy trì phối hợp với Trung Quốc như hiện nay trên cơ sở tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng được NATO coi là mối đe doạ chính đối với liên minh trong thập kỷ tới. Theo NATO, Nga đang duy trì quân đội mạnh và tăng cường kho vũ khí hạt nhân, đặt ra mối đe doạ trên toàn lãnh thổ NATO.

Trong các phiên họp riêng rẽ, ngoại trưởng NATO và các đối tác còn tiến hành một số cuộc thảo luận khác về các vấn đề quan hệ với Nga, kiểm soát vũ khí, an ninh khu vực, tương lai của NATO, tăng cường quan hệ cũng như các giá trị chung giữa NATO và các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.../.